Những sự kiện đáng nhớ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Phần 10

Giải phóng Khánh Hoà, Tuyên Đức

* Ngày 3/4/1975: Giải phóng tỉnh Khánh Hoà và tỉnh Tuyên Đức (Lâm Đồng); Tiền phương Bộ đã hành quân tới vị trí của Bộ Chỉ huy miền và Trung ương Cục miền Nam ở căn cứ Lộc Ninh.

Quân giải phóng làm chủ Sở chỉ huy Bộ tư lệnh vùng 2 duyên hải của ngụy quân Sài Gòn ở TP Nha Trang. Ảnh tư liệu TTXVN


Sau thắng lợi giải phóng thành phố Nha Trang, Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 binh đoàn Tây Nguyên hành tiến theo quốc lộ 1 tiến về giải phóng Khu quân sự liên hiệp Cam Ranh. Ngày 3/4/1975, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Khánh Hoà.

Cùng ngày, Trung đoàn đặc công 198 binh đoàn Tây Nguyên phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân tại chỗ giải phóng thành phố Đà Lạt và toàn tỉnh Tuyên Đức (Lâm Đồng). Đến đây, toàn bộ Quân khu 2-quân đoàn 2 ngụy đã bị xoá sổ.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức cánh quân Duyên Hải, gồm: Sư đoàn 324 binh đoàn Hương Giang, Sư đoàn 3 Quân khu 5, sau tăng cường thêm Lữ đoàn 52 và tiểu đoàn xe tăng với nhiệm vụ tiêu diệt cụm phòng ngự tiền tiêu Phan Rang, Phan Thiết, chiếm sân bay Thành Sơn của địch; sau đó nhanh chóng cơ động về miền Đông Nam Bộ, hình thành mũi vu hồi ven biển để đánh chiếm Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cùng ngày, tiền phương Bộ đã hành quân tới vị trí của Bộ Chỉ huy miền và Trung ương Cục miền Nam ở căn cứ Lộc Ninh.

* Ngày 4/4/1975: Quân ủy Trung ương chỉ thị giải phóng các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngày 4/4/1975, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân nhanh chóng vượt biển tiến công giải phóng các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa trên lãnh thổ Việt Nam. Chỉ thị nhấn mạnh: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Trong khi đó, ngày 4/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu gửi điện hỏa tốc cho Quân đoàn 3 ngụy, chỉ thị bằng bất cứ giá nào cũng phải tổ chức cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng ra đó quyết chiến; đồng thời, quyết định sáp nhập 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Quân khu 3, tổ chức Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 3 ngụy do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh đóng tại Phan Rang. Cùng ngày, Quân đoàn 3 được lệnh hành quân vào miền Đông Nam Bộ.

* Ngày 5/4/1975: Ta tăng cường lực lượng cho cánh quân Duyên Hải; Mỹ bắt đầu di tản gia đình, nhân viên về nước.

Thường vụ Quân ủy Trung ương đã quyết định tăng cường thêm các Sư đoàn 325, 304 và một số đơn vị pháo binh, xe tăng, cao xạ, công binh cho cánh quân Duyên Hải; lập Ban cán sự lâm thời để nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ; trước mắt là hành tiến tiêu diệt địch, nhanh chóng đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khóa sông Lòng Tàu, rồi từ hướng Đông Nam phát triển về Sài Gòn.

Cùng ngày, tại Mỹ, Tổng thống Gerald Ford quyết định bắt đầu di tản các gia đình, nhân viên người Mỹ về nước. Ở Sài Gòn, Thiệu chấp nhận đơn xin từ chức của tướng Trần Thiện Khiêm và cử Nguyễn Bá Cẩn lên lập Chính phủ mới, quyết định tăng cường cho “lá chắn thép” Phan Rang một lữ đoàn dù, một liên đoàn biệt động quân và một số đơn vị thiết giáp nhằm cố giữ các phần đất còn lại.

Để tăng uy thế cho quân ngụy, hai tàu sân bay lớn của Mỹ ở hạm đội Thái Bình Dương đã vào tuần tra biểu dương lực lượng ở vùng biển phía Nam Việt Nam.

(còn nữa)


Thông tin tư liệu - TTXVN
Quân ta tiến công Tuy Hòa, Ninh Hòa và thị xã Quy Nhơn
Quân ta tiến công Tuy Hòa, Ninh Hòa và thị xã Quy Nhơn

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp, quyết định tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng Sài Gòn; Quân ta tiến công Tuy Hoà, Ninh Hoà và thị xã Quy Nhơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN