Hiện tượng nữ chiến binh giả nam trong Nội chiến Mỹ

Ngày 30/8/1862 là một ngày đẫm máu trong cuộc nội chiến Mỹ và cũng là ngày một trong những bí mật đặc biệt nhất của cuộc nội chiến đã hé lộ khi Henry Clark, một quân nhân phe miền Nam bị bắt làm tù binh.

Bức ảnh về một cô gái trước và sau khi cải trang thành nam giới.


Mọi chuyện bắt đầu khi một bác sĩ của phe miền Bắc điều trị vết thương cho Clark, từ đó bí mật và cái vỏ bọc mà “nam quân nhân” này che giấu bấy lâu đã bị lộ tẩy. Tên thực của Henry là Mary Ann, và thực chất “nam quân nhân” này là một bà mẹ đã ly dị và có hai con.

Khi quân miền Bắc phát hiện ra trường hợp đặc biệt của Mary Ann, ngay lập tức họ đã thả cô với điều kiện phải thề sẽ quay trở lại cuộc sống của một người phụ nữ bình thường. Mary Ann đồng ý và được thả tự do. Tuy nhiên, không lâu sau đó Ann lại quay trở lại lực lượng phe miền Nam nơi cô được hứa hẹn thăng chức.

Sau này, một binh sĩ trẻ miền Nam là cấp dưới của Clark đã gửi thư về gia đình của mình với đoạn: “Thưa bố, trong tất cả những điều tò mò mà con được chứng kiến khi rời khỏi nhà, con phải đặc biệt nhắc đến chuyện về một sĩ quan nữ”.

Thực ra Clark không phải là trường hợp duy nhất, cô là một trong gần 400 phụ nữ đã tham gia cuộc nội chiến chỉ dành cho nam giới, mà không phải là y tá hoặc đầu bếp. Những “nam quân nhân” là phái yếu này vẫn tham gia hành quân, sử dụng vũ khí và lao vào cuộc chiến, sẵn sàng hy sinh cuộc đời của họ như bất kỳ đồng đội nam giới khác.

Động lực của những cô gái cải trang

Câu hỏi được đặt ra là điều gì khiến những phụ nữ này liều mình quyết định tham gia vào chiến trường ác liệt?

Trong truờng hợp của Clark, hôn nhân không thuận lợi và cái chết của người anh rể trong tay quân miền Bắc đã khiến cô tìm đến cuộc sống binh ngũ trong quân đội miền Nam như một sự “tị nạn”. Điều này được Clark thổ lộ trong một lá thư gửi mẹ sau này được phát hiện.

Còn nhiều cuốn nhật ký và thư từ của nam quân nhân là nữ giới sau này được khám phá cho thấy việc liều lĩnh ra chiến trường là một cách trốn chạy khỏi cuộc sống mà họ không hài lòng. Họ cảm thấy bị mắc kẹt và bế tắc khi ở nhà và thêm vào đó là khó khăn trong việc lập gia đình khiến họ cảm thấy như một gánh nặng cho bố mẹ. Phần lớn trường hợp này là cô gái trẻ từ các gia đình nghèo hoặc làm nông. Khó khăn trong cuộc sống cũng là nguyên nhân khiến nhiều nam giới tự nguyện nhập ngũ vào thời điểm đó.

Nhưng Martha Parks Lindley lại gia nhập quân ngũ chỉ 2 ngày sau khi chồng cô rời nhà để tham gia Đội kỵ binh thứ 6 của phe miền Bắc. Martha từng tâm sự: “Tôi đã sợ đến gần chết. Nhưng tôi quá lo lắng và muốn được ở bên cạnh chồng”. Khi ra chiến trận, những người lính khác chỉ biết rằng Martha là chàng trai trẻ có tên Jim Smith.

Tiếp đó còn có trường hợp của Charlotte Hope, cô gái đã gia nhập binh đoàn kỵ binh Virginia số 1 của phe miền Nam để trả thù cho cái chết của chồng sắp cưới đã hy sinh trong trận đánh năm 1861.

Một trường hợp cải trang thành nam giới khác.


Một vài cô gái khác cải trang và nhập ngũ để thoát khỏi nguy cơ tiêu cực từ cuộc sống thiếu thốn. Như Sarah Rosetta Wakeman hay còn được biết đến là nam quân nhân Lyons Wakeman nhập ngũ vào lực lượng quân đội miền Bắc để có tiền lương.

Trong khi đó, Loreta Velazquez (hay còn được biết đến là nam quân nhân Harry T. Buford) lại gia nhập quân ngũ vì muốn trải nghiệm “cảm giác mạnh” trên chiến trường. Cô từng chia sẻ: “Tôi bị cuốn hút vào các cuộc phiêu lưu vì tình yêu với mọi thứ”.

Một số phụ nữ khác lại sẵn sàng cải trang thành nam giới vì lý tưởng và tình yêu nước như Sarah Edmonds, một người Canada nhập cư muốn “được phép thể hiện sự biết ơn với người dân của các bang miền Bắc”.

Lý do “Kim nằm mãi trong bọc”


Trong thời kỳ diễn ra cuộc nội chiến Mỹ (từ 1861- 1865), cả phe miền Nam và phe miền Bắc đều cấm phụ nữ tham gia quân ngũ và chiến đấu trên chiến trường, vậy tại sao 400 phụ nữ cải trang thành nam giới vẫn có thể nhập ngũ và che giấu được nhận dạng của mình?

Đã có nhiều lý giải được đưa ra rất thuyết phục như việc các binh sĩ thường đi ngủ trong bộ quân phục trong khi việc tắm rửa là xa xỉ và nhà vệ sinh là phải tự túc nên mọi quân nhân thường lựa chọn vệ sinh cá nhân trong các khu rừng gần nơi đóng quân. Chính vì vậy những cô gái cải trang thành nam quân nhân thường giữ lối sống tách biệt với đồng đội. Việc này giúp họ giữ được bí mật của mình.

Vậy tại sao họ có thể vượt qua các kỳ kiểm tra thể lực để được nhập ngũ? Thực ra vào thời điểm đó, cả lực lượng phe miền Nam và phe miền Bắc đều thiếu nhân lực vì vậy việc tuyển chọn được thực hiện một cách ồ ạt. Đã có lời ví von tương truyền lại rằng nam giới chỉ cần có… đủ răng và vác được khẩu súng trên vai thì anh ta đã qua được kỳ kiểm tra sức khỏe.

Một điều đặc biệt khác khiến những cô gái cải trang thành nam quân nhân có thể qua mặt được đồng đội và cấp trên là do khi cải trang, trông họ rất giống các nam thiếu niên.

Chính những yếu tố trên đã khiến việc các “nam quân nhân” là nữ giới này chỉ bị lộ tẩy khi họ gặp trường hợp bất khả kháng khiến họ buộc phải gặp bác sĩ do chấn thương.


Hà Linh
Các nữ điệp viên nổi tiếng trong nội chiến Mỹ - Kỳ cuối: Các nữ điệp viên miền Nam
Các nữ điệp viên nổi tiếng trong nội chiến Mỹ - Kỳ cuối: Các nữ điệp viên miền Nam

Tuy sau này miền Nam đã thất bại và họ có đường lối phản đối xóa bỏ chế độ nô lệ nhưng những gì các nữ điệp viên miền Nam đã đóng góp đối với nơi mà họ tin tưởng rất đáng được nhắc tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN