Ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ - Kỳ cuối: Tuyến Tử Lộ

Con đường trũng (Sunken Lane) trên chiến trường Antietam được mệnh danh là tuyến “Tử Lộ”. Sau khi Mansfield rút lui thì Quân đoàn II của Tướng Sumner “già” bắt đầu hành động. Một trong số các sư đoàn của ông di chuyển qua cánh rừng phía tây đến đồng ngô, trong khi hai sư đoàn còn lại đánh thẳng vào tuyến trung tâm của Tướng Lee, nơi quân của D H Hill đang cố thủ tại một con đường trũng, nghiêng và hiểm trở. Bản thân Sunken Lane là một vị trí phòng thủ tự nhiên do lòng đường thường nằm thấp hơn so với hai bên đường. Do đó, khi quân Liên bang đến tấn công ở khoảng cách gần thì các binh sĩ Liên minh có thể nhìn rõ bóng quân Liên bang phản chiếu trên nền trời.


Xác chết ngổn ngang trên tuyến Tử Lộ.

 

Không một cuộc chiến đầy rẫy chết chóc nào có thể khủng khiếp hơn cuộc đổ máu nơi đây. Giao tranh kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Hết lữ đoàn này đến lữ đoàn khác của Liên bang ngã rạp, tạo nên một cảnh tượng hãi hùng với hàng nghìn xác chết nằm chất đống. Nhưng tình hình càng trở nên tệ hại với lực lượng mỏng hơn nhiều của Tướng Lee, điều rốt cuộc đã buộc họ phải tháo chạy sau khi tan rã.


Đây chính là lúc quân Liên bang có thể huy động lực lượng dự bị để khoét sâu vào lỗ hổng của đối phương, bởi tuyến trung tâm của Tướng Lee đã bị xé toang làm đôi và dễ dàng bị hủy diệt. Quân đoàn của Franklin và Porter, tổng cộng chừng 15.000 người được bố trí sau tuyến giữa của Liên bang, nay có thể xông lên để tận dụng chiến thắng “đắt giá” của Tướng Sumner. Nhưng họ đã không làm như vậy, bởi Tướng McClellan lại nghĩ đến một kịch bản hoàn toàn trái ngược với thực tế. Ông mường tượng Tướng Lee sẽ phát động một cuộc phản công lớn với quân số vượt trội, và nói với Franklin rằng “sẽ là không khôn ngoan nếu thực hiện đòn tấn công này”. Rốt cuộc, Tướng Lee lại một lần nữa có cơ hội chấn chỉnh quân ngũ.


Tướng Amborse Burnside không nhận được lệnh của McClellan tấn công quân Liên minh cho đến khoảng 10 giờ sáng, tức là 4 tiếng sau khi trận đánh bắt đầu. Và Burnside đã không thể đưa 13.000 binh sĩ trong Quân đoàn IX của ông vượt Lạch Antietam rồi di chuyển lên sườn đồi ở phía xa cho đến tận 3 giờ chiều. Khi đó, giao tranh đã thổi bay các tuyến phòng ngự ở mé trái và trung tâm của Liên minh, trong khi mé phải đối diện với lực lượng của Tướng Burnside chỉ còn lại 4.000 quân và đang tiếp tục gia cố sức mạnh.


Nhưng chừng ấy là chưa đủ, mặc dù chiến đấu ngoan cường, quân Liên minh buộc phải rút về Sharpsburg và có vẻ như đến trước 4 giờ chiều, Burnside sẽ chiếm được đường Harpers Ferry ở phía nam thị trấn này. Đây là lối thoát duy nhất của Tướng Lee. Vào lúc này phe Liên bang hoàn toàn có thể giành chiến thắng. Nếu McClellan tăng cường lực lượng cho Tướng Burnside bằng một phần trong số 20.000 quân dự bị chưa đánh một trận nào thì đáng lẽ ông đã tiêu diệt được quân chủ lực của phe Liên minh.


Nhưng đúng lúc này, Tướng A P Hill (Liên minh) đã kéo quân đến từ phía tây nam. Xuất phát từ 7 giờ 30 phút sáng cùng ngày, đơn vị này đã di chuyển cả ngày từ Harpers Ferrry, bỏ lại sau lưng hàng trăm binh sĩ không theo kịp trong suốt chặng đường hành quân dài hơn 20 km. Mặc dù chỉ có vài nghìn binh lính đã kiệt sức nhưng cánh quân này tả xung hữu đột vào mạng sườn của Burnside khiến vị chỉ huy này phải thu quân.


Antietam là bước ngoặt của cuộc Nội chiến Mỹ, chấm dứt thế đang lên của Liên minh bắt đầu từ đầu mùa hè năm 1862; đẩy lùi cuộc xâm lược miền Bắc và cứu nguy cho thủ đô Liên bang; loại bỏ triển vọng trước mắt rằng châu Âu sẽ công nhận Liên minh và can thiệp để thiết lập một nền hòa bình dựa trên sự thỏa hiệp.


Nhưng trận đánh này còn có tác dụng lớn lao hơn. Tổng thống Lincoln đã lĩnh hội được bản chất của cuộc xung đột quy mô lớn đang diễn ra này nhiều hơn bất cứ vị tướng nào của ông. Ông hiểu rằng đó là một cuộc đấu tranh chính trị - một cuộc chiến giữa hai phe đại diện cho hai hệ thống xã hội đối lập nhau - và một cuộc chiến tranh tổng lực đòi hỏi sự tổng động viên, sản xuất hàng loạt và những tổn thất to lớn trên chiến trường. Ông cũng hiểu rằng cuộc chiến sẽ trường kỳ, gian khó và khắc nghiệt.


Cuộc chiến sẽ biến sự ly khai của miền Nam thành cuộc nổi dậy của giới chủ nô và biến chủ nghĩa bãi nô ở miền Bắc thành rường cột cách mạng của một cuộc chiến tranh giải phóng. Nó sẽ tạo ra hai thái cực, một vì chế độ nô lệ, một vì Liên bang và quyền tự do được ghi trong các bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp. Nó sẽ cực đoan hóa cuộc chiến, qua đó cổ vũ cho cuộc kháng chiến của người Mỹ. Một tuần sau trận Antietam, Tổng thống Lincoln ra Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ, tuyên bố tất cả nô lệ bị giam giữ tại những bang nổi dậy chống Liên bang sau ngày 1/1/1863 sẽ “được tự do mãi mãi kể từ đó”.


Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1864, Tướng McClellan ra ứng cử cạnh tranh với Lincoln. Mặc dù là một bại tướng nhưng McClellan là một sĩ quan hậu cần hàng đầu. Ông luôn chăm lo cho binh sĩ của mình, và nhận được sự ca tụng nhiệt liệt của họ. Nhưng thực sự giữa quan quân Liên bang và vị Tổng thống chủ chương bãi nô này đã hình thành một sợi dây liên kết vô hình bền chặt hơn nhiều. Ông chính là hiện thân sống động của cuộc đấu tranh của họ. Cuộc bầu cử năm đó, chỉ có 1/5 số binh sĩ Liên bang bỏ phiếu vị chỉ huy trước đây của mình, còn lại giành sự ủng hộ cho Abraham Lincoln, một chiến thắng toàn diện và chiến thắng của chủ nghĩa bãi nô.

 

Huy Lê

Ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ - Kỳ 3:
Ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ - Kỳ 3:

Với tầm nhìn chính trị - chiến lược đó, quân đội của Tướng Lee đã vượt Sông Potomac trong các ngày 4 - 6/9/1862. Không được tắm, cơ thể họ bốc mùi với bộ dạng lôi thôi như những người vô gia cư đi chân đất, và khi vượt qua sông thì phân nửa số binh lính đã ở trong tình trạng ốm đói.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN