Mạng lưới gián điệp Đức ở New York - Kỳ 2: Những âm mưu bị vạch trần

Vụ đánh bom cầu Vanceboro là âm mưu lớn đầu tiên bị phanh phui. Người đàn ông đặt thuốc nổ trên cầu là một gián điệp Đức có tên Werner Horn.


Franz von Papen.

Tên này đặt khối thuốc nổ ở bên này cầu thuộc Canada, sau đó chạy về phía bên kia cầu thuộc Mỹ để tránh bị bắt về tội làm gián điệp tại một quốc gia tham chiến. Giới chức Mỹ không mất nhiều thời gian để tìm ra Horn, bởi y đã mặc quân phục Đức để dễ bề thanh minh với nhà chức trách Mỹ rằng y là một binh sĩ chứ không phải là gián điệp.


Tuy nhiên, cuộc điều tra đã nhanh chóng xác định được kẻ đứng đằng sau Horn là Franz von Papen, một cố vấn quân sự của Hoàng đế Đức Wilhelm II (1/1859 - 6/1941, là Hoàng đế cuối cùng của Đế quốc Đức) và tùy viên quân sự Đức ở Washington D.C.


Papen được bảo hộ ngoại giao và am hiểu chính trường. Điều tra một đối tượng như vậy không hề đơn giản, song Tunney và các trung úy cảnh sát, với sự trợ giúp của giới chức liên bang, đã quyết tâm theo đuổi nghi phạm đến cùng. Họ sớm gặp được một công tố viên liên bang trong cuộc điều tra vụ Kênh đào Welland. Vị công tố viên này nói rằng mặc dù ông ta không thể chứng minh mối liên hệ giữa hai vụ này, song ông có bằng chứng cho thấy Papen có liên quan đến âm mưu đó, với vai trò là người thuê những người Mỹ gốc Ireland phá hoại hoạt động vận tải biển của Mỹ.


Với lượng bằng chứng thu thập được ngày càng lớn, Washington đã ra lệnh cho Papen rời khỏi Mỹ cho dù chính quyền của Tổng thống Wilson vẫn đang tìm cách duy trì sự trung lập của nước này. Papen đã làm theo yêu cầu của phía Mỹ và chính chiếc cặp tài liệu chứa đầy giấy tờ (đánh cắp) của Papen và của các điệp viên Anh mà lực lượng chức năng thu giữ được đã chứng tỏ người Mỹ không sai khi nghi ngờ Papen.


Báo Mỹ đăng bài về việc khởi kiện Berlin sau vụ nổ Black Tom.


Trong số giấy tờ kể trên có những tài liệu tiết lộ về một âm mưu quy mô toàn quốc, từ New York cho tới San Francisco, nhằm đánh sập các cây cầu và kênh đào. Papen cũng đã lên kế hoạch chiêu mộ các điệp viên và tiến hành một chiến dịch phá hoại, trong đó có việc sử dụng người Mỹ và người Canada gốc Ấn để tấn công tàu biển rời khỏi các cảng nằm ở bên bờ Thái Bình Dương.


Các tài liệu cũng giúp các nhà điều tra lần ra dấu vết của một nhóm ở New Jersey đang sản xuất “bom cao su” cho những kẻ phá hoại để gắn vào phần đuôi của các con tàu sắp rời cảng. Có đến 30 tàu có thể đã bị hư hại hoặc phá hủy trong âm mưu này trước khi nó được phát hiện. Tiếp sau vụ tàu ngầm U-20 của Đức đánh đắm tàu thủy Lusitania của Anh, những cáo buộc nói trên càng khiến người Mỹ thêm lo sợ về hoạt động của Đức bên trong các đường biên giới của mình.


Trong khi đó, phía Anh đã phát hiện một chi nhánh nữa của mạng lưới gián điệp Đức. Nhờ những tín hiệu mà chiến dịch giải mật của Room 40 (phòng tình báo thuộc Bộ Hải quân Anh) chặn được, họ biết rằng Papen đang phàn nàn về một trong những thuộc cấp của hắn, Franz von Rintelen, một nhà hóa học và nhân viên tình báo hải quân. Tin tình báo cũng cho biết Rintelen đã lên kế hoạch trở về Đức bằng một cuốn hộ chiếu giả của Thụy Sĩ mang tên Emil V. Gasche. Khi tàu của Rintelen cập cảng ở Falmouth (Anh) trên đường đến nước trung lập Hà Lan, nhà chức trách Anh đã bắt giữ Rintelen và chỉ bằng một thủ thuật nghiệp vụ đơn giản đã lật tẩy được lời khai của Rintelen rằng y là một doanh nhân Thụy Sĩ. Tên gián điệp Đức này đã phải ngồi tù ở Anh 21 tháng trước khi bị chuyển đến một nhà tù ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ) về tội phá hoại.


Các đặc vụ Mỹ cũng đang để mắt tới 2 người Đức khác, gồm cựu tùy viên hải quân Karl Boy-Ed - con trai của một thủy thủ Thổ Nhĩ Kỳ và một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Đức, và Wolf von Igel - trợ lý chính và là người kế nhiệm Papen. Boy-Ed nổi tiếng là người hào nhoáng và sành điệu trong giới thượng lưu New York, đồng thời là khách mời thường xuyên tại Câu lạc bộ Lục quân - Hải quân ở thành phố này nhờ những kiến thức sâu rộng đến kinh ngạc về chiến tranh hải quân. Tinh tế và sành sỏi, Boy-Ed dễ dàng hòa nhập vào các giới trong xã hội New York và đang hy vọng kết hôn với một người thừa kế Mỹ.


Boy-Ed cũng đang điều hành một mạng lưới gián điệp ở một nhà khách và nhà thổ bán thời gian cho các thủy thủ Đức ở Broadway, gần công viên Battery. Các nhà điều tra Mỹ đã liên hệ tên này cả với âm mưu hộ chiếu giả lẫn một kế hoạch mua bất động sản ở khu vực ven Đại Tây Dương, nơi người Đức có thể triển khai các khẩu đội pháo để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đổ bộ tiềm tàng. Trước những chứng cứ từ tài liệu thu được của Papen, Boy-Ed cũng bị buộc phải rời khỏi Mỹ.


Papen và Boy-Ed đã ủy thác cho Igel tiếp quản mạng lưới tài chính phục vụ các hoạt động của gián điệp Đức trên đất Mỹ. Igel điều hành mạng lưới này từ văn phòng trước đây của Papen trên tầng 25 của tòa nhà số 60 Phố Wall, một địa chỉ “tử tế” hơn so với tòa nhà Bowling Green mà Boy-Ed dùng làm nơi gặp gỡ các điệp viên mà hắn chiêu mộ. Ở đây, Igel - người dính dáng khá sâu đến âm mưu sản xuất “bom cao su” - tiếp tục điều hành một mạng lưới gián điệp Đức. Khi các nhà điều tra tiếp cận, hắn tìm cách chuyển các giấy tờ tài liệu sang Đại sứ quán Đức ở Washington để được bảo toàn dưới cái ô miễn trừ ngoại giao.


Ngày 19/4/1916, Igel bắt đầu đóng thùng hơn 30 kg tài liệu để chuyển đến Washington. Tuy nhiên, các nhân viên điều tra Mỹ đã theo dõi và đột kích văn phòng của tên này, tịch thu toàn bộ số tài liệu. Các giấy tờ này chứng minh Đức có nhúng tay vào âm mưu đánh bom Kênh đào Welland cũng như mưu đồ mua vũ khí ở Mỹ từ những người Mỹ gốc Ireland rồi bán sang Ấn Độ để thổi bùng làn sóng nổi dậy chống Anh.



Huy Lê


Đón đọc kỳ cuối: Mối đe dọa Đức trong lòng nước Mỹ

Mạng lưới gián điệp Đức ở New York
Mạng lưới gián điệp Đức ở New York

Rạng sáng ngày 30/7/1916, kho vũ khí lớn nhất nước Mỹ Black Tom ở Jersey nổ tung. Sức công phá của 5 tấn đạn dược và thuốc nổ TNT bên trong cơ sở này đã tạo ra một loạt rung chấn tương đương động đất mạnh 5,5 độ richter, làm vỡ tan các cửa sổ ở Hạ Manhattan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN