Mười phát minh quân sự kỳ lạ bị thất bại trong lịch sử (Phần 1)

Hiện nay, ngày càng có nhiều phát minh được ứng dụng vào trong lĩnh vực quân sự. Mục đích của chúng là nhằm giúp quân đội nâng cao sức mạnh và hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tốt hơn. Nhưng cũng có một số phát minh quân sự, về căn bản, không đem lại tác dụng gì. Dưới đây xin giới thiệu mười phát minh quân sự kỳ lạ bị thất bại trong lịch sử.


1. Hàng không mẫu hạm bay

Ảnh 1



Ảnh 2


Đến nay, USS Akron (ZRS-4, ảnh 1) và USS Macon (ZRS-5, ảnh 2) vẫn là những vật thể bay sử dụng khí hêli lớn nhất thế giới với chiều dài lên tới 239 m, chiều rộng 40,5 m và chiều cao bằng cả tòa nhà gần 20 tầng (44,6 m). Được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm bay”, nhưng cả USS Akron và USS Macon đều chung mệnh yểu: Bị gió bão “bắn hạ”.

Ngày 31/10/1929, người Mỹ hoan hỉ vì đã hoàn thành việc chế tạo ra chiếc máy bay khổng lồ USS Akron. Hai năm sau, USS Akron thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công. Nhưng ngày 4/4/1933, tin dữ ập tới. Trong một chuyến đi thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời vùng duyên hải bang New Jersey, USS Akron gặp một cơn cuồng phong và bị xé nát, mang theo sinh mệnh của 73/76 người có mặt trên nó. Những mảnh vỡ của USS Akron sau đó được tìm thấy ở Đại Tây Dương.

Không từ bỏ nỗ lực làm chủ các siêu máy bay, ngày 21/4/1933, người Mỹ đưa lên bầu trời “cô em gái” của USS Akron là USS Macon. Chưa đầy hai năm sau, USS Macon gặp nạn. Ngày 12/2/1935, mang theo bốn chiếc máy bay trinh sát F9C Sparrowhawk và phi hành đoàn gồm 76 người, USS Macon được lệnh trở về căn cứ Sunnyvale ở hạt Santa Clara, bang California. Nhưng khi đến khu vực Point Sur, một cơn cuồng phong đã khiến USS Macon quay tròn, lấy đi chiếc đuôi hình chữ thập và làm hỏng ba túi khí hêli của USS Macon. Sau 40 phút “vật vã”, USS Macon không thể gượng hơn nữa, lao xuống biển cùng với bốn chiếc F9C Sparrowhawk. May mắn thay, chỉ có hai thành viên phi hành đoàn bị thiệt mạng.

2. Focke-Wulf Triebfluegel

Ảnh 4


Vào thời kỳ cuối của Chiến tranh Thế giới lần thứ II, người Đức đã thử nghiên cứu, chế tạo một loại máy bay chiến đấu có thể cất, hạ cánh theo chiều thẳng đứng (Focke-Wulf Triebfluegel). Loại máy bay này có thể đứng thẳng bằng đuôi (ảnh 3). Trên thân của nó là ba chiếc cánh, mỗi cánh lắp một động cơphản lực, hợp với nhau thổi theo chiều kim đồng hồ (ảnh 4). Khi động cơ hoạt động, Focke-Wulf Triebfluegel cất cánh theo chiều thẳng đứng giống như những chiếc máy bay trực thăng hiện nay. Tuy nhiên, nó hơn trực thăng ở chỗ có thể bay cân bằng ở tốc độ cực cao. Dẫu đặt nhiều kỳ vọng và đầu tư lớn cho Focke-Wulf Triebfluegel, nhưng người Đức vẫn không thể chế tạo thành công Focke-Wulf Triebfluegel, một phần vì sự sụp đổ của Đệ tam Đế chế, một phần vì không giải quyết được bài toán kỹ thuật giúp Focke-Wulf Triebfluegel hạ cánh an toàn.

3. Xe chiến đấu Sa hoàng

Ảnh 5


Xe chiến đấu Sa hoàng (ảnh 5), còn gọi là “xe chiến đấu con dơi” vì bề ngoài trông giống một con dơi lộn ngược. Nó có hai chiếc bánh lớn đường kính 9 m ở phía trước và một chiếc bánh nhỏ đường kính 1,5 m ở đằng sau. Hiện nay, không còn bất cứ tài liệu nào nói về động cơ của Xe chiến đấu Sa hoàng, mà chỉ có ảnh lưu lại, nên người ta không biết phương tiện cồng kềnh này di chuyển như thế nào. Chỉ biết rằng ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên, do không thể vượt qua được chướng ngại vật, rốt cuộc nó đã bị đưa vào bãi sắt vụn bởi nếu thiếu tính cơ động ra chiến trường chỉ làm bia hứng đạn của kẻ địch.


4. Mô tô pháo (ảnh 6)

Ảnh 6

Mô tô pháo xuất hiện vào những năm 1950, dựa trên sự kết hợp giữa đại pháo và xe mô tô. Thực chất, ý tưởng này nảy sinh từ sự thiếu hụt ngân sách chiến tranh của người Pháp. Mô tô pháo chủ yếu được cung cấp cho lực lượng đổ bộ đường không. Tuy nhiên, do tính năng hết sức hạn chế và khả năng bảo đảm an toàn kém, nên mô tô pháo nhanh chóng bị loại khỏi chiến trường.

5. Xe tăng một bánh (ảnh 7)

Ảnh 7


Đây là phát minh của người Đức vào những năm 1930. Nhìn bề ngoài, xe tăng một bánh trông giống như chiếc đĩa, chỉ có điều chiếc đĩa này có thể dựng đứng được. Sở dĩ nó có thể đứng được là nhờ vào hai cái “chân” phụ đảm bảo cân bằng ở đằng sau. Thực ra, ý tưởng chế tạo xe tăng một bánh xuất hiện từ trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Nó cho thấy trí tưởng tượng của con người thật phong phú. Tuy nhiên, do sự hạn chế về điều kiện kỹ thuật của những năm 1930, nên người Đức đã không thể có nổi một chiếc xe tăng kỳ lạ kiểu này trên chiến trường.


Minh Thành (Theo THX, hudong và wikipedia)

Mười phát minh quân sự kỳ lạ bị thất bại trong lịch sư (phần 2)
Mười phát minh quân sự kỳ lạ bị thất bại trong lịch sư (phần 2)

SHN-1 do người Liên Xô phát minh nhằm sử dụng ở những nơi địa hình thay đổi liên tục và có thời tiết khắc nghiệt. SHN-1 không dùng bánh hơi, cũng không dùng bánh xích mà sử dụng hệ thống đẩy hình xoắn ốc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN