Giải phóng biển đảo mùa Xuân năm 1975

Các đảo và quần đảo trên Biển Đông là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong quá trình chỉ đạo các chiến dịch giải phóng miền Nam, với tầm nhìn chiến lược về biển, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã nắm bắt thời cơ, quyết định tổ chức lực lượng ra giải phóng các đảo, quần đảo.

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược

Tình hình ở miền Nam lúc này diễn biến hết sức mau lẹ. Sau khi Tây Nguyên, Trị-Thiên Huế, Đà Nẵng và một loạt các vị trí chiến lược quan trọng dọc các tỉnh duyên hải miền Trung rơi vào tay Quân giải phóng, hai quân đoàn thiện chiến và hai quân khu phía Bắc của Việt Nam cộng hòa bị xóa sổ, chính quyền và quân đội Sài Gòn lâm vào tình trạng suy sụp hoàn toàn. Đây chính là thời cơ thuận lợi để ta thực hiện chủ trương giải phóng biển đảo, nhất là quần đảo Trường Sa.

Ngày 4/4/1975, thay mặt Thường vụ Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó chỉ rõ: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng".

Bộ đội Hải quân giải phóng đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa tháng 4/1975. Ảnh tư liệu


Do ý thức đầy đủ về chủ quyền biển, đảo nên ngay từ đầu năm 1975, Quân chủng Hải quân cũng đã xây dựng các phương án và chuẩn bị tác chiến trên hướng biển, đặc biệt là giải phóng các đảo khi có lệnh.

Theo phương án tác chiến, mục tiêu tiến công đầu tiên là đảo Song Tử Tây, tiếp đó là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và phương châm tác chiến là: Bí mật, bất ngờ tiến công. Thời cơ đánh chiếm đảo được xác định là từ 0 đến 2 giờ sáng là lúc ta có thể lợi dụng yếu tố thủy văn để bí mật đổ quân lên đảo.

Ngày 9/4/1975, khi ở trong đất liền, cuộc tiến công vào phòng tuyến Xuân Lộc mở màn, thì trên hướng biển, Bộ Tư lệnh Hải quân được lệnh ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Ngày 11/4, một biên đội tàu vận tải của Đoàn 125, gồm 3 chiếc: 673, 674, 675 cùng với một số đơn vị bộ binh và đặc công rời quân cảng Đà Nẵng nhanh chóng tiến ra Trường Sa. 5 giờ sáng ngày 14/4, đảo Song Tử Tây được giải phóng.

Mất đảo Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của địch ở quần đảo Trường Sa bị de dọa. Địch vội điều hai tàu HQ 16 và HQ 402 từ Vũng Tàu ra định phản kích hòng chiếm lại đảo. Song, trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao của ta. Mặt khác, lúc này, trên chiến trường, ta đã giành được thắng lợi giòn giã, tuyến phòng thủ Phan Rang của địch bị vỡ, quân địch hoang mang, không dám tổ chức tiến công. Chúng đành quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết - nơi đặt Sở chỉ huy trung tâm của chúng ở quần đảo Trường Sa.

Sau trận đánh đảo Song Tử Tây, ta để lại một bộ phận chốt giữ đảo. Lực lượng còn lại quay về Đà Nẵng củng cố và chuẩn bị đánh tiếp các đảo khi có thời cơ. Ngày 21/4/1975, phòng tuyến Xuân Lộc bị chọc thủng, cánh cửa phía Đông của Sài Gòn mở toang; tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức... Thời cơ lớn đã đến, Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục điều một biên đội tàu (673, 675 và 641) đưa Đội 1 của Đoàn 126 Đặc công và Tiểu đoàn 471 của Quân khu 5 ra giải phóng các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa. Sáng 25/4, ta giải phóng đảo Sơn Ca, sáng 27/4 làm chủ hoàn toàn đảo Nam Yết, 28/4 là đảo Sinh Tồn...

Phát huy khí thế tiến công thần tốc, táo bạo của quân và dân ta trên các chiến trường nói chung ở vùng biển đảo nói riêng, 16 giờ ngày 28/4, bộ đội ta tiếp tục hành quân giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất ở phía nam của quần đảo. 9 giờ 30 phút ngày 29/4, ta làm chủ đảo Trường Sa, kết thúc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân là giải phóng quần đảo Trường Sa thân yêu. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Giữ vững chủ quyền biển đảo

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, chủ quyền bao quát hơn một triệu km vuông trên vùng Biển Đông, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, ẩn chứa trữ lượng hải sản lớn và phong phú, trữ lượng khoáng sản, nhất là dầu khí to lớn, đầy tiềm năng du lịch gắn với biển và trên biển. Dọc bờ biển và trên biển Việt Nam có 29 tỉnh, thành phố, với 12 thành phố lớn, 125 huyện, thị xã ven biển, 100 cảng biển, gần 240.000 cụm công nghiệp và gần 1.000 bến cá...

Từ thẳm sâu lịch sử dân tộc trải đã mấy ngàn năm tới hôm nay, biển, đảo là những giá trị thiêng liêng tâm linh và lịch sử: truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, những chiến công hiển hách Bạch Đằng, Vân Đồn xưa, Cồn Cỏ, đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ… là những thành tố thuộc về dân tộc, nâng đỡ sức mạnh tinh thần cho muôn thế hệ người Việt. Biển, đảo không chỉ là phần lãnh thổ thiêng liêng của đất Việt, luôn gắn bó mật thiết với đời sống của cư dân nước Việt cả về vật chất và tinh thần, mà trong tâm thức hơn chín chục triệu người con đất Việt, đó là đất nước, là cuộc sống và thực tế hàng ngàn năm qua người Việt đã ra sức khai phá, dựng xây và sẵn sàng hy sinh cả xương máu, tính mạng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo vô giá và thiêng liêng của Tổ quốc.

Đánh giá biển, đảo có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Hướng ra biển lớn, bên cạnh việc tạo ra các cơ chế, chính sách gắn phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh trên từng vùng biển đảo thì việc xây dựng các ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng khai thác tài nguyên kết hợp nhiệm vụ bảo vệ những vùng biển, đảo xa bờ và việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cần được xem là những lĩnh vực ưu tiên. Một vấn đề khác, bên cạnh quần đảo Trường Sa, những đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn, thì đầu tư xây dựng các đảo Cát Bà, Cô Tô, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo... thành những huyện đảo trù phú, phát triển kinh tế du lịch, những căn cứ hậu cần, kỹ thuật vững chắc, những pháo đài bất khả xâm phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng...

Sứ mệnh bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo hôm nay càng có ý nghĩa hết sức thiêng liêng, không chỉ đối với hiện tại mà còn mãi mãi về sau. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm cao cả, thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc ta phát triển vững bền.

Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo tiếp tục là lời nhắn nhủ về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc!


TTXVN/TTTL
Sức mạnh pháo binh Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975
Sức mạnh pháo binh Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Sức mạnh của pháo binh Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975 thể hiện rõ nét qua từng trận đánh cụ thể, nhất là các chiến dịch chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị-Thiên-Huế, Chiến dịch Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN