MiG Alley – cuộc không chiến đẫm máu trên bầu trời Triều Tiên - Kỳ 1

Trong trận không chiến được cho là dữ dội nhất mọi thời đại, vào ngày 23/10/1951, 200 chiến đấu cơ của Mỹ và đồng minh đã đụng độ với lực lượng MiG của Nga, với số lượng không bằng một nửa. Tuy nhiên, đội MiG đã gần như tiến hành một cuộc “tắm máu” trên không với máy bay phương Tây.

SỰ THẬT BỊ CHE GIẤU

Trong nhiều năm, màn sương mờ ảo của chiến tranh đã phủ lên tất cả các tuyên bố và phản ứng của các bên. Nhưng theo thời gian, các sử gia quân sự đã có thể tiếp cận được tài liệu giải mật từ tất cả các bên liên quan, nhờ thế ngày nay công chúng đã có một bức tranh thực tế hơn về những gì xảy ra trong những cuộc không chiến ác liệt thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.

Một chiếc MiG 15B của Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.

Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là cuộc chiến duy nhất mà hầu hết các trận không chiến đều diễn ra giữa các phi công Nga và Mỹ chứ không phải giữa chính các phi công hai miền Triều Tiên.

Cuộc xung đột cũng đánh dấu những tuyên bố phi lý của quân đội Mỹ. Trong những tài liệu từng được công bố vào thập niên 1960, người Mỹ khẳng định tỉ lệ máy bay bị bắn rơi giữa Mỹ và Nga trong trận chiến MiG Alley là 1:14, tức là với mỗi máy bay Mỹ, Anh và Australia bị bắn rơi thì người Nga tổn thất tới 14 chiếc MiG. Trong hai thập kỷ sau đó, tỉ lệ này dần dần giảm xuống còn 1:10 nhưng chưa bao giờ xuống dưới 1:8.

Khi người Nga giải mật kho tài liệu lưu trữ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và các cựu phi công Xô viết được thoải mái kể lại sự việc, thì tuyên bố của không lực Mỹ không còn đứng vững. Trong cuốn sách có tựa “Trận không chiến trên bầu trời tiền tuyến phương Đông và Triều Tiên”, cựu phi công Nga Sergei Kramarenko cho rằng, “tỉ lệ tổn thất của không quân hai phía là 1:1”.

Xem phim tư liệu về trận không chiến ác liệt MiG Alley:



Tỉ lệ mới này được các sử gia quân sự phương Tây chấp nhận, nhưng vẫn chưa gần với sự thật. Trên thực tế, cuộc không chiến MiG Alley là một cuộc "tắm máu" với không lực phương Tây. Đó là một câu chuyện đã được giấu bởi nhiều lý do, khi niềm kiêu hãnh và thanh danh đã khiến phương Tây không thể thừa nhận chiến thắng với cách biệt quá lớn của Nga.

Khi không quân Nga bí mật can dự vào Triều Tiên

Ban đầu nhà lãnh đạo Xô viết Joseph Stalin không có ý định tham chiến tại Triều Tiên. Thế chiến Thứ hai vẫn còn là một ký ức quá mới mẻ và Moskva không muốn một cuộc xung đột với phương Tây có thể dẫn đến cuộc Đại chiến toàn cầu tiếp theo. Vì thế khi chiến tranh mới bắt đầu, Trung Quốc là lực lượng chính hỗ trợ CHDCND Triều Tiên. Nhưng khi các nước phương Tây – núp dưới danh nghĩa Liên hợp quốc - đe dọa kiểm soát toàn bộ bán đảo, mà năng lực của phi công Trung Quốc thì có hạn, Stalin đã quyết định đưa không quân Nga tham chiến.

Tuy vậy, nhằm giữ bí mật về sự can dự của Nga, Stalin áp đặt một số hạn chế với các phi công của ông. Điều đầu tiên, họ sẽ bay với logo của không quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc hoặc Không quân Nhân dân Bắc Triều Tiên. Thứ hai, khi đang trên không, các phi công sẽ chỉ được liên lạc bằng tiếng Trung Quốc hoặc Triều Tiên, cấm sử dụng tiếng Nga. Và cuối cùng, phi công Liên Xô không được phép tiếp cận kinh tuyến 38 (biên giới giữa hai miền Triều Tiên) hoặc đường bờ biển, để tránh bị quân Mỹ bắt giữ.

Hạn chế thứ ba này đồng nghĩa các phi công Liên Xô bị cấm rượt đuổi máy bay địch. Do máy bay là phương tiện tẩu thoát dễ tổn thương nhất (vì dễ hết đạn, hết nhiên liệu hoặc trục trặc kỹ thuật), điều cấm đoán cũng có nghĩa là các phi công Nga bị khước từ những kỹ năng đuổi bắt mà họ thành thục. Hàng trăm máy bay phương Tây khi đó đã kịp tẩu thoát về phía Hàn Quốc do phi công Nga buộc phải quay đầu khi họ tiến gần đường bờ biển hoặc biên giới.

Nhưng bất chấp những hạn chế đó, không quân Nga vẫn thể hiện sự vượt trội. Trong 32 tháng lực lượng Nga can dự ở Triều Tiên, họ đã bắn rơi 1.250 máy bay địch. (Trong số này, lực lượng pháo binh phòng không của Nga bắn rơi 153 máy bay còn các phi công tiêu diệt tới 1.097 chiếc”, cựu phi công Karamenko viết. Về phần mình, không quân Xô viết chỉ tổn thất tổng cộng 319 chiếc MiG và Lavochkin La-11.

Karamarenko bổ sung: “Chúng tôi khẳng định rằng các phi công của Liên Xô đã bắn hạ nhiều hơn con số 1.097 máy bay địch, nhưng nhiều chiếc đã rơi xuống biển khi ‘lết’ về Hàn Quốc. Nhiều chiếc khác trở về với thương tích nặng nề đến mức chỉ còn nước thải loại vì không thể sửa chữa”.

Xem Kỳ cuối: Ngày Thứ Ba đen tối

Thu Hằng/Báo Tin Tức
 MiG Alley – cuộc không chiến đẫm máu trên bầu trời Triều Tiên - Kỳ cuối
MiG Alley – cuộc không chiến đẫm máu trên bầu trời Triều Tiên - Kỳ cuối

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã sản sinh ra những cuộc hỗn chiến gay cấn nhất trong lịch sử xung đột trên không. Hầu hết các cuộc không chiến này diễn ra tại “MiG Alley” (Hành lang MiG) – cái tên do phi công phương Tây đặt cho vùng phía tây bắc CHDCND Triều Tiên, nơi sông Yalu nhập vào biển Hoàng Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN