Martin Frankel – Dục vọng, lòng tham và vụ lừa đảo 200 triệu USD

Martin Frankel – Dục vọng, lòng tham và vụ lừa đảo 200 triệu USD- Kỳ 2: Hành trình lừa đảo

Sau khi bị sa thải, Marty giờ có trong tay một khách hàng của riêng mình là ông Ted Bitter và quyết định tự kinh doanh môi giới chứng khoán. Lại một lần nữa, tài ăn nói của Marty đã giúp anh ta làm những điều mình muốn. Anh ta đã thuyết phục được lãnh đạo công ty chứng khoán LaSalle Street ở Chicago cho anh ta làm đại diện của họ ở Toledo.

Ông John Hackney.

Marty thành lập công ty Winthrop Capital. Anh ta dùng tên và số thẻ an sinh xã hội của một người bạn và gắn cho người này chức chủ tịch công ty, tất nhiên là người bạn này không hề hay biết.

Khi được làm đại diện cho LaSalle Street, Marty bắt đầu đăng quảng cáo bắt mắt trên các trang danh bạ, tự nhận mình là công ty môi giới duy nhất bảo đảm khách hàng sẽ không bị thua lỗ. Sau đó, Marty ngồi chờ khách hàng gọi đến. Năm 1986, anh ta đã có cơ hội làm ăn đầu tiên khi Douglas Maxwell, một doanh nhân mà anh ta từng quen biết khi làm cho ông John Schulte, gọi đến. Sau khi nghe những quảng cáo về thành công nổi trội của Marty, ông Maxwell đã đồng ý liên kết với Marty thành lập quỹ Frankel, một quỹ đầu tư đối tác dành cho một số lượng hạn chế thành viên và họ phải đầu tư mỗi người ít nhất 50.000 USD. Theo thỏa thuận, Marty có nhiệm vụ đi “chào hàng”. Ít nhất anh ta đã có 2 khách hàng là Ted Bitter và John Herlihy, một khách hàng mới tìm đến khi đọc quảng cáo của Marty. Trong khi đó, ông Maxwell sẽ tận dụng danh sách họ hàng và bạn bè giàu có của mình.

Lúc đầu, Marty điều hành quỹ Frankel tại phòng ngủ của anh ta. Về sau, quỹ buộc phải chuyển đến Palm Beach ở bang Florida cho gần với nhiều nhà đầu tư giàu có mà ông Maxwell quen biết. Ở đây, Marty lại in những tài liệu quảng cáo mới, trong đó tô vẽ mình thành một nhà quản lý tiền đặc biệt thành công. Trong số nhiều triệu USD đổ về quỹ Frankel, Marty dành phần lớn tiền của nhà đầu tư để trang trải các chi phí như thuê nhà, chi tiêu cá nhân. Anh ta dùng tiền của nhà đầu tư này để trả cho những nhà đầu tư đang lo lắng và có ý định rút tiền ra. Phần còn lại anh ta chuyển hết vào tài khoản cá nhân rồi tuyên bố rằng quỹ Frankel đóng cửa.

Công ty LaSalle Street ở Chicago.


Ông Ted Bitter và John Herlihy kiện Marty lên cơ quan chức năng. Năm 1991, Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã cấm Marty hành nghề môi giới chứng khoán. SEC không dành nhiều thời gian để điều tra về Marty và những lời dối trá của anh ta. Đối với SEC, Marty chỉ là một nhà môi giới cò con và nghĩ rằng anh ta sẽ không gây ra nguy hại gì cho cộng đồng đầu tư trong tương lai khi đã cấm anh ta hành nghề mãi mãi.

Marty trở về Toledo và bắt đầu thành lập một quỹ đầu tư mới tên là Creative Partners. Tuy nhiên, do đang bị SEC để ý nên Marty dùng một cái tên công ty khác là Rothschild International Investments và một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ để đánh lạc hướng. Vào thời gian này, bà Sonia đã li dị ông John – sếp cũ của Marty.

Năm 1991, Marty liên kết với ông John Hackney, một doanh nhân bang Tennessee. Marty nói với ông Hackney rằng anh ta đang muốn tập hợp một nhóm nhà đầu tư để mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ Franklin American đang gặp khó khăn về tài chính ở Tennessee.

Trong lúc đó, Marty lại thành lập công ty Thunor Trust và thu hút được 3,7 triệu USD từ 3 nhà đầu tư, trong đó có bà Sonia – họ hàng của một nhà đầu tư của quỹ Creative Partners. John Hackney trở thành ủy viên quản trị duy nhất của Thunor Trust – quỹ mà Marty lập ra để mua một số công ty bảo hiểm gặp khó khăn tài chính với giá rất thấp. Theo quy định, các công ty này thường có dự trữ lớn để bồi thường cho người mua bảo hiểm. Lượng dự trữ thường dưới dạng trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty có giá trị cao. Tuy nhiên, Marty có ý đồ với lượng dự trữ này và anh ta tin rằng mình có thể sử dụng chúng theo ý riêng mà không bị nhà quản lý để ý.

Kế hoạch của Marty là dùng lượng dự trữ này để mua càng nhiều công ty bảo hiểm càng tốt và khiến cơ quan quản lý nghĩ rằng lượng dự trữ này không bị động tới. Nhờ kế hoạch đó mà Marty sau này đã xây dựng được hẳn một đế chế bảo hiểm và có tiền cho một cuộc sống xa hoa.

Công ty bảo hiểm đầu tiên mà Marty mua được theo kế hoạch trên là Franklin American vào tháng 10/1991. Nhà quản lý ngành bảo hiểm vui mừng khi thấy một công ty tài chính yếu lại được một quỹ đầu tư đầy tiềm năng Thunor mua với giá gần 4 triệu USD. Sau đó, công ty Franklin American lại được phép bán bảo hiểm cho khách hàng.

Sau khi mua Franklin American, đương nhiên là Thunor Trust có quyền tiếp cận 20 triệu USD dự trữ của công ty này. Việc đầu tiên mà Marty làm là đóng cửa quỹ Creative Partners sau khi trả cho các nhà đầu tư một khoản tiền hào phóng. Khoản tiền này tất nhiên là tiền dự trữ của công ty bảo hiểm Franklin American.

Marty biết rằng khó có khả năng người mua bảo hiểm của Franklin American lại đòi lại toàn bộ 20 triệu USD cùng lúc nên anh ta tiêu xài thoải mái cho bản thân chừng nào chưa bị cơ quan quản lý phát hiện. Nhưng lòng tham của Marty chưa dừng lại ở đây.

Thùy Dương

Đón đọc kỳ 3: Lòng tham vô đáy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN