Ngụy trang trong kỷ nguyên tàng hình - Kỳ cuối

Kỳ cuối: Công nghệ của tương lai


Trong tương lai, ngụy trang có thể sẽ trở nên vô dụng. Khi mà ống nhòm đêm, kính hồng ngoại và các thiết bị phát hiện mục tiêu tinh vi hơn trở thành những trang thiết bị phổ biến trong quân đội thì ngụy trang sẽ không còn phát huy tác dụng nữa. Và chắc chắn nó sẽ không đóng một vai trò nào trong các cuộc không chiến, vì những chiếc máy bay siêu tàng hình F-22 và F-35 sẽ bắn tên lửa vào mục tiêu từ bên ngoài tầm nhìn và đối phương sẽ không bao giờ biết được họ bị cái gì tấn công.


Kiểu ngụy trang thích ứng với môi trường xung quanh để che giấu xe tăng.

 

Nhưng điều đó cũng đặt ra một câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra nếu cả hai bên đối kháng đều sử dụng công nghệ tàng hình - tức về cơ bản không thể quan sát được khi ở bên ngoài tầm nhìn? Khi đó, các quân đội có thể sẽ quay trở lại với các cuộc cận chiến trên không trực tiếp sử dụng “súng máy và quan sát bằng mắt thường”. Đó là lúc ngụy trang lại lên ngôi.


Nhưng rồi đến một lúc nào đó, người ta sẽ phát minh ra những kiểu ngụy trang cơ bản. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tôkyô của Nhật Bản đã chế tạo một kiểu ngụy trang quang học. Theo đó, các máy ảnh sẽ chụp lại cảnh vật ở ngay sau một vật thể rồi chiếu cảnh đó lên một đồng phục hay bề mặt một chiếc xe được phủ lớp vật liệu phản xạ công nghệ cao. Biện pháp này sẽ giúp tạo ra những binh sĩ hay những chiếc xe tăng trong suốt, nếu người ngoài quan sát từ những góc độ phù hợp với hình ảnh đó.


Trong khi đó, tập đoàn BAE System của Anh đang nỗ lực tạo ra một kiểu ngụy trang hiện đại hơn nhiều, có thể thích ứng với môi trường xung quanh để che giấu xe tăng hay các loại phương tiện di chuyển khác. Hệ thống này sẽ sử dụng các cảm biến để ghi lại cảnh vật xung quanh rồi đưa ảnh điểm điện tử lên các mặt bên của xe tăng để hiển thị hình ảnh tổng hợp các cảnh vật và màu sắc trong khu vực xung quanh. Như vậy chiếc xe tăng này sẽ di chuyển giống như một con tắc kè lập tức biển đổi màu sắc cơ thể khi nó bò từ sa mạc ra đồng cỏ.


Áo choàng tàng hình trong một dự án mà quân đội Mỹ đang theo đuổi.

 

Các công ty khác đang phát triển những hệ thống sử dụng tấm kính điện thông minh có thể thay đổi màu sắc và độ trong suốt khi có nguồn điện thế thấp chạy qua. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng chỉ ra rằng giải pháp này chỉ phát huy tác dụng đối với các bước sóng có thể nhìn thấy, trong khi kỹ thuật ngụy trang trên chiến trường trong tương lai sẽ cần phải bao trùm hầu hết phổ điện từ, tức không chỉ có ánh sáng có thể nhìn thấy mà cả hồng ngoại và vi sóng.


Các nhà vật lý học tại Đại học Duke (Mỹ) đang tiến hành nghiên cứu về quang học biến thể, phát triển một loại “áo tàng hình” được nhúng các mạch điện có thể kiểm soát và bẻ cong ánh sáng xung quanh vật thể, giống như nước chảy quanh một tảng đá dưới suối. Như vậy, não của người quan sát sẽ xử lý tín hiệu quang học đó như là ánh sáng đi xuyên qua vật thể, khiến vật đó trở nên tàng hình. Đến nay, nỗ lực của Đại học Duke chỉ có thể hoạt động trong các tần số vi sóng chứ không phải đối với ánh sáng có thể nhìn thấy.


Trên thực tế, quân đội Mỹ đang theo đuổi dự án phát triển một loại vải ngụy trang mà một ngày nào đó có thể khiến các binh sĩ của họ hoàn toàn tàng hình. Các nhà sản xuất khẳng định vật liệu này, tạo hiệu ứng giống áo choàng tàng hình của Harry Potter, thậm chí có thể đánh lừa cả ống nhòm đêm. Công nghệ này sẽ rất có giá trị đối với những phi công buộc phải thoát hiểm tại địa bàn của kẻ địch và tránh bị bắt giữ. Nó cũng sẽ cho phép các lực lượng đặc nhiệm tiến hành đột kích ngay giữa ban ngày mà không bị phát hiện; đồng thời cho phép tạo ra thế hệ máy bay tàng hình tiếp theo, không chỉ rađa mà ngay cả mắt thường cũng không thể phát hiện. Bên cạnh đó, vật liệu này sẽ giúp tàu ngầm tàng hình khi nổi lên trên mặt nước gần hạm đội của đối phương.


Tuy nhiên cho đến nay, kiểu ngụy trang duy nhất thực sự hiệu quả chính là công nghệ ngụy trang điện tử (tàng hình), trong đó có việc phủ các lớp hấp thu sóng rađa, che đậy dấu vết nhiệt có thể phát hiện bằng hồng ngoại và tạo các hình dạng không phản hồi tín hiệu rađa. Không giống như ngụy trang thông thường, người ta có thể xác định được độ hiệu quả của kỹ thuật tàng hình, chỉ đơn giản bằng việc đo mặt cắt rađa của một phương tiện tàng hình. Liệu nó lớn như một máy bay chở khách hay nhỏ như một con chim ruồi. Nhưng ngay cả công nghệ tàng hình kiểu này cũng phải nhờ đến sự che chở của bóng đêm hay khoảng cách ngoài tầm quan sát. Một máy bay tàng hình đậu vào giữa trưa nắng chói chang cũng chỉ là một chiếc máy bay thông thường. Quan sát từ kính tiềm vọng của tàu ngầm thì một con tàu tàng hình cũng chỉ là một con tàu trông dị dạng mà thôi.


Tất cả các lý thuyết nói trên, từ sơn màu phá nét, các mô hình và kiểu dáng gây nhầm lẫn đến cách thức não bộ xử lý tín hiệu quang học, nghe ra đều vô cùng thú vị, nhưng đó là một trong những bình diện chiến tranh và chiến thuật cuối cùng mà chúng ta vẫn không thể biết chắc rằng cái gì sẽ hiệu quả và cái gì không.

 

Huy Lê

Ngụy trang trong kỷ nguyên tàng hình - Kỳ III
Ngụy trang trong kỷ nguyên tàng hình - Kỳ III

Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, hầu hết các binh sĩ vẫn mặc đồng phục một màu, điển hình là kaki, xanh lá cây hay xanh xám. Người Nhật Bản không mặc đồ ngụy trang nhưng có sử dụng cành lá trong chiến tranh du kích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN