Mạng lưới gián điệp Đức ở New York - Kỳ cuối

Mối đe dọa Đức trong lòng nước Mỹ


Vụ bắt giữ Igel cùng với việc Đại sứ quán Đức yêu cầu Mỹ trả lại toàn bộ số tài liệu mà không được nghiên cứu và sao chép đã xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo ở New York.


Áp phích truy nã Michael Kristoff.


Chính quyền Tổng thống Wilson không đáp ứng đề nghị này nhưng vẫn muốn làm lắng dịu tình hình với hy vọng giữ vững sự trung lập của Mỹ. Mặc dù căng thẳng gia tăng, song Ngoại trưởng Mỹ Robert Lansing không bác bỏ tuyên bố của Đại sứ Đức Bernstorff rằng trên thực tế, các vũ khí mua ở Mỹ đã được chuyển đến cho các lực lượng Đức ở Đông Phi. Bernstorff cũng khẳng định ông và Đại sứ quán Đức không dính dáng đến bất cứ hoạt động phi pháp nào.


Wilson có thể đã mềm mỏng, nhưng đối thủ của ông, cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, thì không. Roosevelt gần đây đã có bài phát biểu tại Brooklyn tố cáo người Đức “tiến hành một chiến dịch đánh bom và đốt phá” nhằm vào ngành công nghiệp Mỹ. Ông quy kết trách nhiệm cho chính phủ Đức về tất cả các hành vi phá hoại, lưu ý rằng Boy-Ed khi trở về Đức đã được chào đón như một người hùng và được Hoàng đế Wilhelm II đích thân trao tặng huân chương. Roosevelt cũng nhấn mạnh tới mối quan hệ thân cận giữa Boy-Ed, Rintelen và nhân vật độc tài chống Mỹ Victoriano Huerta của Mexico. Trong bầu không khí chính trị sôi sục năm 1916, chủ đề về sự phá hoại của người Đức càng khiến cuộc tranh cãi về tính trung lập của Mỹ thêm gay gắt.


Với khẩu hiệu tranh cử “Giữ cho chúng ta đứng ngoài cuộc chiến”, Wilson hy vọng có thể duy trì sự trung lập. Thậm chí sau vụ nổ ở Black Tom, ông đã cố gắng tránh cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1916 trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về chiến tranh.


Trong tháng 2/1917, với việc Wilson tái đắc cử Tổng thống Mỹ với tỷ lệ phiếu bầu sít sao nhất, phóng viên tờ New York Sun - John Price Jones - đã vạch trần các âm mưu của Đức trong một cuốn sách với lời tựa của Roger Wood, cựu Trợ lý Tổng chưởng lý New York, và lời nói đầu của Roosevelt. Vị cựu tổng thống này đã hoan nghênh cuốn sách vì phơi bày cái mà ông gọi là “cuộc chiến bí mật” trong 2 năm rưỡi của Đức nhằm vào người Mỹ. Bản thân Jones đã cáo buộc chính phủ Đức hối lộ các tờ báo Mỹ để họ nói tốt về Đức và trong ít nhất một trường hợp, thâu tóm một tờ báo thông qua một công ty ma để làm công cụ tuyên truyền.


Bài viết về việc Đức phủ nhận liên quan đến vụ Black Tom.


Trong khi đó, cuộc điều tra về vụ Black Tom vẫn tiếp tục. Một bà chủ nhà trọ ở Hoboken trình báo với cảnh sát về một trong những người thuê trọ có biểu hiện khác thường trong buổi sáng khi xảy ra vụ nổ, đó là cháu trai của bà có tên Michael Kristoff. Người này vừa đi vừa lẩm bẩm “tôi đã làm gì vậy”. Cuối tháng 8, cảnh sát đã bắt giữ Kristoff và sớm loại bỏ chứng cứ ngoại phạm của anh ta. Nhưng do không có bằng chứng thuyết phục nên nhà chức trách đành phải trả tự do cho nghi phạm này.


Tin rằng Kristoff có liên quan đến vụ nổ Black Tom, giới chức đường sắt Lehigh Valley đã thuê một thám tử có tên Alexander Kassman, một người nhập cư mới đến, để theo dõi Kristoff. Sau vài tháng tiếp cận Kristoff dưới vỏ bọc của một người vô chính phủ Áo, Kristoff đã nói với Kassman rằng những người bạn giàu có đã cung cấp tài chính cho chiến dịch Black Tom. Một trong những người hậu thuẫn âm mưu này là David Grossman, sống ở Bayonne. Kassman đã dàn xếp được cuộc gặp với Grossman và khai thác thêm thông tin về âm mưu Black Tom từ nhân vật này. Grossman khẳng định không hay biết về nguồn tài trợ cho hoạt động phá hoại nhưng có nói với Kassman rằng, Kristoff đã đứng canh cho một người đàn ông khác đặt thuốc nổ trên một con thuyền nhỏ dưới cầu tàu và một người thứ 3 gài các khối thuốc nổ giữa các toa tàu chở đạn. Mùa xuân năm 1917, Kristoff đã biến mất.


Grossman đã từ chối làm chứng song quá trình thẩm vấn tên này đã giúp cảnh sát xác định được 2 người đàn ông khác là Lothar Witzke - một lính hải quân từng hoạt động tình báo và Kurt Jahnke - một công dân Mỹ trung lập có quan hệ với Lãnh sự quán Đức ở San Francisco. Cả 2 đều sử dụng biệt danh, thường xuyên thay đổi vị trí và bị tình nghi dính líu đến các âm mưu đánh bom ở bờ Tây nước Mỹ. Sau vụ Black Tom, họ đến miền tây nam và sinh sống ở Mexico, nơi cả 2 đều có liên hệ với chính phủ Huerta.

 

Khi cuộc điều tra tiếp tục dẫn tới các đầu mối nhưng không có vụ bắt giữ nào được thực hiện, chính sách trung lập của Tổng thống Wilson đổ vỡ. Ngày 3/2/1917, Wilson cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức nhằm trả đũa việc Berlin nối lại cuộc chiến tàu ngầm không giới hạn. Vài tuần sau, nội dung bức điện Zimmerman, trong đó Đức đề xuất Mexico tiến hành chiến tranh với Mỹ, được đăng tải trên các tờ báo của Mỹ. Động thái này, cùng với nỗi lo sợ về sự phá hoại và hoạt động gián điệp của Đức, đã góp phần lý giải cho làn sóng bài Đức lan tỏa khắp nước Mỹ. Người Mỹ đã cảm nhận được mối đe dọa có thật và hiện hữu của Đức, không phải ở nước ngoài mà ngay từ bên trong nước mình.


Tổng thống Wilson hết sự lựa chọn và nội các của ông rốt cuộc đã nhất trí về sự cần thiết phải tham chiến. Ông đã đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến không còn vì quyền hàng hải của những nước trung lập nữa mà vì nhu cầu của Washington thực hiện vai trò trung tâm của mình là bảo vệ sinh mạng và tài sản của Mỹ. Kỷ nguyên trung lập của Mỹ từ đó đã chấm dứt.


Đến năm 1939, một ủy ban hỗn hợp Đức - Mỹ đưa ra kết luận rằng chính phủ Đức năm 1916 chịu trách nhiệm về vụ nổ Black Tom. Năm 1953, ủy ban này quyết định đưa ra mức bồi thường 50 triệu USD (490 triệu USD theo thời giá năm 2014) và đến năm 1979 thì các khoản bồi thường cuối cùng được thanh toán.

 

Huy Lê

1
Mạng lưới gián điệp Đức ở New York - Kỳ 2: Những âm mưu bị vạch trần
Mạng lưới gián điệp Đức ở New York - Kỳ 2: Những âm mưu bị vạch trần

Vụ đánh bom cầu Vanceboro là âm mưu lớn đầu tiên bị phanh phui. Người đàn ông đặt thuốc nổ trên cầu là một gián điệp Đức có tên Werner Horn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN