Truy tìm dấu vết tàu chở vàng i-52

Kỳ 2: Những cuốn nhật ký hàng hải tối mật

Paul Tidwell, một nhà sử học người Mỹ, đã bỏ ra hơn 5 năm nghiên cứu các hồ sơ gốc của Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản về vụ tàu I-52 của Nhật bị đánh chìm tại Đại Tây Dương. Kết quả của quá trình nghiên cứu khiến ông tin rằng có thể tìm lại được con tàu I-52. Với kết quả nghiên cứu trong tay, Tidwell ký kết một hợp đồng với Công ty Sound Ocean Systems của Mỹ để tiến hành một cuộc tìm kiếm I- 52 dưới đáy biển sâu. Tom Dettweiler của Công ty Meridian Science (Mỹ) và Bob Cooke của Công ty Sound Ocean Systems là những người phụ trách hoạt động trên biển. Ngoài ra, Công ty Meridian Science còn hỗ trợ các hệ thống thiết bị và thực hiện các phân tích trong quá trình tìm kiếm tàu I-52.


Trong số các tư liệu về vụ tàu I-52 thu được từ Đại chiến thế giới lần thứ Hai, có rất nhiều tư liệu hiện đang được lưu trữ ở Cục Lưu trữ quốc gia ở Oasinhtơn (Mỹ). Ở đó, nhà sử học Paul Tidwell đã tìm thấy cuốn nhật trình của chiến hạm USS Bogue. Cuốn sổ này đề cập đến những sự kiện liên quan đến con tàu I-52 vào ngày 23 và 24/6/1944. Ngoài ra, ông cũng tìm thấy bản báo cáo của Taylor về cách thức anh đã xác định vị trí và cách đánh chìm con tàu I-52 như thế nào, nhật ký hàng hải của những con tàu khác tham gia trận đánh đó và cả nhật ký của tàu ngầm U-530.



Lá cờ hình mặt trời mọc được gắn lên boong của  tàu I-52.


Công cuộc tìm kiếm con tàu I-52 bắt đầu bằng việc huy động tàu bè, thủy thủ và trang thiết bị cần thiết, khởi hành từ Bridgetown, Bácbađốt, trong vùng biển Caribê ấm áp và đầy nắng. Tom Dettweiler, David Wyatt và Jeff Burns gặp Paul Tidwell để thảo luận các chi tiết của kế hoạch. Thách thức về mặt kỹ thuật là điều khó tránh khỏi trong quá trình tìm kiếm. Con tàu đắm được cho là đang nằm ở độ sâu gần 5.200 m. Ở độ sâu này, áp lực nước lên đến 8.000 psi. Các thiết bị phải được chằng buộc bằng loại dây cáp kim loại. Theo nhận định của đoàn tìm kiếm, áp lực lớn sinh ra từ vụ nổ có lẽ đã phá tan con tàu ra thành những mảnh vụn nhỏ thay vì là một khung tàu còn nguyên vẹn.


Bởi ánh sáng chỉ chiếu xuống được một khoảng cách ngắn trong lòng đại dương nên công việc chụp ảnh hoặc ghi hình hầu như không phát huy được hiệu quả trong những cuộc tìm kiếm dưới đáy biển. Tuy vậy, khiếm khuyết này có thể được khắc phục bằng cách sử dụng thiết bị dò sóng âm. Âm thanh do thiết bị dò sóng âm tạo ra khi gặp chướng ngại vật sẽ dội lại; thứ âm thanh này được thu lại và xử lý để tạo ra một “hình ảnh âm thanh”. Công nghệ ngày nay có thể tạo ra được những bức ảnh có độ phân giải đủ để phát hiện ra một thân tàu kim loại hoặc hiện trường với những mảnh vụn. Theo phương pháp này, đoàn tìm kiếm hy vọng có thể xác định được chính xác vị trí của tàu I-52.


Con tàu phá băng của Nga có tên là Yuzhmorgeologiya, sau khi vượt qua kênh đào Panama, đã đến được Bridgetown, Bácbađốt vào 11/4/1995. Các nhà khoa học chuyển sang tàu nghiên cứu của Nga, con tàu sẽ lênh đênh cùng họ trên biển trong việc tìm kiếm I- 52 giữa đại dương mênh mông. Trong muôn vàn khó khăn mà đoàn phải xử lý nổi lên là việc lắp đặt và thử nghiệm trên biển chiếc máy ảnh chuyên dụng, the Deep-sea Probe 6000.

Đoàn tìm kiếm rời cảng Bridgetown vào ngày 12/4. Ngày hôm sau, Paul và Tom tổ chức một cuộc hội ý với các nhà khoa học để thông báo về kế hoạch tìm kiếm. Vị trí của con tàu đắm mà Paul dự tính được căn cứ trên vị trí mà chiến hạm USS Bogue đã báo cáo lại khi những chiếc máy bay xuất phát từ chiến hạm này đi tấn công tàu ngầm I-52. Kinh nghiệm của Tom mách bảo, nơi con tàu đắm sẽ có nhiều mảnh vỡ nằm rải rác theo một sơ đồ riêng mà người ta có thể dễ dàng nhận ra. Vì vậy, nhóm các nhà nghiên cứu điều chỉnh thiết bị quét sóng âm MAK-1M để tìm kiếm mục tiêu theo hướng này. Tom và Bob vạch một kế hoạch nghiên cứu căn cứ trên dòng nước biển và những điều kiện có thể gặp phải ở dưới đáy biển.


Chiến hạm USS Bogue và những máy bay Avengers được giao nhiệm vụ

đánh chìm tàu I-52.


Con tàu Yuzhmorgeologiya sẽ kéo thiết bị dò tìm sóng âm theo hướng đông ở 1,5 độ và ở độ cao cách đáy biển là 100 m để tránh những chỗ lồi lõm dưới đáy biển mà cứ 4 hoặc 5 km họ lại gặp phải. Ở tần số 30Khz, trong phạm vi 2.000 m2, thiết bị dò tìm sóng âm MAK-1M sẽ quét đi quét lại từng nửa mét đáy biển theo hai lượt.


Sau hai tuần tìm kiếm và phân tích các dữ liệu thu được từ khu vực này, bóng dáng con tàu I-52 vẫn chưa được phát hiện. Sự căng thẳng và mất bình tĩnh bắt đầu xuất hiện trong nhóm các nhà nghiên cứu trên tàu. Những kịch bản mới lại được đề xuất sau khi người ta phân tích lại những tài liệu ghi chép trước đây. Thậm chí, Tom và Bob đã tính toán đến khả năng con tàu ngầm chở hàng I-52 đã thoát được đợt tấn công đầu tiên. Nếu cuộc tìm kiếm ở vị trí này không có kết quả thì cũng đồng nghĩa với việc nhóm tìm kiếm sẽ phải kéo dài thời gian và mở rộng phạm vi tìm kiếm ra nhiều dặm nữa trên Đại Tây Dương.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Kỳ I: Ngày định mệnh
Kỳ I: Ngày định mệnh

Việc người ta tìm thấy xác tàu ngầm I-52 của Nhật Bản bị đánh đắm tại Đại Tây Dương ở độ sâu gần 5.200 m vào ngày 2/5/1995 là kết quả của một nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm kéo dài trong 5 năm của Paul Tidwell...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN