IS sở hữu vũ khí hóa học của Phương Tây?

Một điều tra do tờ New York Times thực hiện khẳng định từ nhiều năm qua, Lầu Năm Góc đã yêu cầu binh lính của họ không được phép tiết lộ về vũ khí hóa học ở Iraq. Vấn đề là các vũ khí này được Tổng thống Saddam Hussein sản xuất với sự trợ giúp của Phương Tây và hiện đang được phát hiện nằm trong tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Với tiêu đề “Những nạn nhân bí mật của vũ khí hóa học bị bỏ rơi tại Iraq”, tờ New York Times đã điều tra về việc quân đội Mỹ phát hiện ra vũ khí hóa học được sản xuất từ những năm 1990 tại Iraq và gây ra hậu quả đối với chính những binh lính Mỹ. Cuộc điều tra cũng cho thấy rằng chính phủ Mỹ đã làm mọi điều có thể để che giấu sự tồn tại của loại vũ khí này trên lãnh thổ Iraq, mà họ là một bên phải chịu trách nhiệm cho kho vũ khí đó.

Vị trí vũ khí hóa học được tìm thấy ở Iraq do Wikileak
công bố.


Trong khoảng thời gian 2004 - 2011, quân đội Mỹ chiếm đóng Iraq và những quân nhân nước này đã có những phát hiện rất quan trọng về kho vũ khí hóa học của Iraq. Được chôn sâu dưới lòng đất, kho vũ khí này bao gồm đạn, đạn cối, bom, trang thiết bị vũ khí sản xuất từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và đặc biệt là có rất nhiều khí mù tạt, chất độc thần kinh sarin. Đây là di sản của thời kỳ Tổng thống Saddam Hussein còn cầm quyền Iraq và khi đó Phương Tây chưa coi ông là một mục tiêu cần loại bỏ.

Tờ báo cũng tiết lộ rằng trong gần 10 năm hiện diện tại Iraq, quân đội Mỹ đã làm rất nhiều báo cáo, tất cả đều được giữ bí mật, về việc có hơn 5.000 thiết bị vũ khí hóa học được chôn dưới lòng đất Iraq. Nhưng không một nhà quân sự, bác sĩ nào được chuẩn bị cho các phát hiện này.

Những vũ khí hóa học này cơ bản được phát triển trước năm 1991 và có mục đích là để phục vụ cho cuộc chiến Iran - Iraq. Đáng chú ý là do bị bỏ hoang từ nhiều năm, phần lớn trong số chúng được tìm thấy trong tình trạng rỗng ruột, thành phần hóa học của vũ khí đã lan ra xung quanh, ngấm vào lòng đất và không khí. Điều đó khiến các cư dân địa phương bị phơi nhiễm chất độc hóa học chết người.

Vì những vũ khí này thuộc diện cấm theo Công ước về vũ khí hóa học nên khi phát hiện ra chúng vào những năm 2000, lẽ ra Lầu Năm Góc phải phá hủy chúng. Nhưng họ không làm gì cả vì theo người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Công ước “không xét tới tình huống này”. Trong các báo cáo của mình, Lầu Năm Góc cũng giải thích rằng những quân nhân không bị phơi nhiễm “khí hóa học” mà là “vũ khí hóa học của các phần tử khủng bố”.

Chính phủ Mỹ phủ nhận binh lính của mình bị phơi nhiễm chất hóa học, do vậy không cung cấp các điều kiện chăm sóc phù hợp cho họ với lý do họ không thể bị thương vì loại vũ khí không tồn tại. Nhiều năm sau, những vấn đề về đường hô hấp bắt đầu xuất hiện. Người ta còn phát hiện ra rằng những loại đạn dược này đã được thiết kế tại Mỹ, sản xuất ở châu Âu và được các công ty Phương Tây bổ sung chất hóa học tại Iraq. Và đó là những gì đã diễn ra trước khi ông Hussein bị Phương Tây lật đổ. Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Ai Cập, Italy, Bỉ là những nước đã tham gia, ít hay nhiều, vào chương trình vũ khí hóa học tại Iraq. Liên hợp quốc cũng đã biết điều này.

Nhưng điều đáng quan ngại hơn đó là, hiện IS đang có trong tay những vũ khí hóa học kể trên. Kênh truyền hình địa phương Al - Sumar ngày 16/9 đưa tin các chiến binh của IS đã sử dụng vũ khí hóa học tại một thành phố của Iraq, cách thủ đô Baghdad 80 km về phía Bắc. Các phần tử Hồi giáo cực đoan đã pháo kích khu vực đông dân bằng đạn chứa clo làm hàng chục người bị trúng khí độc phải nhập viện.

Như một sự cảnh báo mới nhất, tháng 6 vừa qua, chính phủ Iraq đã nhắc nhở Mỹ rằng vẫn còn khoảng 2.500 thiết bị vũ khí hóa học đang được chôn trong lòng đất của Iraq và tốt nhất là cần trang bị cho những binh lính người Iraq và người Kurd những trang bị cần thiết, đồng thời, đào tạo lực lượng y tế phòng tình huống xấu xảy ra.

Thái Nguyễn
Mỹ chưa xác minh tin IS dùng vũ khí hóa học ở Iraq
Mỹ chưa xác minh tin IS dùng vũ khí hóa học ở Iraq

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington đang xem xét những cáo buộc cho rằng các chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã sử dụng khí Clo chống các lực lượng an ninh Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN