Kết thúc chương trình tàu con thoi của Mỹ sau 30 năm:

Kết thúc chương trình tàu con thoi của Mỹ sau 30 năm: Lịch sử đã sang trang

Vào lúc 9 giờ 56 phút (giờ GMT), tức 16 giờ 56 phút (giờ VN) ngày 21/7/2011, tàu vũ trụ Atlantis đã hạ cánh an toàn xuống Trung tâm Vũ trụ Kennedy, sau khi rời bệ phóng trong chuyến bay cuối cùng hôm 8/7/2011.

Tàu Atlantis trở về Trái đất ngày 21/7/2011.

Sự kiện này đã chính thức khép lại trang sử của các tàu con thoi mà Mỹ đã sử dụng để khám phá vũ trụ. 30 năm hoạt động với tổng cộng 135 chuyến bay, chương trình vũ trụ đầy tham vọng đã tiêu tốn của chính phủ Mỹ hàng trăm tỷ USD. Rất nhiều nhiệm vụ phức tạp đã được các tàu con thoi thực hiện trong suốt những năm qua, giúp người Mỹ khám phá những bí ẩn trong khoảng không vũ trụ. Thành công có, thất bại cũng đã phải trải qua nhưng giờ đây là lúc mà các tàu con thoi huyền thoại đó cần phải “nghỉ hưu” để nhường bước cho các “thế hệ mới”.

1. Enterprise: Tàu con thoi không bao giờ vào vũ trụ

Người ta không nói nhiều về tàu con thoi đầu tiên này trong chương trình vũ trụ của Mỹ. Bắt đầu được lắp ráp từ tháng 6/1974, lúc đầu con tàu dự kiến được đặt tên là Constitution nhân kỷ niệm 200 năm ngày ra đời Hiến pháp nước Mỹ. Tuy nhiên, dư luận Mỹ rất muốn con tàu đặc biệt này được mang tên Enterprise, con tàu huyền thoại trong phim truyền hình khoa học viễn tưởng Star Trek đang rất nổi tiếng lúc bấy giờ, và chính phủ Mỹ đã chấp nhận kiến nghị đó.

Ngày 17/9/1976, quá trình xây dựng và lắp ráp tàu Enterprise hoàn tất. Mặc dù ý tưởng ban đầu là sản xuất một tàu con thoi để phóng vào vũ trụ nhưng cuối cùng người ta lại quyết định không lắp động cơ cũng như tấm chắn nhiệt cho Enterprise và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chỉ sử dụng con tàu này để thử nghiệm trong quá trình hoàn tất việc sản xuất một tàu con thoi khác là Columbia.

Tàu Enterprise được chiếc Boeing 747 “cõng” trong một chuyến bay thử nghiệm.


Từ tháng 2 đến 11/1977, NASA đã sử dụng Enterprise thực hiện một loạt các thí nghiệm và rà soát các chi tiết của chương trình tàu con thoi. NASA cũng đã dùng một máy bay Boeing 747 kéo Enterprise để thu thập số liệu liên quan tới đặc tính chạy và hãm của hệ thống cõng máy bay. Trong các bài kiểm tra mô phỏng những chuyến bay trong khí quyển, các chuyên gia của NASA cũng đã kiểm tra cấu trúc toàn diện của tàu, hệ thống điều khiển bay, khả năng kiểm soát. Ngoài ra, Enterprise cũng được dùng để kiểm tra xem bệ phóng SLC-6 tại căn cứ không quân Vandenberg có vừa tàu con thoi hay không, cũng như thử ảnh hưởng của chấn động mặt đất đối với tàu con thoi, tạo điều kiện cho các kỹ sư so sánh dữ liệu từ một tàu vũ trụ thật với các mô hình lý thuyết.

Sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm, một phần của tàu Enterprise được tháo gỡ để sử dụng lại một số bộ phận trong các tàu con thoi khác. Cuối cùng, vào năm 1985, Enterprise chính thức được chuyển tới “nghỉ ngơi” tại Bảo tàng hàng không vũ trụ quốc gia thuộc Viện Smithsonian.

2. Columbia: Cuộc sống và cái chết của “ngọn cờ đầu”

Ngày 12/4/1981, Columbia trở thành tàu con thoi đầu tiên bay vòng quanh quĩ đạo Trái đất. Chuyến bay lịch sử đó kéo dài trong hai ngày và được các phi hành gia John Young và Robert Crippen hạ cánh trở lại một cách an toàn sau khi bay 36 vòng quanh quĩ đạo. Tuy nhiên, 22 năm sau thì đoạn kết có hậu đó đã không lặp lại và chuyến bay của Columbia đưa 7 phi hành gia lên vũ trụ ngày 16/1/2003 đã không bao giờ trở lại.

Trong chuyến bay định mệnh đó, trong số 7 thành viên phi hành đoàn có một người mang quốc tịch Ixraen, một nữ phi hành gia gốc Ấn Độ và 5 người Mỹ. Sau khi kết thúc 16 ngày thực hiện các nghiên cứu khoa học trên quĩ đạo, tàu Columbia bắt đầu quay trở lại Trái đất sáng 1/2/2003. Qua màn hình theo dõi, các chuyên gia mặt đất bất ngờ nhận thấy áp suất trên tàu giảm rất nhanh và xuất hiện một luồng khí cực nóng tràn vào tàu. Tiếng chuông báo động vang lên trong tàu Columbia, phi hành gia điều khiển con tàu, William McCool, đã nhấn vài nút khác nhau để cố gắng cân bằng con tàu khi đó bắt đầu xoay vòng và mất kiểm soát. Các thành viên còn lại đều thực hiện các thao tác trong tình huống khẩn cấp như khi họ được đào tạo tại NASA nhưng tất cả đều vô ích. Khoang chứa phi hành đoàn tách khỏi tàu và xoay tròn rất nhanh. Nhiều phần của con tàu, bao gồm các cánh, đã bắt đầu rơi ra. Toàn bộ các phi hành gia đều bị ngất và chết ngay lập tức. Những băng ghi hình cho thấy tàu đã vỡ ra trong ngọn lửa phía trên bầu trời bang Texas ở độ cao khoảng 63 km.

Nhiều giả thuyết về tai nạn kinh hoàng của tàu Columbia đã được đưa ra, tuy nhiên qua rất nhiều cuộc điều tra và nguyên cứu, cuối cùng các chuyên gia xác định được rằng ngay khi Columbia rời khỏi bệ phóng thì có một mảnh gốm cách nhiệt bị vỡ khỏi bình nhiên liệu và đập phải cánh con tàu. Mặc dù chỉ nặng hơn 1 kg nhưng do tốc độ di chuyển cực lớn của con tàu lúc đó nên lực tác động của mảnh gốm cách nhiệt với cánh con tàu có thể tương đương với 1 tấn. Theo báo cáo của NASA, các thành viên phi hành đoàn đã không thể nhận biết sự cố đó, trong khi trung tâm điểu khiển mặt đất, mặc dù phát hiện ra vụ va chạm, nhưng lại quá chủ quan và cho rằng mảnh gốm đó không đủ mạnh để làm hỏng cánh con tàu. Và chính từ lỗ hổng trên cánh mà khí siêu nóng hình thành từ ma sát của con tàu với bầu khí quyển đã chui vào trong cánh, phá hủy phần cánh trước khi làm nổ tung cả con tàu.

(Còn tiếp)

Hoài Nam (Theo Juventud Rebelde)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN