40 năm ngày Giải phóng miền Nam- Phần IV: Thông tấn xã Việt Nam trong Mùa Xuân đại thắng

Người trao tấm bản đồ Sài Gòn cho Trung đoàn 66

Cùng với tổ mũi nhọn tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4, phóng viên ảnh Đinh Quang Thành (Thông tấn xã Việt Nam) đã chụp được nhiều bức ảnh vào thời khắc trọng đại của lịch sử. Ông cũng chính là người trao tấm bản đồ Sài Gòn cho Trung đoàn 66, đơn vị đánh thọc sâu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tới Nha bản đồ Đà Lạt

Tổ mũi nhọn của nhóm phóng viên tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh có phóng viên tin Trần Mai Hưởng, phóng viên ảnh Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, một điện báo viên. Tất cả tiến vào chiến trường bằng chiếc xe commăngca đít vuông. Khi đi, tất cả đều được trang bị súng, có cả súng tiểu liên để chiến đấu dọc đường như một xe quân sự thực thụ.

Nhà báo Đinh Quang Thành tặng Trung tướng Phạm Xuân Thệ bức ảnh chụp Ban chỉ huy Trung đoàn 66 họp tác chiến bằng tấm bản đồ mà nhà báo Đinh Quang Thành tặng.



Trên đường chiến dịch, trong rừng cao su ở phía tây Xuân Lộc, đồn điền Ông Quế (Long Thành, Đồng Nai), ông và phóng viên Hứa Kiểm được giao nhiệm vụ đi theo mũi thọc sâu, trong đó có Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 và Trung đoàn 66 (còn gọi là Trung đoàn Khe Sanh, Sư đoàn 304), một trong hai đơn vị chủ công đánh vào Dinh Độc lập. Đây cũng chính là dịp mà nhà báo Đinh Quang Thành có cơ hội tiếp xúc với ban chỉ huy Trung đoàn và trao tấm bản đồ Sài Gòn ngay trước những giây phút quyết định nhất của cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam. Nhưng vì sao nhà báo Đinh Quang Thành lại có được tấm bản đồ này?

Theo lời kể của nhà báo Đinh Quang Thành, sau giải phóng Phan Rang, ngày 18/4, ông và phóng viên Vũ Tạo, Hứa Kiểm đi một chiếc xe commăngca lên Đà Lạt vừa giải phóng trước đó hai ngày. Trên đường đi, đến sông Dinh, con sông chạy ngang đường qua từ Phan Rang lên Đà Lạt, vì cầu qua sông bị địch đánh gẫy, xe commăngca không qua sông được. May mắn sao, cũng đúng lúc ấy có một chiếc xe vận tải khai thác gỗ rừng của những người làm rừng ở miền Nam đi qua. Biết được đây là nhóm phóng viên chiến trường, họ cho xe cẩu qua sông. Vì vậy cả đoàn lên Đà Lạt và ngày hôm sau đến Nha bản đồ. Đây là nơi in bản đồ của chính quyền Sài Gòn cũ, trong đó có một nhà in đang in bản đồ Sài Gòn.

“Khi vào làm việc, anh Hứa Kiểm, Vũ Tạo còn đang nghe trả lời phỏng vấn của đồng chí chỉ huy, thì tôi quan sát thấy một chồng bản đồ rất to bèn tới xem thì thấy đó là bản đồ Sài Gòn. Với suy nghĩ, nếu có bản đồ này thì khi vào thành phố mình có thể xem đường, tới nơi cần đi, cần đến. Vì vậy tôi đã lấy hai cái, gập nhỏ cho vào ba lô”, nhà báo Đinh Quang Thành nhớ lại.

Tặng bản đồ cho Ban chỉ huy Trung đoàn

Từ Đà Lạt, nhóm phóng viên định đi Xuân Lộc nhưng các đồng chí ở Quân đoàn 3 nói họ nên quay trở lại Phan Rang, đi Phan Thiết, từ đó có thể cùng với Quân đoàn 2 vào Sài Gòn sớm hơn.

Bức ảnh chụp Ban chỉ huy Trung đoàn 66 họp tác chiến bằng tấm bản đồ mà nhà báo Đinh Quang Thành tặng.



“Vì vậy chúng tôi lại quay trở lại Phan Rang và mới có cuộc gặp gỡ với Ban chỉ huy của Trung đoàn 66 trong rừng sao su ở đồn điền Ông Quế. Khi thấy các anh ấy giở tấm bản đồ nhỏ, in rất mờ ra để họp tác chiến thì tôi nói: Tôi xin tặng Trung đoàn 66 một tấm bản đồ. Ngay trong rừng cao su, các đồng chí trong Ban chỉ huy Trung đoàn đã cất tấm bản đồ kia đi, tất cả quây quần bên tấm bản đồ tôi tặng to bằng chiếc chiếu in màu rất rõ đường phố Sài Gòn”, ông Thành kể.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với các phóng viên trong tổ mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên Đinh Quang Thành đã chụp được nhiều thước phim mang giá trị lịch sử vô cùng quý giá. Trong đó, có những bức ảnh như: Cắm cờ trên Dinh Độc lập, các xe tăng mang số hiệu 390, 843, cũng như nhiều bức ảnh về nội các chính quyền ngụy những giây phút cuối cùng. Dịp 30/4 năm nay, nhà báo Đinh Quang Thành sẽ tổ chức triển lãm cá nhân ở Bảo tàng Phụ nữ. Sẽ có khoảng 80 tấm ảnh khổ lớn, trong đó có nhiều bức ảnh về Dinh Độc lập được trưng bày. Nhà xuất bản Thế giới cũng sẽ in một cuốn sách ảnh về chiến tranh của ông và cũng phát hành vào dịp này. Sách chủ yếu phát hành ra quốc tế, in bằng hai ngữ Anh và Pháp.

Tại buổi giao lưu ngày 15/4/2015, nhân dịp 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn Vinh Quang (Sư đoàn 304), Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại: “Khi được nhận nhiệm vụ trong binh đoàn thọc sâu tiến công vào thành phố Sài Gòn thì chúng tôi rất lúng túng vì không biết nội đô thành phố như thế nào. Trong tay chỉ có bản đồ quân sự chứ không có bản đồ hành chính của thành phố. Ngày 22/4, khi ban chỉ huy họp bàn phương án tác chiến đánh vào nội đô thành phố Sài Gòn thì nhà báo Đinh Quang Thành đến dự. Khi chúng tôi trải tấm bản đồ quân sự ra để đánh dấu Dinh Độc lập nằm chỗ nào, đài phát thanh nằm chỗ nào, cảng Ba Son nằm chỗ nào thì nhà báo Đinh Quang Thành đưa bản đồ hành chính của thành phố Sài Gòn ra cho chúng tôi. Chúng tôi thấy rất may mắn và phấn khởi vì vào thành phố mà không biết đường đi thì chắc chắn sẽ lạc”.

Nhờ có tấm bản đồ đó mà đơn vị đã xác định từ vị trí tiến công của binh đoàn thọc sâu vào đến Dinh Độc lập thì qua bao nhiêu ngã ba, bao nhiêu ngã tư và đến ngã tư nào rẽ trái, ngã tư nào rẽ phải. “Sáng 30/4, sau khi tiêu diệt địch ở đầu cầu Sài Gòn, chúng tôi đến ngã tư Hàng Xanh thì rẽ trái, qua cầu Thị Nghè đi đường Thống Nhất để vào Dinh Độc lập. Chúng tôi vào Dinh Độc lập sớm nhất, bắt được toàn bộ nội các Dương Văn Minh và dẫn giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trưa ngày 30/4”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể tiếp.

Về sau, tấm bản đồ này được Trung đoàn chuyển lại cho Sư đoàn 304 và bây giờ được lưu giữ tại Quân đoàn 2. Bức ảnh chụp ban chỉ huy đang bàn phương án tác chiến tiến công vào Sài Gòn bằng tấm bản đồ hiện đang lưu giữ ở Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn 304, đơn vị kết nghĩa với Thông tấn xã Việt Nam.

Bài và ảnh: Xuân Phong

Ký ức ngày đại thắng
Ký ức ngày đại thắng

Sắp đến ngày 30/4, trong tôi lại dâng đầy cảm xúc về ngày giải phóng Sài Gòn, ngày mà cách đây 40 năm (30/4/1975) tôi đã vinh dự có mặt trong đoàn quân tiến về thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN