Lê Hồng Phong-Tấm gương chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng

Trở thành người chiến sĩ cộng sản và trưởng thành trong các trường học cách mạng


Lê Hồng Phong (tên thật là Lê Huy Doãn) sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1920, Lê Hồng Phong quyết định xin làm công nhân tại Nhà máy Diêm Bến Thủy (TP Vinh, Nghệ An).

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942).

Vì tham gia tích cực vào phong trào công nhân Vinh - Bến Thủy, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái (tên thật là Phạm Thành Khôi) bị đuổi việc. Cuối năm 1923, Phạm Hồng Thái tìm gặp Lê Hồng Phong bàn việc ra nước ngoài hoạt động cách mạng theo gương nhà yêu nước Phan Bội Châu. Một nhóm gồm 17 thanh niên trong đó có Lê Hồng Phong đã lên đường vào tháng Giêng năm 1924, qua Lào, Thái Lan và đến năm 1924 thì đặt chân tới Quảng Châu (Trung Quốc) và cũng trong tháng 4/1924 được kết nạp vào tổ chức Tâm Tâm xã.


Ngày 19/6/1924, Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn nhận nhiệm vụ yểm hộ cho Phạm Hồng Thái ám sát tên Toàn quyền Đông Dương Méclanh khi đó đang dự tiệc tại Sa Diện (Quảng Châu) nhưng kế hoạch bất thành và Phạm Hồng Thái hy sinh.


“Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay.

Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

Trích Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày ngày 11/2/1951.

Sau Tiếng bom Sa Diện (19/6/1924), Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp truy lùng. Nhờ sự giúp đỡ của Phan Bội Châu và các đồng chí trong Việt Nam Quang phục hội, Lê Hồng Phong vào học khóa thứ hai của Trường Quân sự Hoàng Phố (khai giảng ngày 14/8/1924) cùng với Lê Hồng Sơn. Trong thời gian học tập tại trường, với tư cách học viên, Lê Hồng Phong “đã tham gia chiến đấu khoảng 5 - 6 tháng trong hàng ngũ quân đội Chính phủ cách mạng Quảng Đông” 1.


Trong khoảng tháng 12/1924, Lê Hồng Phong cùng với Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên tại Quảng Châu. Tháng 2/1925, Lê Hồng Phong được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn vào nhóm Việt Nam thanh niên cộng sản (gọi tắt là Cộng sản Đoàn) do Người thành lập từ những nòng cốt của Tâm Tâm xã.


Trong những năm 1925 - 1928, Lê Hồng Phong được đào tạo sâu về quân sự, đặc biệt về không quân. Lê Hồng Phong đã tốt nghiệp các khóa đào tạo của Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát (nay là Xanh Pêtécbua, Cộng hòa Liên bang Nga) 2.


Lê Hồng Phong đã hoàn thành khóa học lái máy bay tại Trường đào tạo phi công quân sự số 2 ở Boritxgolepxcơ. Ông là sĩ quan không quân đầu tiên của Cách mạng Việt Nam nhưng lúc này Cách mạng Đông Dương đang cần một nhà cách mạng chuyên nghiệp hơn một phi công chiến đấu. Lê Hồng Phong được điều động sang học tại Trường Đại học cộng sản của những người lao động phương Đông - gọi tắt là Đại học Phương Đông.


Từ tháng 12/1928, tại Đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong mang tên Mikhain Litvinop, thẻ sinh viên mang số 4650 3, học hệ đào tạo 3 năm (khóa 1928 - 1931) dành cho những cán bộ cốt cán đã có hai năm kinh nghiệm công tác trở lên. Ngày 25/5/1929, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản (b) Liên Xô 4. Tháng 5/1931, Lê Hồng Phong tiếp tục học tập tại Khoa nghiên cứu sinh. Trong khoảng thời gian từ tháng 5/1931 đến cuối năm 1931, Lê Hồng Phong viết luận án phó tiến sĩ. Bản thảo luận án của Litvinop: “Tình hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương” còn lưu tại Trung tâm lưu trữ và nghiên cứu các tài liệu lịch sử hiện đại Nga (tủ 532; hộp 1; hồ sơ 250; tờ 86) 5. Bản thảo này rất phong phú các tư liệu thực tế, nhiều số liệu thống kê về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, khoáng sản tự nhiên của xứ Đông Dương.


Bản thảo luận án này, dù còn chưa được tu chỉnh và đưa ra bảo vệ, nhưng là một đóng góp xuất sắc của đồng chí Lê Hồng Phong cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cách mạng Đông Dương. Đến nay tài liệu này vẫn mang nhiều giá trị lịch sử. Tuy nhiên, do những yêu cầu của cách mạng, Lê Hồng Phong không thể hoàn thành luận án phó tiến sĩ của mình. Đồng chí được Quốc tế Cộng sản (QTCS) cử về Đông Dương “với tư cách là cán bộ của Ban Trung ương Chấp ủy của Đảng” 6 với trách nhiệm chắp nối cơ sở cách mạng để thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng - có vai trò như một Ban chấp hành Trung ương lâm thời - để chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.


Trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, chiến sĩ cộng sản quốc tế


Tháng 11/1932, Lê Hồng Phong cùng Trần Đình Long lên đường về Đông Dương. Sau nhiều cố gắng tìm bắt liên lạc, chắp mối lại cơ sở cách mạng, tháng 6/1934 Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức được thành lập 7, Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là người đứng đầu Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng cùng với những học viên khác mới tốt nghiệp các trường đào tạo cán bộ của QTCS như Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên...


Sau nhiều nỗ lực chuẩn bị, tháng 3/1935, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao (Trung Quốc) đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Thư ký (Tổng Bí thư). Lúc này đồng chí đang dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ VII QTCS sẽ họp trong tháng 7 và 8/1935 cùng với Nguyễn Thị Minh Khai - người sau này trở thành người bạn đời thân yêu, người đồng chí kiên cuờng của ông - và Hoàng Văn Nọn, người Tày (bí danh Cao Bằng; Tú Hưu).


Tất cả những nỗ lực của các lực lượng tiến bộ trên thế giới lúc đó tập trung cho mục tiêu tránh cho loài người cuộc chiến tranh tàn khốc. Đại hội VII QTCS (7/1935) đã diễn ra trong bối cảnh đó và cũng hướng tới mục đích đó. Tại Đại hội VII QTCS, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội. Trong phiên họp thứ chín, chiều ngày 29/7/1935, đồng chí Lê Hồng Phong (với bí danh Hải An) thay mặt đoàn đại biểu Đông Dương trình bày báo cáo: “Phong trào chung của Đảng Cộng sản Đông Dương và đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh”.


Đại hội VII QTCS đánh giá cao báo cáo này và ghi nhận sự trưởng thành của phong trào cách mạng Đông Dương. Đại hội đã nhất trí ra quyết nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là chi bộ chính thức thuộc QTCS. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là Ủy viên chính thức (trong số 46 ủy viên) của Ban Chấp hành QTCS. Đồng chí là 1 trong số 2 đại biểu của các dân tộc thuộc địa tham gia trong “Bộ tham mưu” của giai cấp công nhân thế giới. Đồng chí Lê Hồng Phong cũng là người cán bộ duy nhất của Đảng ta giữ cương vị lãnh đạo chính thức ở QTCS.


Mối tình cao đẹp của hai chiến sĩ cộng sản kiên cường


Khoảng đầu năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được Đảng cử sang Hương Cảng làm công tác liên lạc, trợ giúp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Ở Trung Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai hoạt động bí mật dưới tên chị Duy. Ngày 29/4/1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Anh bắt và trải qua hơn 3 năm trong các nhà tù ở Hương Cảng, Quảng Châu, Thượng Hải. Khoảng giữa năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai được trả tự do. Sau một thời gian tìm cách bắt liên lạc với Đảng, chị đã gặp Lê Hồng Phong ở Thượng Hải và sau đó được cử làm đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII QTCS 8. Sau khi dự Đại hội Quốc tế thanh niên (1935), với bí danh Phan Lan, Nguyễn Thị Minh Khai được cử vào học ở Đại học Phương Đông và Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa. 


Quá trình gặp gỡ và gần gũi giữa Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai - hai người đồng hương, hai người đồng chí, chung một lý tưởng trên con đường hoạt động cách mạng - từ Thượng Hải và quãng thời gian dài hơn hai năm trên đất nước Xô viết đã tạo cho họ những điều kiện nảy nở một tình yêu. Họ đã kịp làm đám cưới. Sống giữa thủ đô của cách mạng thế giới trong vòng tay bạn bè, tham gia nhiều diễn đàn quan trọng của phong trào cách mạng thế giới, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã có nhiều dịp làm cho QTCS và các đảng cộng sản anh em hiểu thêm về tình hình cách mạng ở Đông Dương, về Đảng Cộng sản Đông Dương đang kiên cường lãnh đạo cuộc đấu tranh...


Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Đại học Phương Đông, tháng 2/1937, Phan Lan rời Mátxcơva. Chị được phân công lãnh đạo phong trào cách mạng vùng Chợ Lớn, Gia Định.


Sự chuyển hướng chiến lược của QTCS trong Đại hội VII đã được đồng chí Lê Hồng Phong kịp thời mang về với những người cách mạng Việt Nam. Tháng 7/1936, đồng chí chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Thượng Hải (Trung Quốc). Từ những chỉ dẫn của QTCS, đồng chí Lê Hồng Phong và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã căn cứ vào tình hình cụ thể của phong trào cách mạng trong nước để tìm ra hình thức thích hợp cho Mặt trận nhân dân, tìm ra nhiều hình thức tập hợp nhân dân đoàn kết chống đế quốc và chiến tranh.


Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong về Sài Gòn cùng Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ đang dâng cao trong cả nước. Để che mắt kẻ thù, đồng chí Lê Hồng Phong đổi tên, sử dụng căn cước giả, thường xuyên thay đổi chỗ ở và phương thức liên lạc. Có thời gian đồng chí ở trong xóm lao động vùng chợ Thiếc, khi thì ở tại vùng Ngã Sáu, có lúc lại về vùng "vành đai đỏ" Mười tám thôn vườn trầu... Có khi đồng chí giả là công nhân, có lúc lại trong vai thương lái Hoa kiều đi mua lợn...


Nguyễn Thị Minh Khai cũng lăn lộn bươn chải khắp vùng Sài Gòn - Gia Định, cùng với các đồng chí trong Xứ ủy Nam kỳ và Trung ương Đảng như Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu... và người chồng yêu quý của mình gây dựng phong trào cách mạng. Công việc càng nhiều hơn từ khi Nguyễn Thị Minh Khai được cử làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (đầu năm 1939). Ngoài trách nhiệm hoàn thành những nhiệm vụ Đảng trao, Nguyễn Thị Minh Khai còn làm tròn vai trò người mẹ, người vợ. Đầu năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai sinh con gái Lê Nguyễn Hồng Minh.


Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt ở Chợ Lớn, bị kết án tù 6 tháng vì tội dùng căn cước giả và bị trục xuất về quê chịu quản thúc. Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương lập tức khủng bố trắng, lùng bắt những người cộng sản. Ngày 20/1/1940, Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo.


Ngày 30/7/1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt. Ngày 28/8/1941, chị hiên ngang bước ra pháp trường, đi vào cõi bất tử cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Tạ Uyên... Khi đó, đồng chí Lê Hồng Phong đã bị đày ra Côn Đảo.


Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù, vì bệnh tật, trưa ngày 6/9/1942, đồng chí Lê Hồng Phong qua đời tại xà lim số 5, banh II, Côn Đảo do bệnh lao quá nặng, do sự đày đọa dã man của kẻ thù. Trước khi nhắm mắt, đồng chí đã dồn hết sức lực để lại lời nhắn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.


Lê Nguyễn Hồng Minh lớn lên trong tình cảm yêu thương, đùm bọc, chở che của bà con cơ sở cách mạng.



Ngô Vương Anh

------
(1) Bản khai xin vào Đảng Cộng sản Liên xô của đồng chí Litvinop (Lê Hồng Phong) trong Hồ sơ gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô (bônsêvich) của Litvinop, năm 1930, dịch từ tiếng Nga, lưu tại Cục lưu trữ Trung ương Đảng - Dẫn lại từ Lê Hồng Phong - Tiểu sử - Nxb CTQG, H, 2007, tr 49.


(2) Hồ sơ 495 - 201 - 46, bản tiếng Nga, lưu tại trung tâm lưu trữ Nga các tư liệu lịch sử hiện đại; Hồ sơ cá nhân, in trong Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường (Hồi ký), Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr 274.


(3) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước - Lê Hồng Phong - Tiểu sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 2007, tr 61.


(4) Hồ sơ gia nhập Đảng Cộng sản toàn Nga (Bônsêvic) của Lítvinốp - Lê Hồng Phong, 1930, tài liệu tiếng Nga, lưu tại Cục lưu trữ Trung ương Đảng - Dẫn lại từ Lê Hồng Phong - Tiểu sử, Sđd, tr 69.


(5) Tài liệu này đã được dịch ra tiếng Việt và công bố trong cuốn sách Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường - Nxb CTQG, H, 2002, tr 545 - 632.
(6) Tiểu sử tự thuật của Hải An - Dẫn lại từ Lê Hồng Phong - Tiểu sử, Sđd, tr 73.


(7) Theo Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong - Dẫn từ sách Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường - Nxb CTQG - Hà Nội - 2002.


(8) Xem Thư của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương (ngày 31/3/1935) gửi Quốc tế cộng sản - Văn kiện Đảng Toàn tập - Sđd; T 5, các trang 203 và 314.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN