Giải mã ngành ngân hàng Thụy Sĩ - Kỳ 1: Nơi xuất xứ của mọi ngân hàng

Với số dân chưa đầy 8 triệu người, Thụy Sĩ có tới 338 ngân hàng các loại, trong đó có 148 ngân hàng nước ngoài. Hầu như tất cả những ngân hàng lớn trên thế giới đều có chi nhánh, văn phòng đại diện ở các thành phố Zurich, Bern, Geneva hay Lugano của Thụy Sĩ. Nổi tiếng là một trong những trung tâm ngân hàng, bảo hiểm lớn nhất trên toàn cầu, Thụy Sĩ có thể được coi là "nơi xuất xứ của mọi ngân hàng".

 

Nghênh phong "đón" bão


Cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động đến mọi ngõ ngách của nền kinh tế thế giới, trong đó lĩnh vực tài chính ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh các nước đều bị thâm thủng ngân sách nặng nề do phải chi cho các gói kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ một loạt nước lớn như Mỹ, Đức, Anh, Nga, Pháp... đã quay sang tìm kiếm các khoản tiền trốn thuế của công dân nước mình qua việc gửi tiền ở các ngân hàng nước ngoài như Thụy Sĩ. Và thế là "thành trì bí mật" ngân hàng Thụy Sĩ đã bị lung lay sau 75 năm gìn giữ.


 

HSBC, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới cũng có mặt ở Thụy Sĩ.

 

Sau khi ngân hàng UBS lớn nhất của Thụy Sĩ cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế của Mỹ, tháng 3/2009, chính phủ Thụy Sĩ đã nới lỏng quy định về bảo vệ bí mật ngân hàng, đồng ý thực hiện yêu cầu của các cơ quan thuế nước ngoài về việc trao đổi thông tin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).


Tháng 9/2009, Thụy Sĩ ký kết 12 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước, trong đó có Nga. Những hiệp định này có nhiều điều khoản gây sức ép nặng nề với quy tắc bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ.


 

Giao dịch tại một chi nhánh của ngân hàng UBS.

 

Tiếp đó, tháng 2/2012, chính phủ Thụy Sĩ lần đầu tiên thể chế hóa vấn đề ngân hàng dưới dạng một "biên bản thảo luận". Theo đó, các ngân hàng sẽ không được phép tiếp nhận các khoản tiền, quỹ không khai báo, đồng thời còn phải giải quyết cả các trường hợp tồn đọng trong quá khứ. Để thực hiện quy định mới này, giải pháp khả thi đối với các ngân hàng Thụy Sĩ hiện nay là sẽ phải ngừng giao dịch với các khách hàng và nếu khách hàng muốn chuyển tiền đi nơi khác, "ngân hàng cần đảm bảo rằng các khoản tiền này sẽ phải xuất cảnh hoàn toàn khỏi Thụy Sĩ”.


Thụy Sĩ cũng đã ký thỏa thuận với Áo, Anh và Đức nhằm mạnh tay trừng phạt hành động trốn thuế. Theo thỏa thuận ký với Anh, các ngân hàng Thụy Sĩ bắt đầu áp thuế thu nhập đối với những khách hàng người Anh giàu có từ tháng 1/2013. Sự thay đổi này sẽ đánh dấu chấm hết cho truyền thống tự do nhận các khoản tiền gửi mà không cần phải khai báo với chính quyền kéo dài hàng trăm năm nay của các ngân hàng Thụy Sĩ.


Chủ tịch Ngân hàng UBS, ông Kaspar Villiger, cho biết thêm, từ nhiều năm nay, tính bảo mật của ngành ngân hàng Thụy Sĩ đã góp phần quan trọng làm nên sức hấp dẫn của trung tâm tài chính này, nhưng tính bảo mật càng cao thì tính hợp pháp càng giảm. Theo ông Villiger, Thụy Sĩ nên chấm dứt vai trò là một thiên đường trong lĩnh vực ngân hàng bao che cho hành động gian lận thuế, đồng thời kết thúc những tranh cãi với giới chức thuế quan nước ngoài.

 

Chìa khóa thành công


Nếu coi đảm bảo bí mật khách hàng là ưu thế nổi trội của ngành ngân hàng Thụy Sĩ, thì hiệu quả hoạt động lại chính là chìa khóa mang lại danh tiếng cho các ngân hàng của quốc gia này. Hiệu quả kinh doanh được xác định bởi hai yếu tố: nguồn vốn rẻ, ổn định và con người. Muốn tìm việc làm ở một ngân hàng Thụy Sỹ, ứng cử viên phải qua các trường đào tạo chính quy và các sinh viên mới tốt nghiệp bao giờ cũng bắt đầu từ những vị trí thấp nhất để làm quen với môi trường làm việc. Nhờ đó, nhân viên ngân hàng thông thạo nghiệp vụ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.


Một ưu thế khác của các nhân viên ngân hàng là ngôn ngữ. Nhân viên của các ngân hàng lớn ở Thụy Sĩ có thể giao dịch bằng bốn thứ tiếng. Ngoài tiếng Anh, họ có thể sử dụng cả ba thứ tiếng là ngôn ngữ chính của Thụy Sĩ gồm tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Italia.


Ngoài ra, hệ thống thuế minh bạch cũng góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh lý tưởng. So sánh với nhiều nước châu Âu khác, thuế thu nhập của Thụy Sĩ nhìn chung thấp hơn. Tỷ lệ tiết kiệm cao của dân cư và chính sách thuế hấp dẫn đã giúp Thụy Sĩ thu hút dòng vốn nước ngoài. Nhờ vậy, các ngân hàng Thụy Sỹ có thể tài trợ cho khách hàng với lãi suất thấp. Người Thụy Sĩ không thể tưởng tượng đất nước họ ra sao nếu không có ngân hàng - lĩnh vực đóng góp 11% GDP của quốc gia và tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người.


Nhiều khách nước ngoài đã giao dịch hay mở tài khoản ở ngân hàng khi đi du lịch Thụy Sĩ vì không thể mở tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ từ nước họ, còn mở tài khoản qua mạng Internet thì phải chờ thẩm định khá lâu. Các ngân hàng Thụy Sỹ yêu cầu khách hàng phải đến tận ngân hàng, mang theo chứng minh thư hoặc hộ chiếu nếu muốn trở thành chủ nhân của một tài khoản. Các ngân hàng thường yêu cầu số tiền tối thiểu để mở và duy trì tài khoản, nhưng có những ngân hàng không đòi hỏi điều này. Khách hàng có thể gửi vào tài khoản bao nhiêu tùy ý và bằng bất cứ ngoại tệ chuyển đổi nào, không bắt buộc phải là đồng franc Thụy Sĩ. Thậm chí, nhiều ngân hàng chấp nhận mở tài khoản bằng baht của Thái Lan, ringgit của Malaixia, nhưng đồng Việt Nam thì chưa.


Giống như những quốc gia phát triển, những khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng ở Thụy Sĩ phải đóng thuế 35%. Người nước ngoài khi gửi tiền ở ngân hàng Thụy Sĩ, vì thế, thường yêu cầu được hoàn thuế ở đất nước họ nếu những nước này có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Thụy Sĩ.


Thụy Sĩ hiện là điểm đến của hầu hết các dòng tài sản ký thác từ nước ngoài, chiếm khoảng 27% tài sản toàn cầu, với khách hàng chủ yếu từ Đức, Italia, Arập Xêút, Mỹ và Pháp.


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)

 

Đón đọc kỳ 2: Vén màn bí mật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN