Kỳ bí tổ chức tình báo Mossad

Kỳ bí tổ chức tình báo Mossad - Kỳ II: "Nhà nước trong nhà nước"

Khi được hỏi, đâu là thành công lớn nhất của mình, "Isser Nhỏ bé", biệt danh của Harel, thủ lĩnh thời kỳ đầu của Mossad cho biết: "Tìm được cháu nhỏ Jossele khó khăn hơn nhiều, vì không có một cộng đồng nào trên thế giới kín tiếng như những người Do Thái mộ đạo". Thế còn thất bại thì sao? Với ánh mắt sắc lạnh, Harel săm soi các vị khách với vẻ miệt thị: "Sai lầm ư? Tôi không hề mắc phải sai lầm".

Nữ thủ tướng Ixraen Golda Meir, người ra lệnh tiến hành chiến dịch "Sự báo thù của Chúa Trời".

Có lẽ trong thái độ quá kiêu căng này, hoặc trong việc nhăm nhăm tập trung vào một hình ảnh kẻ thù đã có mầm mống cho sự xuống dốc của Mossad. Bởi vì cho dù Harel có thành công đến mấy thì cũng không thể không có sai lầm. Người đứng đầu tổ chức gián điệp này tin rằng có một âm mưu do những tên Quốc xã trước đây tổ chức nhằm tiêu diệt nhà nước Do Thái. Ông ta đã nhận được thông tin của Wolfgang Lotz ở Cairô, một người được mệnh danh là "Gián điệp sâm banh", rằng người Đức đang tham gia chế tạo tên lửa ở Ai Cập, loại "vũ khí thần diệu" để chống lại Ixraen. Ngay sau đó, dưới mật danh "Damokles", cơ quan mật vụ Ixraen bắt đầu chiến dịch khủng bố đầu tiên của mình.

Năm 1962, họ gửi bom thư sang Ai Cập làm 5 người thiệt mạng, trong đó có một số nhà khoa học Đức. Thủ tướng Ben - Gurion, vốn là một người ngưỡng mộ Harel, cũng phải gọi vị thủ lĩnh Mossad này lên chất vấn. Harel từ chối nêu lên nguồn gốc cho mối nghi ngờ của mình và đưa đơn xin từ chức, sau 11 năm ở cương vị này. Dưới sự chỉ huy của các ông trùm Mossad sau đó như Meir Amir (từ 1963 tới 1968), Zwi Samir (từ 1968 tới 1974) và Jizchak Hofi (1974 tới 1982), các điệp viên Mossad cũng đã đạt được những chiến tích ngoạn mục. Họ đã bắt cóc được cả một máy bay MiG 21 từ Irắc, làm cho cả một chiếc tàu chở urani ở Địa Trung Hải "biến mất" để kiếm nguyên liệu cho các nhà khoa học nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử ở một nơi cải trang là nhà máy dệt ở ngoại ô Dimona. Trong một chiến dịch táo bạo, các điệp viên Mossad đã giải thoát hàng trăm hành khách khỏi tay những tên khủng bố người Palextin ở Entebbe của Uganđa. Họ đã do thám và phát hiện ra một cơ sở hạt nhân nằm sâu trong lãnh thổ Irắc và chỉ điểm cho máy bay Ixraen ném bom phá hủy lò phản ứng ở ngoại ô Bátđa để ngăn cản Irắc phát triển vũ khí hạt nhân.

Ảnh minh họa máy bay Ixraen ném bom cơ sở hạt nhân của Irắc.


Nhưng với việc Mossad tiếp quản phương pháp khủng bố của kẻ thù, lấy khủng bố để đáp trả khủng bố, họ ngày càng mất đi uy tín. Giờ đây, Mossad không còn là "con mắt của David" để do thám gã khổng lồ Goliath nữa. "Huyền thoại Mossad" cũng phản chiếu lịch sử của nhà nước Ixraen: Ban đầu là chủ nghĩa lý tưởng và sự hứng khởi ngự trị, sau đó là giai đoạn củng cố và rốt cuộc là xuất hiện mọi hội chứng của một nhà nước "bình thường" ở Cận Đông với việc lạm dụng quyền lực và tự đánh giá mình quá cao.

Trường hợp tội lỗi mang tính quyết định là chiến dịch "Sự báo thù của Chúa trời" do chính nữ Thủ tướng Golda Meir ra lệnh để hạ sát các hung thủ và những người đứng đằng sau vụ bắt cóc các vận động viên Ixraen ở Olympic Munich 1972. Khoảng một chục người thực tế có liên quan hoặc bị tình nghi có liên quan đã bị đưa vào danh sách trừ khử của Mossad.

11 người Palextin đã bị sát hại, trong đó có "Hoàng tử Đỏ" Ali Hassan Salameh, người được cho là đã bị CIA thuyết phục để trở thành người cung cấp thông tin cho họ. Ngoài ra còn có Ahmed Buschiki, người bị một nhóm điệp viên Mossad hạ sát ngày 21/7/1973 ở Lillehammer của Na Uy. Đây là một sự nhầm lẫn chết người vì Buschiki là một người bồi bàn Marốc chẳng có liên quan gì tới chính trị hoặc hoạt động khủng bố cả.

Theo nhiều nguồn tin, giữa những năm 1970, nữ Thủ tướng khi đó Golda Meir đã bổ nhiệm một cái gọi là Ủy ban X, chịu trách nhiệm về danh sách những kẻ cần phải được thủ tiêu, có thể còn tồn tại cho tới tận ngày nay. Mossad ngày càng hay để mình bị lôi kéo vào những cuộc phiêu lưu quốc tế đáng ngờ vực về chính trị, như cung cấp vũ khí cho các nhà độc tài ở Uganđa, Đài Loan (Trung Quốc) và En Xanvađo. Họ tạo cớ cho các hoạt động chính trị như tìm cớ để Ixraen xâm lược Libăng năm 1982. Như vậy, Mossad đã ngày càng trở thành "Nhà nước trong nhà nước", ngạo mạn không đếm xỉa gì tới pháp lý và trật tự.

Cơ quan mật vụ trong nước Schabak đã tiến hành tra tấn những người Palextin bị bắt giữ, thậm chí sát hại họ như một trường hợp đã được minh chứng trong năm 1984. Trong khi đó, Schabak và cơ quan tình báo quân đội Aman đã không dự đoán trước và đánh giá được phong trào nổi dậy Intifada của người Palextin trong vùng đất chiếm đóng.

Ixraen đã cho điệp viên Jonathan Jay Pollard do thám Mỹ và bị bắt. Nhưng khi họ biết được thông tin về kế hoạch tấn công vào trụ sở của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Bâyrút, thì họ cũng chẳng thèm báo cho nước bạn Mỹ biết trước để đề phòng. Victor Ostrovsky, nguyên điệp viên Mossad dẫn lời ông trùm Mossad, Nachum Admoni, nói: "Chúng ta đâu phải là người bảo vệ cho người Mỹ". Mossad cũng chẳng coi Anh ra sao khi phân phát hộ chiếu Anh tại Luân Đôn và lập ra cả một kho vũ khí trong một căn hộ của điệp viên Ismail Sowan với thuốc nổ và lựu đạn, một điệp viên đã bị người Palextin mua chuộc. Khi Sowan bị phát hiện năm 1987, cả những điệp viên Ixraen với quy chế ngoại giao cũng phải ra đi. Chính phủ của Thủ tướng Thatcher đã quá phẫn nộ nên cấm Mossad hoạt động trên lãnh thổ Anh.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ 3: Những chiến dịch hạ sát thủ lĩnh Palextin

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN