LHQ và trách nhiệm nặng nề trong thế giới khủng hoảng

“Liên hợp quốc trở nên cần thiết hơn bao giờ hết vào thời điểm xảy ra rất nhiều cuộc khủng hoảng. Chúng ta hãy khẳng định lại cam kết tiếp sức mạnh cho những người dễ bị tổn thương và những người yếu thế. Nhân Ngày LHQ, tôi kêu gọi các cá nhân và chính phủ hành động vì lợi ích chung”. Đó là một phần trong thông điệp của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhân ngày 24/10 - Ngày LHQ.


Liên hợp quốc có trách nhiệm ngày càng nặng nề.


Ngày LHQ là ngày kỷ niệm Hiến chương LHQ chính thức có hiệu lực vào 24/10/1945. Với việc đa số các nước, trong đó có 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, thông qua tài liệu nền tảng này, LHQ đã chính thức ra đời. Ngày LHQ đã được kỷ niệm hàng năm kể từ năm 1948. Năm 1971, Đại hội đồng LHQ đề xuất các nước thành viên coi ngày 24/10 là ngày nghỉ lễ.


Đây là dịp để kỷ niệm, tôn vinh và đánh giá những công việc của LHQ cũng như các cơ quan chuyên trách của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Vào dịp này, nhiều hoạt động đã được mọi bộ phận của LHQ tổ chức, đặc biệt là tại các văn phòng chính ở New York (Mỹ), La Haye (Hà Lan), Geneva (Thụy Sĩ), Vienna (Áo) và Nairobi (Kenya). Nội dung các hoạt động rất phong phú, từ tổ chức hòa nhạc, thượng cờ LHQ trên các tòa nhà quan trọng, thảo luận về vai trò của các công việc mà LHQ đảm nhiệm trong thế giới hiện đại, nghe tuyên bố của các nguyên thủ quốc gia… Năm nào Tổng thống Mỹ cũng phát một tuyên bố về Ngày LHQ kể từ năm 1946.


Ngày LHQ là một phần của Tuần LHQ kéo dài từ ngày 20 - 26/10. Qua các hoạt động trong dịp này, người dân thế giới sẽ hiểu rõ hơn về mục đích, thành tựu của LHQ.


Như trước đây, chức năng chính của LHQ vẫn là duy trì hòa bình và an ninh cho mọi quốc gia thành viên. Mặc dù LHQ không có quân đội riêng nhưng tổ chức này có lực lượng gìn giữ hòa bình mà các nước thành viên cử binh sĩ nước mình tham gia. Sau khi được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua, các binh sĩ trong lực lượng gìn giữ hòa bình thường được phái tới những khu vực mà xung đột vũ trang vừa kết thúc để ngăn các bên nối lại giao tranh. Năm 1988, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã giành giải Nobel Hòa bình vì có nhiều hành động đóng góp cho hòa bình thế giới.


Ngoài việc duy trì hòa bình, LHQ còn có mục đích bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ nhân đạo khi cần thiết. Năm 1948, Đại hội đồng đã thông qua Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền làm tiêu chuẩn cho các hoạt động nhân quyền. LHQ hiện hỗ trợ kỹ thuật trong các cuộc bầu cử, hỗ trợ cải thiện cấu trúc tư pháp và thảo hiến pháp, tập huấn cho quan chức về nhân quyền, cung cấp thực phẩm, nước uống, nơi ở và các dịch vụ nhân đạo khác cho những người bị đói, mất nhà cửa do thiên tai, chiến tranh.


LHQ cũng đóng một vai trò không thể thiếu trong phát triển kinh tế và xã hội thông qua Chương trình Phát triển LHQ. Đây là nguồn hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất trên thế giới.


Ngoài ra, các tổ chức thuộc LHQ như Tổ chức Y tế Thế giới; Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, bệnh lao và sốt rét; Quỹ Dân số LHQ; Ngân hàng Thế giới… đều đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển xã hội, kinh tế toàn cầu. LHQ còn hàng năm công bố Chỉ số Phát triển Con người để xếp loại các quốc gia về các mặt như nghèo đói, tỷ lệ mù chữ, giáo dục và tuổi thọ.


Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang cùng lúc xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng, từ xung đột Ukraine, giao tranh đẫm máu ở Syria và Iraq cho tới khủng hoảng dịch bệnh Ebola ở châu Phi, trách nhiệm của LHQ, đặc biệt là các cơ quan chuyên trách, trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.



Thùy Dương

LHQ kêu gọi ngăn chặn nguy cơ thảm sát ở Kobane
LHQ kêu gọi ngăn chặn nguy cơ thảm sát ở Kobane

Tổng thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các bên hành động để ngăn chặn nguy cơ “thảm sát” dân thường ở thị trấn Kobane của Syria, cho biết tính mạng của hàng nghìn người đang bị đe dọa bởi cuộc giao tranh giữa các phần tử thánh chiến và lực lượng người Kurd.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN