Hồi ức của chuyên gia Trung Quốc về chiến dịch Điện Biên Phủ

60 năm đã qua đi kể từ khi Việt Nam giành được chiến thắng vang dội trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954. Trong chiến thắng đó có sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

 

Tác giả chụp ảnh với ông Hoa, bà Liên.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Trung Quốc may mắn tìm gặp được vợ chồng ông Hoàng Hoa và bà Cao Bích Liên, nguyên đều là phiên dịch trong đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc, để nghe kể lại về những ngày tháng gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc Việt Nam ta.

 

Đầu năm 1954, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam đã huy động tối đa sức người và sức của làm đường dã chiến, mở rộng đường kéo pháo, vận chuyển lương thực trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Đội xe thồ, một trong những lực lượng quan trọng phục vụ hậu cần cho chiến dịch lên tới hơn 20.000 người, với khả năng vận tải của mỗi xe khoảng 200 - 300kg, kỷ lục là 352 kg. Ngoài ra, lúc này Quân đội Việt Nam đã thu thập thông tin tương đối đầy đủ về tình hình thực tế tại vùng Tây Bắc. Khi đó ông Hoàng Hoa và bà Cao Bích Liên được giao nhiệm vụ dịch các loại bản đồ và toàn bộ mấy chục vạn chữ trong Tập Binh yếu địa chí từ tiếng Việt ra tiếng Trung nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dân cư, kinh tế, chính trị, giao thông, hậu phương, lúa gạo, sản xuất của dân địa phương và tình hình địch cho đoàn Cố vấn Trung Quốc, giúp họ có cái nhìn toàn diện đối với tình hình thực tế ở địa phương trước khi đưa ra những ý kiến tham khảo.


Ông Hoàng Hoa nhớ lại, sau khi làm xong tư liệu này, cấp trên nhận xét là rất kịp thời, đầy đủ, cho nên có cơ sở chắc chắn để cấp trên hạ quyết tâm. Diễn biến sau này của chiến dịch Điện Biên đã đúng như dự kiến của Ban lãnh đạo của đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc với Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng Việt Nam, chiến dịch lần này vô cùng gian khổ, quyết liệt.


Lời căn dặn của Chủ tịch Mao Trạch Đông đối với đoàn Cố vấn Trung Quốc được quán triệt đến từng cán bộ trong đoàn, đó là “giúp người ta phải giúp cho tốt, không được áp đặt, chỉ dựa vào nguyện vọng chủ quan là không được, phải căn cứ tình hình thực tế, mọi ý kiến hay đề nghị chỉ mang tính kham khảo, quyết định cuối cùng là của phía Việt Nam”.

 

Con gái út Hoàng Tiểu Minh chụp chung với vợ chồng anh hùng Nguyễn Thị Chiên.


Ông Hoàng Hoa kể, mỗi lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều thấy ông rất bình tĩnh, rất thản nhiên. Ông luôn nói chuẩn bị thì gian khổ đấy, có nhiều khó khăn, nhưng các yêu cầu của Việt Nam đều được phía Trung Quốc nhận giúp đỡ. Hàng nghìn tấn lúa gạo, đạn dược được chuyển từ Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) để cung cấp cho chiến trường tại Việt Nam.


Những năm tháng ở Việt Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm sâu sắc, những mẩu chuyện nhỏ nhưng thật đáng nhớ cứ ùa về trong miền ký ức, khi là tiếng cười khi là những giọt nước mắt chảy ra từ sâu thẳm đáy lòng. Ông nhớ mãi về miếng gừng nướng của người dân địa phương cho ông xát vào bả vai để chữa căn bệnh sốt rét, hoặc vài người chung nhau một viên ký ninh pha loãng cũng cảm thấy có thể chữa được bệnh này. Nhưng với ông bài học quý báu nhất vẫn là tinh thần trên dưới một lòng, quyết tâm đánh thắng quân giặc.


Cựu phiên dịch, giờ đã gần 90 tuổi nói: “Chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều bài học quý báu, bản thân tôi cảm thấy có điều sâu sắc nhất là lúc đấy trên dưới một lòng, chính cái đó đã làm nên thắng lợi, tất cả đều hướng đến mục tiêu là đánh Pháp, chiến thắng giặc Pháp”.


Trong khi lật giở từng trang ảnh cũ, bà Cao Bích Liên đã giới thiệu cho chúng tôi tấm ảnh chụp chung với nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp Nguyễn Thị Chiên. Hai gia đình có thời gian là hàng xóm, nên bà Chiên đã nhận cô con gái thứ hai của ông Hoa, bà Liên là Hoàng Tiểu Minh làm “con trai” với lý do mẹ Chiên đã có con gái rồi. Bà Liên tâm sự, mỗi khi nhớ bà Chiên lại tự mình hát bài hát ca ngợi về nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Bắc (1/5/1952), và với những đóng góp của mình, Nguyễn Thị Chiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng ở tuổi 22. Vì thế cho đến tận bây giờ ông bà vẫn không quên, rồi ông bà cùng hát cho chúng tôi nghe.


Bà Liên không giấu nổi sự vui mừng khi kể cho chúng tôi nghe về thời điểm bà nhận được tin Điện Biên Phủ giải phóng, buổi sáng khi nghe điện thoại báo về Bộ là Điện Biên Phủ giải phóng rồi, tù binh lũ lượt ra nộp súng đầu hàng, được tin này mừng quá, tất cả cùng reo lên, sáng hôm đó từ đoàn phiên dịch đến đoàn Cố vấn gặp nhau câu đầu tiên thay cho câu chào hỏi là Điện Biên Phủ giải phóng rồi. Ai nấy đều phấn khởi và vui mừng. Không ngờ việc Điện Biên Phủ giải phóng lại là cơ sở để thực hiện ký kết hòa bình.


Dù tuổi đã cao, những ký ức gợi lại không còn được liền mạch, nhưng niềm tự hào khi được đóng góp công sức cho cả hai cuộc cách mạng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở Việt Nam và tình cảm dành cho Việt Nam của ông Hoa bà Liên vẫn luôn dâng trào, nhất là khi ông bà cùng song ca bài “Hò kéo pháo” đã đi cùng ông bà và biết bao thế hệ cha anh chúng ta hơn 60 năm qua, còn đối với lớp trẻ ngày nay giai điệu ấy chính là minh chứng sống động nhất về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam kiên cường bất khuất.


Tường Thu - Quang Đức

Bảo tồn, tôn tạo để di tích chiến trường Điện Biên Phủ tương xứng tầm vóc lịch sử
Bảo tồn, tôn tạo để di tích chiến trường Điện Biên Phủ tương xứng tầm vóc lịch sử

Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, là nội dung bài viết: “Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo để di tích chiến trường Điện Biên Phủ tương xứng với tầm vóc lịch sử dân tộc” của Đại tá Hoàng Lâm, Nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN