Chiến lược can dự của Mỹ tại Trung Đông Kỳ 3:

Hạ tầng chiến tranh của Mỹ tại Trung Đông


Mặc dù không có một cơ sở hạ tầng lớn thường trực của các căn cứ quân sự ở Iraq, nhưng quân đội Mỹ đã có khá nhiều lựa chọn khi nói đến việc tiến hành cuộc chiến tranh mới chống lại IS.

Căn cứ không quân al-Dhafra ở UAE, nơi được Mỹ sử dụng để thực hiện các vụ không kích IS.


Chỉ tính riêng ở quốc gia này, Mỹ vẫn có một sự hiện diện đáng kể sau khi rút quân vào năm 2011, dưới các hình thức như các cơ sở của Bộ ngoại giao như những căn cứ quân sự, hay đại sứ quán được xây dựng lớn nhất trên thế giới ở Baghdad và một đội ngũ đông đảo các nhà thầu quân sự tư nhân.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh mới, ít nhất 1.600 lính Mỹ đã trở lại và đang hoạt động tại một Trung tâm tác chiến liên quân ở Baghdad và một căn cứ ở Erbil, thủ phủ của người Kurd tại Iraq. Mới đây, Nhà Trắng tuyên bố sẽ yêu cầu Quốc hội nước này thông qua khoản chi 5,6 tỷ USD để gửi thêm 1.500 cố vấn và nhân viên khác đến ít nhất hai cơ sở mới ở Baghdad và tỉnh Anbar.

Ít quan trọng hơn là các cơ sở như Trung tâm điều hành không quân kết hợp tại Căn cứ không quân al-Udeid của Qatar. Trước năm 2003, các hoạt động trên không của Bộ Chỉ huy Trung tâm đối với toàn bộ khu vực Trung Đông là ở Saudi Arabia. Sau đó, Lầu Năm Góc chuyển trung tâm trên đến Qatar và chính thức rút lực lượng chiến đấu khỏi Saudi Arabia.

Đó là để đối phó với vụ đánh bom năm 1996 nhằm vào tổ hợp Khobar Towers của quân đội Mỹ tại Saudi Arabia, các cuộc tấn công khác của al-Qaeda trong khu vực và sự tức giận ngày càng tăng (do al-Qaeda kích động) về sự hiện diện của quân đội phi Hồi giáo trong đất thánh Hồi giáo. Al-Udeid hiện có một đường băng dài khoảng 4,5 km, lượng lớn đạn dược và khoảng 9.000 binh sĩ cùng với các nhà thầu, những yếu tố phối hợp chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến tranh mới tại Iraq và Syria.

Tàu chiến thuộc Hạm đội 5 của Mỹ neo đậu tại một căn cứ ở Bahrain.


Kuwait cũng là một trung tâm quan trọng không kém cho các hoạt động của Washington, kể từ khi quân đội Mỹ hiện diện ở nước này trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Kuwait từng là khu vực đóng quân và trung tâm hậu cần cho lực lượng bộ binh Mỹ trong cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq năm 2003. Hiện vẫn còn khoảng 15.000 lính Mỹ ở Kuwait, và quân đội Mỹ được cho là đang sử dụng máy bay cất cánh từ căn cứ không Ali al-Salem của Kuwait để ném bom các vị trí của IS.

Theo một bài viết nhằm quảng cáo về sự minh bạch của quân đội Mỹ trên tờ Washington Post xác nhận gần đây, căn cứ không quân al-Dhafra ở UAE được sử dụng để thực hiện các vụ không kích IS nhiều hơn bất kỳ cơ sở nào khác trong khu vực. Hiện có khoảng 3.500 quân tại al-Dhafra, một cảng bận rộn nhất của Hải quân Mỹ ở nước ngoài. Các máy bay tầm xa B-1, B-2 và B-52 đồn trú ở đảo Diego Garcia đã khởi động các cuộc chiến tranh vùng Vịnh và cuộc chiến ở Afghanistan. Căn cứ này cũng có khả năng đóng một vai trò quan trọng trong một cuộc chiến tranh mới.

Gần biên giới Iraq, khoảng 1.000 lính Mỹ và nhiều máy bay chiến đấu F-16 đang hoạt động là xuất phát các căn cứ quân sự ở Jordan. Theo số liệu mới nhất của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ có 17 căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế việc sử dụng chúng, một số cơ sở vẫn đang được Mỹ dùng để triển khai các máy bay giám sát trên bầu trời Syria và Iraq. Khoảng 7 căn cứ ở Oman cũng có thể được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Hiện Bahrain là trụ sở chính cho toàn bộ các hoạt động ở Trung Đông của Hải quân Mỹ, bao gồm cả Hạm đội 5, thường được giao nhiệm vụ đảm bảo dòng chảy tự do của dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác trong Vịnh Ba Tư và các tuyến hàng hải xung quanh. Mỹ luôn duy trì sự hiện diện ít nhất một nhóm tàu sân bay tấn công, một căn cứ nổi khổng lồ, hiệu quả trong Vịnh Ba Tư.

Tại thời điểm này, tàu sân bay U.S.S. Carl Vinson đang đóng quân trong khu vực và là một bệ phóng quan trọng cho các chiến dịch không kích chống lại IS. Các tàu hải quân khác của Mỹ đang hoạt động tại vùng Vịnh và Biển Đỏ đã từng phóng tên lửa hành trình vào Iraq và Syria. Hải quân Mỹ thậm chí còn được phép tiếp cận “một căn cứ nổi phía trước", phục vụ cho các máy bay trực thăng và tàu tuần tra trong khu vực.

Tại Israel, có hơn 6 căn cứ bí mật của Mỹ có thể được sử dụng để triển khai các loại vũ khí và trang bị một cách nhanh chóng tới bất cứ nơi nào trong khu vực. Ngoài ra Lầu Năm Góc còn có một "căn cứ thực tế của Mỹ" cho hạm đội Địa Trung Hải của Hải quân Mỹ. Tại Ai Cập, quân đội Mỹ đã duy trì ít nhất hai cơ sở quân sự và chiếm 2 căn cứ trên bán đảo Sinai từ năm 1982 như một phần của hoạt động gìn giữ hòa bình theo Hiệp ước Camp David.

Ở những nơi khác trong khu vực, quân đội Mỹ đã thành lập ít nhất năm căn cứ bay không người lái ở Pakistan; mở rộng một căn cứ quan trọng ở Djibouti tại điểm nút chiến lược giữa kênh đào Suez và Ấn Độ Dương; tạo ra hoặc được quyền tiếp cận vào các căn cứ ở Ethiopia, Kenya và Seychelles; cũng như thiết lập cơ sở mới ở Bulgaria và Romania, cùng với một căn cứ được lập ra dưới thời chính quyền Clinton ở Kosovo dọc theo rìa phía tây của Biển Đen giàu khí đốt.

Ngay cả ở Saudi Arabia, mặc dù Mỹ từng công khai rút bớt lực lượng tại đây, nhưng một số lượng nhỏ nhân viên của Lầu Năm Góc vẫn ở lại để huấn luyện cho các sĩ quan của Saudi Arabia và duy trì khả năng được sử dụng các căn cứ tại nước này nhằm sẵn sàng cho các cuộc xung đột lớn bất ngờ trong khu vực.


Công Thuận



Kiểm soát tài nguyên
Kiểm soát tài nguyên

Washington từ lâu đã tìm cách kiểm soát khu vực tiếp giáp giữa châu Á và châu Âu giàu tài nguyên này, và cùng với đó là kiểm soát nền kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN