Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ 1

Kỳ 1: Trùm buôn lậu và đơn hàng trị giá 3 triệu USD


Câu chuyện mang tính huyền thoại này bắt đầu với những thăng trầm của Napoleon - vị hoàng đế đến từ đảo Corse, từng là nỗi kinh hoàng của một nửa châu Âu và được tôn vinh như thiên tài quân sự bậc nhất trong lịch sử. Sau thất bại cuối cùng tại trận Waterloo, Napoleon đã bị người Anh đày đến đảo St. Helena, một hòn đảo nhỏ ở Nam Đại Tây Dương, nơi được xem là nhà tù lý tưởng để cản trở ý định vượt ngục của hoàng đế. Trong suốt thời gian lưu đày, những người Bonaparte trung thành luôn lên các kế hoạch giải cứu hoàng đế, trong đó có cả một kế hoạch bằng tàu ngầm sơ khai. Câu chuyện này sẽ theo dấu hồ sơ để tái hiện lại kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm.


Kỳ 1: Trùm buôn lậu và đơn hàng trị giá 3 triệu USD


Tom Johnson, ông trùm buôn lậu trứ danh, nhà thám hiểm, và người phát minh ra tàu ngầm có thể được xem là một trong những “anh hùng thời loạn”.

Chân dung phác thảo Tom Johnson, trùm buôn lậu trứ danh.

Sinh năm 1772 trong một gia đình người Ailen, Johnson đã tận dụng hầu như tất cả mọi cơ hội đến tay và có thể tự kiếm sống bằng buôn lậu từ năm 12 tuổi. Ít nhất hai lần ông ta đã trốn thoát khỏi nhà tù một cách ngoạn mục. Khi cuộc chiến tranh Napoleon nổ ra, bất chấp hồ sơ tội phạm có số má của mình, Johnson vẫn được trưng dụng để tham gia vào những chuyến thám hiểm bí mật của hải quân Anh do quá nổi danh bởi những quyết định cực kỳ táo bạo.


Nhưng Johnson còn có một tuyên bố khá lạ làm ông ta trở nên nổi tiếng, mặc dù tuyên bố này đã không được đề cập đến trong sử sách chính thống mà chỉ được nhắc đến trong các ghi chép bên lề. Khoảng năm 1820, Johnson tuyên bố ông nhận được phi vụ trị giá 40.000 bảng Anh (tương đương khoảng 3 triệu USD vào thời điểm hiện nay) để giải cứu Hoàng đế Napoleon khỏi cuộc sống lưu đày ảm đạm trên đảo St.Helena.

Chân dung Hoàng đế Napoleon tại Longwood.


Cuộc chạy trốn này dự kiến được thực hiện một cách đầy bất ngờ, sử dụng ghế thuyền trưởng, thả hoàng đế xuống vách đá thẳng đứng để tiếp cận với hai tàu ngầm chờ sẵn ngoài khơi. Bản thân Johnson đã phải tự thiết kế các tàu ngầm sơ khai. Kế hoạch của Johnson được ấp ủ nhiều thập kỷ trước khi phát minh về phương tiện ngầm đầu tiên chính thức được ghi nhận.


Câu chuyện mang tính huyền thoại bắt đầu với Hoàng đế Napoleon. Là nhà kế tục cuộc Cách mạng Pháp, một trong những sự kiện nổi bật của thời đại và là sự kiện khiến tầng lớp trưởng giả “ăn không ngon, ngủ không yên”, vị hoàng đế đến từ đảo Corse đã trở thành nỗi kinh hoàng của một nửa châu Âu và được tôn vinh như thiên tài quân sự chưa từng có trong lịch sử. Napoleon được gọi là kẻ xâm lược nước Nga, được ca tụng như nhà chinh phục tại Italia, Đức và Tây Ban Nha.


Ít nhất trong mắt người Anh, ông cũng là “con quái vật” vĩ đại nhất trong thời đại của mình. Tại các nhà trẻ ở Anh, Napoleon được gọi là "Boney", một “ông kẹ” chuyên săn đuổi những trẻ em nghịch ngợm và ăn ngấu nghiến chúng. Tại Pháp, ông được xem như ngọn hải đăng của chủ nghĩa Sô-vanh.

Napoleon đã bị đày tại hòn đảo Elba nhỏ bé, thuộc Italia, sau thất bại trước liên minh lớn của tất cả các bên đối đầu vào năm 1814. Sau khi trốn thoát trở về Pháp từ đảo nhỏ Elba, huyền thoại Napoleon lại được đánh bóng một lần nữa để đoàn kết toàn dân tộc dưới chiến dịch nổi tiếng “triều đại một trăm ngày”.

Đảo St. Helena - nhà tù gần như “hoàn hảo” dành cho Napoleon.


Thất bại cuối cùng của Napoleon là tại trận Waterloo và nước Anh xác định không cho thêm Napoleon bất cứ cơ hội nào. Napoleon bị đày đến đảo St. Helena, một hòn đảo nhỏ ở Nam Đại Tây Dương, cách vùng đất liền gần nhất 1.200 dặm, nơi được xem là nhà tù lý tưởng để cản trở ý định vượt ngục của hoàng đế.


Tuy nhiên, trong suốt thời gian Napoleon sống lưu đày tại đảo St. Helena (khoảng 6 năm tuyệt vọng trước khi ông qua đời vì ung thư, hay như một số tài liệu cho rằng, do bị đầu độc bằng arsen), các kế hoạch để giải cứu hoàng đế luôn được xây dựng. Emilio Ocampo, nhà nghiên cứu về Napoleon đã cung cấp những mô tả chính xác nhất về các kế hoạch nửa vời này, đã viết rằng: "Tham vọng chính trị của Napoleon không hề suy giảm bởi sự lưu đày. Và những cấp dưới trung thành và đầy quyết tâm của Napoleon cũng không bao giờ từ bỏ hy vọng đưa ông đến với tự do".


Những người Bonaparte không thiếu tiền. Anh trai của Napoleon, Joseph, người đã từng một thời là vua Tây Ban Nha, đã trốn thoát sang Mỹ với một tài sản ước tính khoảng 20 triệu franc vào thời điểm đó. Và hoàng đế Napoleon quá nổi tiếng tại Mỹ đến nỗi, theo nhà nghiên cứu Ocampo, đã khiến các hải đội tàu chiến của Anh, trên đường đưa hoàng đế ra nơi lưu đày, phải đi vòng vài trăm dặm sai tuyến đường đi đã định để đánh lạc hướng và trốn một tàu tư nhân của Mỹ, tàu “Người Yankee chính gốc”, vào thời điểm đó đang di chuyển dưới cờ của chính quyền cách mạng Áchentina để thực hiện việc giải cứu hoàng đế.


Quả thật Nam Mỹ là mối đe dọa lớn nhất vào lúc này. Vì tại nước Pháp của Napoleon, nơi đã từng là sức mạnh duy nhất để cung cấp hỗ trợ khi toàn lục địa giành độc lập từ Tây Ban Nha, còn quá ít nhà yêu nước sẵn sàng tham gia giải cứu hoàng đế hay có bất cứ tham vọng nào trong việc chiếm lấy đảo St. Helena. Triển vọng tại Nam Mỹ cũng hấp dẫn đối với bản thân hoàng đế. Nếu không có hy vọng thực sự nào cho việc quay trở lại châu Âu, Napoleon vẫn có thể mơ ước thành lập một đế chế mới ở Mêhicô hay Vênêxuêla.


Sau khi lên đảo St. Helena an toàn, Napoleon nhận thấy mình đang được giam giữ trong một nhà tù kiên cố nhất vào năm 1815. Hòn đảo này ở vị trí cô lập tuyệt đối, và được bao quanh hoàn toàn bởi các tuyến phòng thủ thiên nhiên bằng các vách đá dựng đứng, không có bãi neo đậu an toàn. Cả đảo chỉ có vài bến có thể sử dụng được. Các bến này được bảo vệ bởi một đơn vị đồn trú lớn với tổng cộng 2.800 binh sĩ, và được trang bị 500 khẩu pháo. Bản thân Napoleon, trong khi đó, được lưu đày tại Longwood, trong khu vực sâu và ảm đạm nhất của một tòa biệt thự cũ, vốn được tân trang lại với các bãi đất trống rộng xung quanh.


Với các điều kiện kể trên, đảo St. Helena đã trở thành một nhà tù gần như “hoàn hảo” mà người Anh dành riêng cho hoàng đế Napoleon.


Minh Châu - Dương Tường


Đón đọc kỳ tới: Tiết lộ kế hoạch giải cứu từ cuốn hồi ký

Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ 2
Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ 2

Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm được mô tả chi tiết, cả về những con tàu lẫn các bước thực hiện, trong cuốn hồi ký của Johnson.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN