'Người sói' Petrus - nguyên mẫu của 'Người đẹp và quái vật'

Petrus Gonsalvus, “Người Sói” với lông phủ kín cơ thể từng là mối quan tâm của cả Hoàng gia Pháp, đã sống hạnh phúc suốt 45 năm bên cạnh người vợ xinh đẹp, và trở thành nguyên mẫu cho tác phẩm kinh điển “Người đẹp và Quái vật” của nhà văn Pháp Gabrielle-Suzanne de Villeneuve.

"Quái vật" thật Petrus Gonsalvus (trái) và Quái vật trong phim Disney.

Petrus Gonsalvus tên thật là Pedro Gonzalez, sinh năm 1537 tại Tenerife, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Canary ngoài khơi Tây Phi của Tây Ban Nha.

Petrus mắc hội chứng di truyền rậm lông (hypertrichosis) hay hội chứng Ambras, kích thích lông mọc khắp người. Gương mặt và cơ thể ông phủ kín lớp lông dày rậm khiến Petrus trông như Người Sói trong truyền thuyết. Đột biến gene hiếm gặp này cũng được gọi là "hội chứng Người Sói" và mới chỉ có 50 trường hợp được ghi nhận từ thời Trung cổ, trong đó Pedro là người đầu tiên.

Với Gonsalvus, hội chứng Ambras gây ra triệu chứng duy nhất là lông mọc rậm rạp toàn thân. Ngoài ra, “Người Sói” không có cơ thể ngoại cỡ với cơ bắp khổng lồ như Quái vật trong phim của Disney.

Một số tài liệu kể rằng Petrus vốn là dòng dõi “Mencey”, tộc trưởng thổ dân trên quần đảo Canary, nhưng sau khi quần đảo bị Tây Ban Nha chiếm được vào cuối những năm 1400, thổ dân đều bị bắt làm nô lệ. Khi còn nhỏ, Petrus bị đối xử như một sinh vật mọi rợ kỳ lạ. “Người Sói” hoang dại bị bắt giữ và nhốt trong lồng sắt tại vườn thú Hoàng gia Tây Ban Nha. Người ta cho cậu bé ăn thịt sống và những loại thức ăn cho động vật.

Vào thế kỷ 16, những người tí hon, khổng lồ hay chịu các khuyết tật cơ thể thường bị mang bán hoặc cho tặng vì được coi là "vật nuôi" thể hiện đẳng cấp của những gia đình quý tộc giàu có. Vì thế năm 10 tuổi, Petrus bị đưa xuống tàu gửi sang Pháp làm quà cho Vua Henry Đệ nhị nhân dịp nhà vua đăng quang vào năm 1547.

"Quái vật" thật Petrus Gonsalvus.

Cả triều đình Pháp kinh ngạc lẫn thích thú trước món quà kỳ dị. Khi cậu bé lông lá xuất hiện, các bác sĩ và học giả trong hoàng cung trêu chọc và cù cậu để xem “Người Sói” có gầm lên như trong truyền thuyết hay không. Tuy nhiên, Petrus đã khiến họ kinh ngạc khi thì thầm tên mình. Cậu bé bị tống vào ngục tối chờ những cuộc kiểm tra tiếp theo.


May mắn cho “Người Sói”, Vua Henry II sau đó đã không coi cậu như một quái vật cần bị nhốt trong lồng. Nhà vua nhận ra cử chỉ, thái độ điềm tĩnh của cậu bé và quyết định tiến hành một thí nghiệm: thử dạy dỗ và đào tạo “Người Sói” thành một quý ông lịch thiệp.

Vua Henry II cho phép “Người Sói” được giữ tên gốc là Pedro González, nhưng phiên âm sang Latinh đọc thành Petrus Gonsalvus. Cậu bé được mặc quần áo, ăn thức ăn nấu chín và được dạy bảo các quy tắc ứng xử của một quý ông. Cậu cũng được học nói, đọc, viết không chỉ một mà tận 3 thứ tiếng Pháp, Hy Lạp và Latinh. 

Các thành viên Hoàng gia cuối cùng đã rất ấn tượng với sự tiến bộ đến kinh ngạc của Petrus, vị thế xã hội của cậu vì thế ngày càng được nâng cao. Nhờ thông thạo ba ngoại ngữ và được nhà vua bảo hộ, Petrus thường xuất hiện trong các cuộc tiếp khách và quý tộc nước ngoài của triều đình. Dù vậy, trong mắt hầu hết mọi người, Petrus vẫn là một sinh vật thua kém loài người.

Tháng 10/1559, Vua Henry II thiệt mạng trong một cuộc thi đấu thương trên lưng ngựa. “Người Sói” trở thành tài sản của Hoàng hậu góa Catherine de Medici. Sau khi giành lấy quyền cai trị nước Pháp, Hoàng hậu quyết định tiến hành thử nghiệm của riêng mình với “Người Sói”. Catherine tự hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra nếu chàng “quái vật” của bà cưới một phụ nữ xinh đẹp; liệu họ có sinh ra các quái vật con? Bà quyết định tìm vợ cho Petrus.

Catherine (hay nguyên mẫu nàng Belle - ảnh trái) và diễn viên Emma Watson đóng vai “Người đẹp” trong phiên bản “Beauty and the Beast” 2017 của hãng Disney vừa công chiếu tại Việt Nam ngày 17/3.

Người được chọn là một cô gái trẻ cũng tên là Catherine, con của một người hầu trong hoàng gia. Petrus Gonsalvus gặp vợ lần đầu tiên đúng vào ngày đám cưới của hai người. “Người đẹp và quái thú” trải qua đêm tân hôn dưới sự theo dõi từ các bác sĩ của hoàng hậu, những người hào hứng quan sát cách thức ghép đôi của người đàn ông quái vật và muốn xem liệu cô gái xinh đẹp có thể sống sót hay không.

Thật bất ngờ là vợ chồng Petrus đã có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc trong hơn 40 năm sau đó. Catherine sinh hai người con trai đầu tên Paolo và Ercole không bị di truyền bệnh của cha, nhưng hai người con trai kế tiếp là Enrico và Orazio thì mắc bệnh. Họ cũng có ba người con gái tiếp theo là Maddalena, Francesca và Antoinetta, tất cả đều bị lông lá phủ toàn thân. Kết quả này trên thực tế đã làm hài lòng Hoàng hậu, khi bà muốn thí nghiệm của mình tạo ra một “gia đình quái vật”.

Tranh vẽ vợ chồng Petrus và hai người con bị di truyền giống cha.

Gia đình “Người đẹp và Quái vật” cùng các con sau đó đã đi nhiều nước châu Âu để thoả mãn sự hiếu kỳ của giới quý tộc. Cuối cùng, sau khi Hoàng hậu Catherine qua đời, họ tới Parma (Italy) sống dưới sự bảo trợ của Công tước Ranuccio Farnese. Chính công tước đã thực hiện nhiều bức vẽ về gia đình “Người Sói” Petrus Gonsalvus nhưng không bức nào xuất hiện hình ảnh 3 người con hình hài bình thường của họ. Bốn  đứa con “Người Sói” sau đó đều bị Công tước Ranuccio biến thành tặng phẩm và trở thành “vật nuôi” của giới thượng lưu.

Một số tài liệu ghi chép lại rằng những năm cuối đời Petrus và Catherine chuyển tới sống lặng lẽ ở Capodimonte. Italy. Catherine mất năm 1623, còn Petrus được cho là mất trước đó, vào năm 1618 nhưng cái chết của ông không được đề cập trong sổ khai tử của Capodimonte, vì thế, người ta cho rằng ông đã không được chôn cất như một con người theo nghi lễ Thiên chúa giáo.

Đến nay không ai biết đến mộ của cả hai người nhưng ký ức về họ thì vẫn hiển hiện trong nhiều bức chân dung ở các bộ sưu tập tại nhiều nước, trong đó có bộ sưu tập được xây dựng bởi Công tước Áo Ferdinand II vào thế kỷ 16, hay bức chân dung “Người đẹp và quái vật” hiện treo tại Viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia Mỹ ở Washington D.C.

Câu chuyện về gia đình “Người Sói” Petrus Gonsalvus cuối cùng trở thành nguyên mẫu cho một trong những câu chuyện tình nổi tiếng nhất trong văn chương và cả điện ảnh thời nay.

Tranh chân dung Chatherine và Petrus Gonsalvus tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia ở Washington, D.C. 

Thu Hằng (Tin Tức/TTXVN)
Số phận éo le của 'Người voi Trung Quốc'
Số phận éo le của 'Người voi Trung Quốc'

Với khối bướu khổng lồ nặng 15 kg trên mặt, “Người voi Trung Quốc” thách thức số phận để sống một cuộc sống bình thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN