“Hồ sơ Panama” - Bí mật tiền bẩn - Kỳ 7

Theo “Hồ sơ Panama”, tháng 11/2013, 375.077,83 ounce vàng trị giá 480 triệu USD thời bấy giờ được gửi vào một tài khoản ngân hàng ở Bahamas. Tài khoản mở tại chi nhánh Bahamas của ngân hàng Pháp Societe Generale là của ông Hans-Joachim Kohlsdorf - một lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn Siemens.

SỐ VÀNG BÍ ẨN VÀ VỤ BÊ BỐI SIEMENS 

Số tài sản 480 triệu USD là một trong những bí ẩn lớn nhất được phát hiện trong “Hồ sơ Panama”. Một câu hỏi được đặt ra là liệu số vàng này có liên hệ gì với vụ Siemens lập quỹ đen để hối lộ - vụ việc bị coi là bê bối hối lộ lớn nhất trong ngành kinh doanh Đức. Trong vài chục năm liền, hàng trăm lãnh đạo Siemens đã vận hành một mạng lưới tài khoản và công ty bí mật toàn cầu để hối lộ quan chức nhà nước, chính trị gia và đối tác kinh doanh.

Soi lại vụ bê bối Siemens

Ông Kohlsdorf từng là một trong số những người bị điều tra. Trong phiên giải trình tại văn phòng công tố nhà nước ở Munich, ông này thừa nhận đã quản lý các quỹ đen cho một số chi nhánh của Siemens tại Mỹ Latinh. Tuy nhiên, ông thoát tội vì không ai chứng minh được ông đích thân hối lộ ai đó. Ngoài ra, nhờ ông Kohlsdorf hợp tác với chính quyền mà công tố viên nhà nước Munich đã kết thúc điều tra ông này năm 2012 do vụ việc không nghiêm trọng. Cuối cùng, ông này chỉ phải nộp phạt 40.000 euro.

"Hồ sơ Panama” đặt ra nhiều nghi vấn về ông Hans-Joachim Kohlsdorf .

Nhưng liệu cuộc điều tra có công bằng và liệu ông Kohlsdorf có thực sự trả lại toàn bộ số tiền quỹ đen? Những gì có trong “Hồ sơ Panama” cho thấy ông Kohlsdorf không trả hết và có thể đã biển thủ một phần quỹ đen làm của riêng.

Xét theo thông tin mới này thì tài liệu rò rỉ của Mossack Fonseca đã làm sáng tỏ thêm vụ bê bối Siemens. Nó cho thấy các điều tra viên ở Munich không làm rõ nhiều điều tại thời điểm điều tra. Ví dụ như thông tin Mossack Fonseca là một đối tác quan trọng của Siemens và quản lý một loạt công ty bình phong cho Siemens.

Từ lâu, Kohlsdorf là một trong những lãnh đạo Siemens quan trọng nhất ở khu vực. Ông điều hành kinh doanh tại khu vực Andes từ năm 1997 trở đi và tại Mexico từ năm 2003 đến 2009. Theo lời khai của ông Kohlsdorf, ông đã tiếp cận các quỹ đen trị giá hơn 100 triệu USD, trong đó một phần được dùng để “lại quả” cho đối tác làm ăn và quan chức chính phủ đã giúp Siemens giành được hợp đồng.

Theo tài liệu rò rỉ, tại Mossack Fonseca, ông Kohlsdorf và các lãnh đạo Siemens khác được coi là khách hàng đặc biệt, tức là người có rất nhiều tiền. Các thỏa thuận làm ăn của họ được công ty luật giữ kín tuyệt đối. Nhân viên công ty không bao giờ được gửi bất kỳ tài liệu nào cho ông Kohlsdorf và phải để tất cả ở Panama. Dịch vụ của Mossack Fonseca gồm mọi thứ cần thiết để bảo vệ khách hàng Siemens. Ví dụ, trong các tài liệu tên ông Kohlsdorf gần như lúc nào cũng được viết tắt là Señor K. Mossack Fonseca còn tạo các tài khoản thư điện tử với các mật danh như Azkaban - nhà tù giam giữ các phù thủy phạm tội trong loạt truyện Harry Potter.

Hệ thống bí mật của Mossack Fonseca rất có hiệu quả. Ngay cả khi vụ bê bối hối lộ của Siemens bị phát giác tháng 11/2006, các điều tra viên, luật sư và kiểm toán viên dù kiểm tra kỹ cũng không phát hiện ra toàn bộ câu chuyện. Họ chỉ nhìn thấy những gì liên quan tới Đức trong vụ việc. Còn cái tên Mossack Fonseca lọt khỏi con mắt các điều tra viên. Kết quả là mối liên hệ của Siemens cũng như của ông Kohldorf với Mossack Fonseca nằm im trong bóng tối suốt 9 năm, cho đến khi quả bom “Hồ sơ Panama” phát nổ.

Ngày 10/6/2008, ông Kohldorf giải trình ba tiếng liền tại văn phòng công tố viên nhà nước. Khi đó, các điều tra viên vẫn không hay biết về mối liên hệ với Mossack Fonseca. Theo tài liệu bị rò rỉ, vào đúng ngày ông này giải trình, người chịu trách nhiệm liên lạc với ông Kohldorf ở Mossack Fonseca đã gửi thư điện tử cho đồng nghiệp tại công ty luật nói rằng mình vừa nhận “tin xấu”. Đó là có thể hàng triệu USD của Siemens sẽ phải được chuyển về Đức và điều này có nghĩa là Mossack Fonseca sẽ mất số tiền này và khách hàng Gillard - tên một công ty bình phong có tài khoản ở Panama, Singapore và Thụy Sỹ. Ông Kohlsdorf và các nhân viên khác của Siemens đã tham gia quản lý công ty Gillard.

Điều kỳ cục là công ty này mãi đến năm 2007 mới được thành lập, tức là vài tháng sau khi vụ bê bối Siemens vỡ lở tháng 11/2006. Sau đó, hàng triệu USD đã được chuyển vào các tài khoản của Gillard nhưng lý do cụ thể vẫn còn chưa rõ. Mossack Fonseca từ chối trả lời bình luận của tờ Süddeutsche Zeitung về các thông tin mới được phát giác trong “Hồ sơ Panama’. Ông Kohlsdorf cũng khẳng định mình không hề biết công ty Gillard mặc dù trong thư nội bộ, một nhân viên Mossack Fonseca đã nhắc tên ông này với tư cách là người sáng lập Gillard.

Bí ẩn số vàng 480 triệu USD

Mối liên hệ giữa Siemens và Mossack Fonseca không phải là bí ẩn duy nhất. Điều khiến người ta đau đầu hơn là số vàng trị giá 480 triệu USD ở đâu ra. Kohlsdorf và Société Générale đều bác bỏ liên quan tới số vàng này.

Có một sự trùng hợp lạ kỳ là việc giao dịch vàng bị gián đoạn tạm thời tại Sàn giao dịch chứng khoán London vào đúng ngày số vàng được cho là xuất hiện trong tài khoản của ông Kohlsdorf. Trong vòng 10 giây, giá vàng giảm 10 USD/ounce, một dấu hiệu cho thấy có sự thao túng thị trường. Việc chuyển một số vàng trị giá gần nửa tỷ USD vào thị trường chắc chắn sẽ gây ra những diễn biến này. Hiện chưa rõ liệu vụ chuyển vàng vào tài khoản của ông Kohlsdorf có liên quan tới các diễn biến này tại London hay không. Ngoài những thông tin có trong “Hồ sơ Panama”, không có dấu vết nào khác về số vàng này và không có gì chứng minh là nó thực sự tồn tại.

Tại thời điểm giải trình với công tố viên, ông Kohlsdorf cho biết có 4.189.696,17 USD trong tài khoản ngày 30/6/2008 và đã hoàn lại số tiền trong quỹ đen này. Trước đó, ông này lại bảo có 6 triệu USD. Trong tài liệu của Mossack Fonseca, tính đến ngày đó, số tiền trong tài khoản của ông Kohlsdorf là 6.141.461,79 USD, nhiều hơn 2 triệu so với số tiền hoàn lại. Số chênh lệch 2 triệu USD này vẫn nằm nguyên đó sau khi ông Kohlsdorf hoàn lại Siemens hơn 4 triệu USD. Theo tài liệu của Mossack Fonseca, số tiền này đã được ông Kohlsdorf dùng để mua trái phiếu cho mình và thực hiện các khoản đầu tư khác. Sau này, số tiền được gửi vào một tài khoản mới của công ty Gillard ở Andbanc - một ngân hàng tại Andorra.

Mọi chuyện phức tạp hơn khi mùa hè năm 2012, 2 triệu USD từ Andorra đã chuyển tới ngân hàng UBS ở Zurich sau khi ông Kohlsdorf được ngừng điều tra. Tài khoản nhận tiền là của một nhân viên ngân hàng UBS. Lúc đó, ông Kohlsdorf không làm cho Siemens được ba năm. Một nguồn tin nội bộ UBS cho biết ông Hans-Joachim Kohlsdorf là chủ tài khoản.

Nếu đúng vậy thì ông Kohlsdorf đã chuyển toàn bộ phần còn lại của quỹ đen vào Thụy Sỹ sau khi không còn bị điều tra. Cuối tháng 2, ông Kohlsdorf vẫn còn tuyên bố không hay biết gì về số vàng trị giá 480 triệu USD và nói ông sẽ lấy thông tin từ Société Générale để trả lời bí ẩn này. Tuy nhiên, từ đó tới nay, Kohlsdorf nhất định không trả lời thêm bất kỳ đề nghị bình luận nào nữa.

Xem Kỳ 8: Thế giới của các giám đốc bình phong

Thùy Dương
“Hồ sơ Panama” - Bí mật tiền bẩn - Kỳ 6
“Hồ sơ Panama” - Bí mật tiền bẩn - Kỳ 6

Chính trị gia, người nổi tiếng, tỷ phú không phải là những người duy nhất sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca. Danh sách khách hàng của công ty luật này còn có các nhân vật thuộc thế giới tình báo khắp thế giới, trong số đó có những người làm trung gian cho CIA.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN