Hướng đi mới của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản - Kỳ cuối

Các quốc gia tương đương với Nhật Bản thường rất chậm chạp hoặc đôi khi gặp vô vàn khó khăn trong việc chuyển đổi khả năng từ vận dụng công nghệ quốc phòng phục vụ mục đích dân sự (spin-off) sang áp dụng công nghệ dân sự vào những mục đích quân sự (spin-on).

QUẢNG BÁ CÔNG NGHỆ QUỐC PHÒNG 

Cơ quan Mua sắm, công nghệ và Hậu cần Nhật Bản (ATLA) hoàn toàn có thể giải quyết các mối quan ngại liên quan đến cách thức xử lý quan hệ với công chúng yêu chuộng hòa bình và các doanh nghiệp Nhật Bản nếu có thể tận dụng cơ hội từ những công nghệ lưỡng dụng. Đây là loại công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.

Là quốc gia công nghiệp hiện đại duy nhất không có một sản nghiệp đồ sộ từ xuất khẩu vũ khí kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản chưa bao giờ phát triển kiểu tổ hợp công nghiệp - quân sự như được thấy ở Mỹ hay các nước châu Âu. Mặc dù Tokyo chưa xuất khẩu vũ khí, song họ là một trong những nhà xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng lớn nhất trên thế giới, một người chơi có tiếng và được công nhận trong lĩnh vực này.

Tấm áp phích mang chủ đề nhân vật hoạt hình “Moe”.

Các quốc gia tương đương với Nhật Bản thường rất chậm chạp hoặc đôi khi gặp vô vàn khó khăn trong việc chuyển đổi khả năng từ vận dụng công nghệ quốc phòng phục vụ mục đích dân sự (spin-off) sang áp dụng công nghệ dân sự vào những mục đích quân sự (spin-on). Về lĩnh vực này thì Nhật Bản đã cho thấy họ là người đi tiên phong từ rất sớm với các chip CMOS ít tiêu hao năng lượng trong đồng hồ đeo tay Seiko. Và quả thực thì hội thảo công nghệ quốc phòng gần đây ở Nhật Bản đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về các loại công nghệ lưỡng dụng hoặc những công nghệ sẵn sàng phục vụ trong quân đội.

Tổ chức hội thảo công nghệ quốc phòng thường niên là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ATLA. Từ ngày 10 - 11/11, cơ quan này đã tổ chức một hội thảo công khai và cởi mở tại Grand Hill Ichigaya - khách sạn thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Phần ấn tượng nhất của sự kiện này có lẽ là tấm áp phích mang chủ đề nhân vật hoạt hình “Moe” (“Moe” là từ lóng trong tiếng Nhật chỉ cảm xúc được tạo ra bởi những nhân vật hoạt họa nữ dịu dàng, hồn nhiên, có cử chỉ đặc biệt thu hút sự chú ý và tình cảm của người hâm mộ).

Cách thức quảng cáo và trang web về hội thảo của năm 2015 trái ngược hoàn toàn với cách làm có phần nhạt nhẽo của những hội thảo quốc phòng trước đó như vào các năm 2012, 2013 và 2014.

Thiết kế đặc biệt này rõ ràng nhằm đưa hội thảo trở thành sự kiện có sức cuốn hút lớn hơn với công chúng, trong đó có cả sinh viên, và nhằm tạo ấn tượng rằng ATLA đảm đương nhiều chức năng nhiệm vụ hơn là chỉ chế tạo vũ khí. Điều này được thể hiện qua bốn phiên thảo luận bao gồm: Kế hoạch cơ sở khoa học và công nghệ 5 năm do Văn phòng Nội các trình bày; Tham luận về nghiên cứu máy bay siêu thanh và máy bay không người lái tầm cao của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA); Tầm quan trọng của chính sách công nghệ lưỡng dụng với bài phát biểu của một giáo sư tại Đại học Nghiên cứu chính sách Nhật Bản; và một giáo sư khác cùng một đại diện doanh nghiệp nói về tương lai của trí tuệ nhân tạo.

Thiết bị tạo môi trường thực tế ảo.

Những chủ đề nhẹ nhàng hơn, liên quan đến chính sách như vậy đã thu hút nhiều sự quan tâm. Tất nhiên, ở đó cũng có những báo cáo tập trung nhiều hơn vào khía cạnh quân sự của những quan chức Bộ Quốc phòng như đánh giá về mối đe dọa của vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN) cũng như máy bay tuần tra biển P-1.

Trưởng bộ phận chiến lược công nghệ của ATLA, người phát biểu kết thúc tại hội thảo, bình luận rằng sự kiện năm nay thu hút lượng người tham gia nhiều hơn 10% so với năm ngoái. Khoảng một nửa trong số những người tham gia hội thảo đến từ các tập đoàn, còn lại đến từ các trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Một quan chức ATLA khác xác nhận qua email rằng hội thảo năm nay có 2.456 người tham dự trong 2 ngày so với 2.236 người trong năm 2014.
Hội thảo diễn ra ở hai tầng của khách sạn với những phòng trưng bày các loại công nghệ trên bộ, trên không và trên biển. Mỗi phòng lại có góc dán áp phích và quầy nhân viên tư vấn. Một số công ty cũng nhân dịp này trưng bày các sản phẩm của mình, như công nghệ thực tế ảo (dùng máy tính tạo ra môi trường mô phỏng sự hiện diện của người dùng tại những nơi trong thế giới thật hay thế giới tưởng tượng).

Như vậy thay vì chỉ tập trung vào việc bán những công nghệ như thủy phi cơ US-2 hay máy bay tuần tiễu P-1, ATLA cũng sẽ dành sự quan tâm không kém phần quan trọng vào việc vận dụng các công nghệ dân sự để phục vụ mục đích quân sự vốn sẽ thực sự là tương lai của ngành công nghiệp vũ khí và quốc phòng.

Cũng cần một thời gian nhất định để có thể đánh giá hiệu quả của ATLA trong bối cảnh những chính sách và thay đổi lập pháp gần đây ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cơ quan này cần giữ vai trò đầu tàu để tiếp tục hợp lý hóa các bộ phận phát triển, mua sắm và xuất khẩu công nghệ quốc phòng của Nhật Bản. Trong ngắn hạn và trung hạn, ATLA sẽ được đầu tư đáng kể các nguồn lực để tập trung và đóng góp tối đa vào việc quân sự hóa những công nghệ tối tân mới nhất của nước này.

ATLA sẽ đi vào hoạt động sau khi Quốc hội Nhật Bản hôm 19/9/2015 đã thông qua dự luật an ninh nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ (SDF) ở nước ngoài, động thái đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản, qua đó lần đầu tiên cho phép binh sĩ nước này tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Theo đạo luật an ninh mới này, SDF được mở rộng vai trò ra nước ngoài và thực thi một cách hạn chế quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước đồng minh khác bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công. Ngoài ra, luật mới còn cho phép SDF hỗ trợ hậu cần cho quân đội nước ngoài trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.
Huy Lê (Tổng hợp)
Hướng đi mới của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản - Kỳ 1
Hướng đi mới của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản - Kỳ 1

Trong lúc phương Tây đổ dồn ánh mắt vào đạo luật an ninh mới gây nhiều tranh cãi được Nhật Bản thông qua hồi tháng 9/2015, họ dường như đã bỏ qua một sự thay đổi không kém phần quan trọng khác đang diễn ra - Nhật Bản thành lập một cơ quan mới chuyên xúc tiến xuất khẩu vũ khí trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN