Gian nan cuộc chiến chống ma túy toàn cầu

Gian nan cuộc chiến chống ma túy toàn cầu-Kỳ 2: Bức tranh toàn cảnh

Năm 1998, tại một kỳ họp bất thường, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết về việc “Xóa bỏ hoặc giảm thiểu đáng kể” việc sản xuất và sử dụng bất hợp pháp ma túy vào năm 2008.

Cảnh bán lẻ ma túy thường thấy ở Mỹ Latinh.


Mười năm sau kiểm điểm lại, không có một nước thành viên nào từng bỏ phiếu tán thành nghị quyết đó tỏ ra hài lòng về những kết quả đạt được. Trái lại nhiều nước đã bày tỏ thái độ “hết sức lo lắng trước mối đe dọa ngày càng tăng của vấn nạn ma túy toàn cầu”. Và Liên hợp quốc lại thông qua quyết định tiếp tục thúc đẩy nhiệm vụ đã đề ra trong thập kỷ tiếp theo (2009 - 2019).

Liệu có thể đạt được mục tiêu “xỏa bỏ hoặc giảm thiểu đáng kể” tình hình cung cầu về ma túy trên thế giới sau mười năm nữa?

Xét trên bình diện từng quốc gia, người ta có thể hy vọng rằng nhiều nước sẽ tăng cường và hoàn thiện các biện pháp và chế tài pháp lý đối với nạn buôn bán ma túy trong khoảng thời gian đó. Nhưng dường như kinh nghiệm thực tế cho thấy những kết quả cục bộ ở từng nước, từng khu vực không dễ chuyển hóa thành thắng lợi trên phạm vi quốc tế hay quy mô toàn cầu. Đối với các nước có nguồn lực hạn chế thì việc đối phó với các thế lực hùng mạnh kiểm soát các dòng lưu chuyển ma túy quốc tế là việc vô cùng khó khăn.

Mua nhanh và biến đi...


Những con số thống kê trong Báo cáo về tình hình ma túy trên thế giới năm 2010 cho biết: Từ năm 1998 - 2009, sản lượng thuốc phiện trên toàn thế giới tăng 78%, cụ thể là từ 4.346 tấn năm 1998 đã tăng lên 7.754 tấn năm 2009. Sản lượng cocain trong thời gian đó tăng 5%, từ 825 tấn lên 865 tấn. Có sự chững lại về sản lượng cocain như trên là vì trong thời gian từ 2004 – 2009, vấn đề kiểm soát việc trồng cây coca ở Nam Mỹ đã có bước tiến rõ rệt và sản xuất cocain trong thời gian này giảm đi đáng kể. Trong khi đó, việc trồng cây cần sa và điều chế ma túy tổng hợp anphêtamin (ETA) lại có xu hướng tăng và không kiểm soát được. Cụ thể là trong năm 2008, số lượng cây cần sa thu hoạch có thể lên tới 66.100 tấn, và số nhựa cần sa điều chế được xấp xỉ 10.000 tấn. Đó là chưa kể đến con số khoảng 600 tấn các chất gây nghiện nhóm ETA bao gồm anphêtamin, metanphêtamin, metcatinona và hơn 130 tấn ma túy tổng hợp estasy được mua bán công khai ở nhiều nước.

Việc buôn bán ma túy diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Ở Nam Mỹ với các trung tâm ma túy lâu đời trên đất Côlômbia, từ đây nó được trung chuyển qua các nước Trung Mỹ và Caribê sang các đại bản doanh của nhiều băng đảng khét tiếng ở Mêhicô để tới Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ khổng lồ ở Bắc Mỹ. Châu Âu cũng là trung tâm tiêu thụ ma túy lớn từ Nam Mỹ, Trung Mỹ và Tây Phi sang. Vùng Tam giác vàng nằm giữa biên giới các nước Thái Lan, Mianma và Lào nổi tiếng thế giới là nguồn cung cấp thuốc phiện, hêrôin cho châu Âu, châu Á. Vùng Trung Cận Đông, các nước Iran, Pakixtan, Ápganixtan cũng là những địa danh nổi bật trên con đường làm ăn của các băng đảng buôn bán ma túy xuyên quốc gia.

Quân đội đột nhập một cơ sở chế biến ma túy ở Côlômbia.


Cơ quan kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) ước tính, năm 2008 có 155 - 250 triệu người trên thế giới sử dụng các chất gây nghiện, tức là khoảng 3,5 - 5,7% dân số trong độ tuổi từ 15 - 64. Trong số này, nhóm hút cần sa chiếm số đông nhất, vào khoảng từ 129 - 190 triệu người. Tiếp theo là nhóm sử dụng ma túy tổng hợp, nhóm chuyên dùng cocain và các sản phẩm của thuốc phiện. Nhóm nghiện nặng hay những người phụ thuộc hoàn toàn vào ma túy ở mức độ phải “tiêm, chích” chứ không chỉ là “hút, hít” chiếm khoảng từ 16 - 38 triệu người, tức là khoảng từ 10 - 15% số người sử dụng chất gây nghiện vào năm 2008.

Trong năm 2010 trên thế giới đã thu giữ hơn 100 tấn thuốc phiện. Tại khu vực Tam giác vàng, thuốc phiện chủ yếu được vận chuyển từ Mianma, Lào, Thái Lan đi các nước Trung Quốc, Việt Nam và Đặc khu Hồng Công... trong đó, khoảng 80% thuốc phiện có nguồn gốc từ Mianma. Ápganixtan là quốc gia có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn nhất thế giới, Mianma đứng thứ 2. Châu Âu chiếm 1/3 số vụ bắt giữ thuốc phiện trên toàn thế giới, chủ yếu là tại khu vực Tây Âu. Tại châu Âu, hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc phiện thường do các băng nhóm tội phạm ở Trung Á câu kết với các băng nhóm ở Nga tiến hành với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Theo thống kê của Cảnh sát quốc tế (Interpol), hoạt động buôn bán, vận chuyển hêrôin vẫn là một vấn đề nan giải đặc biệt tại khu vực châu Á. Hơn một nửa số lượng hêrôin bị lạm dụng và bắt giữ trên thế giới là ở châu Á. Hêrôin được vận chuyển từ khu vực Tây Nam Á, Đông Nam Á sang Trung Quốc, Việt Nam, Ôxtrâylia, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc)...

Lượng hêrôin bị bắt giữ tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong năm qua tăng trên 17% (15 tấn), và 56,7% tổng số vụ bắt giữ hêrôin liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt nguồn từ Pakixtan.

Tại các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, hoạt động buôn bán, vận chuyển hêrôin vẫn tiếp tục phức tạp. Năm qua, các cơ quan chức năng đã bắt giữ 15 tấn hêrôin tại châu Âu; tại khu vực Trung Cận Đông là trên 12 tấn; tại khu vực châu Mỹ và châu Phi khoảng 6 tấn. Phần lớn lượng hêrôin tiêu thụ tại khu vực này có nguồn gốc từ Ápganixtan. Ngoài ra, hêrôin còn được vận chuyển từ Nam Mỹ, Tây Phi, Tây Nam Á đi các nước châu Âu, Bắc Mỹ. Trong đó nổi lên hoạt động vận chuyển hêrôin từ Ápganixtan vào Liên bang Nga (riêng tại Nga, lượng hêrôin bị bắt giữ trong năm qua là 3,8 tấn).

Tội phạm ma túy hiện nay vẫn được xác định là một trong những loại tội phạm gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia trên toàn cầu. Bởi lẽ các tổ chức tội phạm trên thế giới đã sử dụng siêu lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu ma túy là khoảng 30 tỉ USD một năm để chu cấp cho các phần tử khủng bố, đầu tư kinh doanh bất hợp pháp, tài trợ cho chiến tranh bạo lực, gây nên tình trạng vô chính phủ, bất chấp pháp luật, làm méo mó các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Phạm Đình Lợi

Đón đọc kỳ cuối: Những quan điểm khác nhau

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN