Ký ức Cồn Biền

Trận đấu súng ác liệt giữa hai chiến sĩ quân giải phóng với một trung đội Mỹ tại Cồn Biền thời chiến tranh, vẫn được người dân xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) truyền tụng, như một tấm gương về lòng anh dũng và tinh thần bất khuất.

Ông Đỗ Văn Hiếu, (76 tuổi, tổ 23, thôn Đông Bình, xã Duy Vinh), vào những năm 1960, là xã đội trưởng xã Xuyên An (tên gọi cũ của Duy Vinh). Ông Hiếu kể lại rành rọt về trận đánh ác liệt không cân sức và mang tính cảm tử này.

Trận chiến không cân sức

Cồn Biền là một nhô đất nằm giữa sông Ly Ly, có 8 hộ dân sinh sống; trong đó có mẹ Nguyễn Thị Chính (sinh năm 1903). Cho tới năm 1967, chồng mẹ đã hi sinh; những người con đều đi bộ đội, trong đó có ông Nguyễn Đán (sinh năm 1945) và ông Nguyễn Út (sinh năm 1950). Mẹ sống với đứa cháu ngoại mồ côi là bé Trần Thị Giao, lúc đó 12 tuổi.

Bia tưởng niệm trận đánh Cồn Biền do gia đình và đồng đội của những người hi sinh trong trận Cồn Biền lập nên.


Trận đánh xảy ra vào ngày 5/10/1967. Ông Nguyễn Đán là bộ đội Quân khu 5, bị sốt rét nên được cấp trên cho về nhà dưỡng bệnh. Còn ông Nguyễn Út đang là du kích nằm vùng. Lúc 6 giờ sáng hôm đó, từ căn cứ của xã đội bên kia bờ sông, ông Út xin phép ông Hiếu về nhà; đang lúc về thì gặp sự cố: một chiếc máy bay HU1A, bay ra từ hướng Nam, bị dân quân du kích bắn trọng thương, đến địa phận Cồn Biền lảo đảo tìm chỗ hạ cánh; đất Cồn Biền trống hoang, không cây cối mọc nên ông Út bị máy bay phát hiện.

Trên máy bay, 3 lính Mỹ xả súng xuống. Biết không thể thoát, ông Út chạy về hầm trú ẩn; mẹ Chính cùng ông Đáng, cháu Dao cũng xuống hầm chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Lúc đó, trên tay ông Út có 1 khẩu AR15 với 100 viên đạn, 5 quả lựu đạn chày và lựu đạn 26. Còn ông Đáng có 1 khẩu AK, 1 băng đạn 30 viên, 2 quả lựu đạn chày. Hầm được đào theo hình chữ S, 2 miệng hầm được bố trí ở 2 đầu, mỗi ông trấn giữ một miệng hầm.

Trong lúc này, 3 lính Mỹ điện lực lượng đến hỗ trợ. 20 phút sau, bầu trời Cồn Biền dày đặc máy bay. Từ căn cứ ở núi Quế (Quế Sơn), phía Mỹ điều đến cả 1 trung đội 30 tên với 4 chiếc máy bay HU1A, mỗi chiếc chở một tiểu đội; và 4 chiếc máy bay chiến đấu.

“Lúc đó, tôi dự tính bố trí 1 trung đội du kích, từ bờ sông bên này bắn qua yểm trợ Cồn Biền. Nhưng ở chỗ chúng tôi đóng quân là vùng dân sinh; Mỹ phát hiện sẽ xả đạn xuống; bởi vậy, thà bảo vệ 1.500 dân ở bên kia sông và giữ bí mật cho vùng du kích còn hơn đánh mà làm chết dân và chết luôn du kích”, ông Hiếu nói.

Mục đích của phía Mỹ là bảo vệ và đưa 1 máy bay của chúng đang bị trúng đạn về lại căn cứ ở Hội An. Nhưng khi phát hiện có quân ta thì mục tiêu của Mỹ là bắt sống. Một cuộc chiến đấu không cân sức bắt đầu: 30 lính Mỹ chia làm 2 cánh tiến đến miệng hầm. Út và ông Đán từ trong hầm bắn ra. Khi Mỹ đã áp gần sát miệng hầm, các ông ném lựu đạn buộc Mỹ thoái lui. Có tổng cộng 4 lần tiến vô rồi thoái lui như vậy.

Đến 11 giờ, vì thấy tấn công trực diện không tiếp cận được mục tiêu, quân Mỹ mới nghĩ ra 1 cách: cho một máy bay HU1A chở 3 tên lính đậu vào ngay chính giữa đường hầm, ném lựu đạn cay xuống 2 miệng hầm. 3 lính Mỹ nhảy xuống máy bay, rồi dùng xẻng đào đất khui hầm để bắt sống; số máy bay còn lại hạ cánh xa hầm khoảng 100 mét, bắn yểm trợ vào.

Lúc đó, đạn đã hết, trên tay 2 ông chỉ còn 2 quả lựu đạn cuối cùng. Biết sắp thất bại, ông Đáng phóng ra 1 quả, làm chết 3 lính Mỹ; quả lựu đạn còn lại thì chỉ nghe một tiếng nổ dữ dội trong hầm làm khói tung lên, là tiếng nổ mìn tự vẫn của 2 người chiến sĩ và mẹ Chính ôm chặt đứa cháu 12 tuổi giữ vững khí tiết. Lúc đó là 11 giờ 30, ngày 5/10/1967.

Tưởng niệm

Ông Hiếu nhớ lại, đánh xong, 3 lần trực thăng Mỹ chở xác chết. Đến 17 giờ 30 chiều cùng ngày, ông Hiếu cùng đồng đội tới Cồn Biền thì thấy băng cá nhân vứt bừa bãi, máu nhuộm lênh láng. Tìm xác đồng đội, chỉ thấy máu, và những bàn tay còn vướng dây kéo lựu đạn chày... Hai ngày sau, từ đường sông, Mỹ dùng 4 tàu hải quân từ duyên đoàn 14 Cửa Đại tăng cường áp sát Cồn Biền. Nhưng ở Xuyên An, trận đánh đã dấy lên một phong trào chống lập ấp lập tề, làm sôi sục khí thế đấu tranh của nhân dân trong vùng.

Như lời ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh, làng Đông Bình bây giờ, từ già đến trẻ ai ai cũng đều thuộc làu trận đánh này. “Đây là một trận đánh thể hiện đầy đủ nhất tinh thần bất khuất của người dân xã Duy Vinh, một trận đánh oai hùng giữa một bên là 2 chiến sĩ Cộng sản và một bên là 1 trung đội Mỹ với vũ khí tối tân”, ông Năm nói.

Nhà nước đã công nhận ông Đán và ông Út là liệt sĩ, còn mẹ Nguyễn Thị Chính được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mộ của họ giờ nằm ở nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Vinh. Đồng đội xưa của những người đã khuất vẫn còn đó, mắt rưng rưng khi kể lại chuyện Cồn Biền. Trên cồn này, dấu tích hầm mẹ Chính vẫn còn. Và trên miệng hầm cũ, giữa mênh mông sông nước, bạt ngàn thùy dương, con cháu và đồng đội của những người hi sinh xây bia tưởng niệm. Phía trước bia có một cây bần tự mọc, to trọn một vòng tay ôm, nhìn tựa như một nén hương chiêm bái quá khứ.

Bài và ảnh: Mai Thành Dũng

'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng
'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng

Vùng đất thép Củ Chi anh hùng - giờ đây là một huyện ngoại thành, TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Củ Chi đã trực tiếp đương đầu với lực lượng quân đội của quân khu 3 chế độ Sài Gòn và Sư đoàn 25 Mỹ mệnh danh tia chớp nhiệt đới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN