Kẻ đào tẩu Vetrov

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc đấu trí giữa Liên Xô và các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, diễn ra rất quyết liệt trên nhiều chiến tuyến, trong đó có lĩnh vực tình báo. Trong thời gian này, Liên Xô đã bị một đòn tương đối nặng khi Đại tá Vladimir Ippolitovich Vetrov rời bỏ hàng ngũ và cung cấp cho đối phương những thông tin vô cùng quan trọng, gây tổn thất to lớn cho Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) cả về uy tín cũng như thế trận triển khai lực lượng.

Tháng 3/1983, Pháp bất ngờ tuyên bố trục xuất 47 nhân viên người Liên Xô và tước bỏ vĩnh viễn quyền nhập cảnh vào Pháp của những người này. Điều đáng nói là nhiều người trong số này chưa từng có bất cứ liên hệ nào với công tác tình báo. Vậy rốt cục điều gì đã khiến Pari đưa ra quyết định bất ngờ này? Hóa ra hành động trên của Pháp là đòn trả đũa việc Liên Xô "xử lý" Đại tá Vladimir Ippolitovich Vetrov - nhân viên tình báo của Liên Xô đã "đầu quân" cho cơ quan tình báo Pháp, cung cấp rất nhiều tin tức tình báo đặc biệt quan trọng cho Pháp, Mỹ, và được Pháp đặt cho biệt danh Farewell (Tạm biệt).

Chân tướng của Vetrov bắt đầu bị bại lộ năm 1982. Thời gian đó, Vetrov và người tình của anh ta (cũng là nhân viên KGB), sau một thời gian cặp kè, đã quyết định chia tay vì Vetrov không thực hiện lời hứa bỏ vợ để chung sống hợp pháp với người tình, khiến hai người thường xuyên va chạm. Chia tay rồi, Vetrov lại lo ngại người tình cũ có thể đã biết về "cuộc sống thứ hai" nên tìm cách sát hại người này. Một hôm, Vetrov rủ người tình cũ ra ngoại ô Mátxcơva dạo chơi. Đó là một nơi vắng vẻ mà Vetrov tin rằng anh ta có thể dễ bề hành động. Khi hai người đang ngồi trong xe uống rượu "tâm sự" thì bất ngờ Vetrov dùng chai rượu đập mạnh vào đầu người tình. Đúng lúc đó, một người đàn ông đi qua và có ý định can thiệp vào "chuyện xích mích" giữa hai người. Vetrov nghĩ đó là người của "tổ chức" nên đã dùng dao giết chết người này rồi bỏ đi. Tuy nhiên, sau đó do lo lắng người tình chưa chết, Vetrov lại quay lại hiện trường để kiểm tra. Và vì thế, anh ta bị bắt.


Với tội danh giết người, Vetrov phải lãnh án 10 năm tù. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động gián điệp của Vetrov vẫn chưa bị phát hiện. Chỉ có điều KGB đã bắt đầu nảy sinh nghi ngờ: Trong quá trình thẩm vấn, Vetrov đã khai rất tường tận từng tình tiết phạm tội của mình, phải chăng anh ta đang muốn che giấu hành vi phạm pháp nào nghiêm trọng hơn nữa? Song nghi ngờ vẫn chỉ là nghi ngờ, KGB chưa nắm được bất cứ bằng chứng cụ thể nào chứng minh nghi ngờ này là chính xác.


Vụ đào tẩu của Vladimir Ippolitovich Vetrov đã được dựng thành phim.


Nhưng ngay sau đó, Vetrov đã phạm phải một sai lầm chết người. Khi ở trong nhà giam, anh ta viết một bức thư cho vợ, yêu cầu thông báo toàn bộ sự việc vừa xảy ra cho một người bạn của anh ta ở Pháp. Bởi vì Vetrov lo lắng, người Pháp thấy anh ta đột nhiên không liên lạc có thể sẽ tìm kiếm anh ta, khiến vụ đào tẩu của anh ta bị lộ tẩy.

KGB đã chặn được bức thư này. Ngay lập tức, Vetrov bị áp giải đến Mátxcơva. Trong quá trình điều tra, KGB phát hiện người Pháp và Vetrov đã liên lạc với nhau vô cùng táo bạo. Trong khoảng thời gian 11 tháng, từ mùa xuân năm 1981 đến tháng 3/1982, Vetrov đã 12 lần liên lạc, trao cho người Pháp khoảng 4.000 tài liệu quan trọng, trong đó có cả danh sách 250 điệp viên trong Tuyến X của Liên Xô được cài cắm ở khắp các nước trên thế giới dưới danh nghĩa cán bộ ngoại giao. Điều đáng nói là cả 12 lần liên lạc đó đều thực hiện theo phương thức thô sơ nhất - "chuyền tay" - và diễn ra ngay trong một siêu thị ở thủ đô Mátxcơva, nơi có rất đông người qua lại. Điều này cũng bộc lộ lỗ hổng lớn trong công tác phản gián của Liên Xô.


Với vị trí công tác đặc biệt của Vetrov, những thông tin anh ta cung cấp cho người Pháp có giá trị vô cùng quan trọng và gây tổn thất rất lớn cho Liên Xô. Trong những năm 1970, cuộc chạy đua giữa Mỹ và Liên Xô trên tất cả các lĩnh vực diễn ra vô cùng quyết liệt. Nhằm thu thập những công nghệ của phương Tây, Liên Xô khi đó đã cho thành lập một bộ phận mới trong KGB gọi là Ban giám đốc T có nhiệm vụ do thám và thu thập những công nghệ mà Liên Xô đang rất cần khi ấy. Để thực nhiệm vụ này, Ban giám đốc T lập ra bộ phận đặc biệt đặt tên là Tuyến X. Các điệp viên Tuyến X thường núp dưới danh nghĩa các đoàn đại biểu, nhà ngoại giao Liên Xô và được cài cắm khắp thế giới. Và Vetrov được chọn là người đánh giá các thông tin mà Ban giám đốc T thu được.


Sau khi được Pháp hé lộ về điệp viên Farewell cũng như chia sẻ những thông tin mà điệp viên này cung cấp, Mỹ đã lập ra kế hoạch cài bẫy trở lại, bằng cách cung cấp cho phía Liên Xô những công nghệ mà sau một thời gian làm việc tưởng như bình thường, song sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng.


Trước các chứng cứ không thể chối cãi, Vetrov buộc phải thừa nhận toàn bộ quá trình hoạt động gián điệp của mình. Cuối năm 1983, Vetrov bị tử hình.


Hải An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN