Phần IV: Thông tấn xã Việt Nam trong mùa xuân đại thắng:

Những “cánh quân Thông tấn”

Những ai theo dõi lịch sử nước nhà chắc còn nhớ rõ: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 21 họp tháng 7/1973 là một trong những văn kiện lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến tranh giành thắng lợi trong giai đoạn kết thúc. Cụ thể hóa Nghị quyết 21 về quân sự, Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 3/1974 đề ra chủ trương kiên quyết phản công ngụy quân, ngụy quyền, vận dụng linh hoạt trên cả ba vùng chiến lược. Tháng 7/1974, kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam được khởi thảo.


Nhà báo, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng tại mặt trận Quảng Trị năm 1972.



Tháng 10 và tháng 12/1974, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường hai lần họp hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai giai đoạn 1975 - 1976. Ta xác định trong năm 1975 làm cho lực lượng ta lớn mạnh vượt bậc, mở nhiều đợt tiến công làm cho lực lượng đối phương suy yếu nhanh chóng, tạo điều kiện chín muồi để Tổng công kích- Tổng khởi nghĩa năm 1976. Mục tiêu năm 1976 là phát động Tổng công kích- Tổng khởi nghĩa đánh lớn, đánh nhanh, tiêu diệt từng sư đoàn ngụy, đánh vào Sài Gòn là chỗ hiểm yếu nhất, giành thắng lợi cuối cùng. Ngoài kế hoạch cơ bản trên, ta còn dự kiến kế hoạch thời cơ: “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Sau chiến thắng Tây Nguyên, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong năm 1975. Trước đà chiến thắng lớn ở cả Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm chiến lược “giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa tháng 5/1975”. Ngày 9/4/1975, ta bắt đầu tiến công tạo thế ở Đông bắc- Tây nam Sài Gòn và tập trung tiêu diệt quân ngụy ở toàn miền Đông Nam Bộ.

Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị đã chỉ định 3 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đang có mặt tại chiến trường là đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị về chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định và thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy, các đồng chí Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh, Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy, Lê Ngọc Hiến làm quyền Tham mưu trưởng. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã chính thức đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn, kết thúc chiến tranh, chiến dịch Quyết chiến chiến lược lịch sử.

Là một cơ quan suốt đời gắn bó với vận mệnh của Tổ quốc và là một trong những binh chủng truyền thông đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng, TTXVN thời gian ấy được Trung ương giao nhiệm vụ tham gia tích cực vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói trên.

Theo sự chỉ đạo của Trung ương, từ sau Tết Ất Mão 1975, Tổng giám đốc Đào Tùng đã dẫn một lực lượng mạnh gồm các phóng viên tin, ảnh và nhân viên kỹ thuật từng trải, có kinh nghiệm vào thẳng TTXGP lúc bấy giờ để bàn bạc với đồng chí giám đốc Bảy Lý và Ban lãnh đạo TTXGP, chuẩn bị về hậu cần, phương tiện, lực lượng, tập dượt và triển khai đội hình, ém sẵn để chờ ngày xuất quân khi có lệnh. Vì ở trong R đã lâu, lại không thông thạo với đường đất Sài Gòn do Mỹ-ngụy chiến đóng nhiều năm, cộng với tình trạng phương tiện, xe máy và dụng cụ tác nghiệp thiếu thốn và lạc hậu không như bây giờ, nên ai nấy cũng lo lắng. Tuy nhiên, mọi người đều phấn chấn và tự hào sẽ được là những nhân chứng của lịch sử “ngàn năm có một”, nên không khí chuẩn bị rất sôi nổi, khẩn trương và rất hào hùng.

Ở tuyến miền Trung, từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế ra Quảng Đà (Quảng Nam- Đà Nẵng bây giờ), Phó Tổng giám đốc Đỗ Phượng cũng dẫn một cánh quân tương tự vào Quảng Bình- Quảng Trị chờ sẵn sau khi ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên để đưa tin về chiến thắng Thừa Thiên- Huế và Quảng Đà lúc đó, sẵn sàng xốc tới phía Nam.

Ở Tổng xã số 5 Lý Thường Kiệt, Phó Tổng giám đốc Lê Chân được cử làm quyền Tổng giám đốc, cùng với Phó Tổng giám đốc Hoàng Tư Trai chỉ đạo toàn bộ công tác của TTXVN tại Hà Nội và các phân xã ở các tỉnh miền Bắc, sao cho vừa thông tin chu đáo về các nhiệm vụ nặng nề của miền Bắc với trách nhiệm chi viện khẩn trương, kịp thời cho chiến trường miền Nam, vừa phải theo dõi chặt chẽ thông tin từ chiến trường miền Nam gửi ra để truyền đi khắp cả nước. Một trong những nhiệm vụ TTXVN được giao lúc bấy giờ là phải cung cấp thông tin diễn biến của chiến trường 24/24 giờ mỗi ngày cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, không một phút nào được mất tin. Bộ Biên tập phải chủ trì nhiều cuộc họp để phối hợp công việc chặt chẽ giữa Ban Biên tập tin miền Nam, Ban Biên tập tin Thế giới, phòng Thông tấn Quân sự đặt tại TTXVN khi đó, Cục Kỹ thuật, Văn phòng và Ban Thư ký của Bộ Biên tập. Các vật tư, phương tiện, máy móc và những con người cụ thể phải được chuẩn bị và phân công rõ ràng, chu đáo, nhất là các máy teletype, telex, các máy thu các đài phát thanh của phương Tây và đài Sài Gòn được chạy thử liên tục.

Các đường dây nóng được thiết lập trực tiếp với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, nhất là với Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Một bộ phận chuyên theo dõi và lấy tin phương Tây qua các máy teletype và thu tin từ các đài phát thanh của phương Tây và Sài Gòn được quyền Tổng giám đốc Lê Chân quyết định giao cho tôi trực tiếp chỉ đạo và chịu mọi trách nhiệm với Bộ Biên tập nếu xảy ra sai sót gì. Lúc đó ta tính trước rằng, khi đánh vào Sài Gòn chắc phóng viên ta chưa thể vào kịp và tác nghiệp ngay, kể cả quân đội cũng không thể báo cáo tức khắc ra Trung ương nhanh bằng thông tin của các phóng viên phương Tây thường trú tại Sài Gòn dịp đó tập trung khá đông về đây để đưa tin về sự kiện quan trọng này và bằng chính đài Phát thanh Sài Gòn của chính quyền ngụy. Không khí lúc đó vô cùng rạo rực nên ai cũng lo lắng về trách nhiệm của mình. Nhưng trong bối cảnh chuẩn bị khẩn trương, hồ hởi và náo nhiệt đó, ai ai cũng sẵn sàng lao vào công việc khi “thời khắc lịch sử” tới.

(Còn tiếp)

Hồ Tiến Nghị

“Lính thông tấn” thăm chiến trường xưa
“Lính thông tấn” thăm chiến trường xưa

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2015) và 55 năm thành lập Thông tấn xã giải phóng (12/10/1960 -12/10/2015), gần 100 cựu phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có chuyến trở lại thăm chiến trường xưa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN