Dwight Eisenhower và hành trình đường bộ quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ

Năm 1919, trung tá trẻ Dwight D. Eisenhower đã cùng với một đoàn xe quân sự đi xuyên đất nước bằng ô tô, từ thủ đô tới San Francisco. Đây là đoàn xe lớn nhất từng đi một hành trình dài như vậy tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Một phần đoàn xe. Ảnh: Eisenhower Collection

Đây là một trong những hành trình đường bộ xuyên đất nước lớn nhất lịch sử Mỹ và nó khiến Eisenhower nghĩ rằng chính phủ liên bang có thể và cần coi việc cải thiện đường cao tốc Mỹ là một ưu tiên. Sau này, lái xe từ bờ Đông sang bờ Tây trở thành một trong những trải nghiệm thú vị với người Mỹ. Nhưng ở thời năm 1919, đó là một hành trình kinh hoàng, thậm chí hành xác.

Chú thích ảnh
Eisenhower (trái) và đồng nghiệp tên Brett. Ảnh: Eisenhower Collection

Trong 62 ngày, hơn 80 xe tải, ô tô và xe máy đã rồng rắn đi theo lộ trình đã định sẵn trên cao tốc Lincoln, một trong những cao tốc xuyên Mỹ đầu tiên được xây dựng. Họ băng qua thảo nguyên, núi và sa mạc bằng những con đường được xây dựng khá tốt. 

Đi xuyên Mỹ thời bấy giờ không còn là một trải nghiệm nguy hiểm tới tính mạng nữa. Đường sắt xuyên lục địa đã vươn tới Thái Bình Dương giữa những năm 1800 và năm 1876, tàu cao tốc đã giúp người dân di chuyển từ New York (ở bờ Đông) tới San Francisco (bờ Tây) trong chỉ 83 giờ. Tuy nhiên, hành trình này cũng không mấy thoải mái.

Ý tưởng về việc tham gia hành trình xuyên Mỹ mới chỉ xuất hiện trong đầu Eisenhower và đồng nghiệp vào phút chót. Họ tình nguyện tham gia đoàn xe quân sự khi đoàn xe cần thêm người và họ nghĩ hành trình sẽ thú vị. Hành trình đã khiến những người tham gia trải nghiệm những lát cắt sinh động trong cuộc sống người dân Mỹ khắp nơi. Tuy nhiên, trong phần lớn chuỗi ngày hành trình, thực tế của những con đường lại không đẹp đẽ như vậy. Trước khi đoàn xe tới California, những người tham gia buộc phải cắm trại trên đường núi quanh co, chia nhau từng chút nước uống và mất hàng tiếng đẩy xe dọc theo những khúc cua không thể lái được.

Chú thích ảnh
Eisenhower (phải) tại Ohio ngày 13/7/1919. Ảnh: Eisenhower Collection

Năm 1919, quân đội Mỹ vừa tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất ở châu Âu và các đơn vị cơ giới của Bộ Chiến tranh Mỹ đã góp phần vào chiến thắng. Khi đó, giới lãnh đạo quân sự muốn phô trương máy móc, phương tiện. Tuy nhiên, mạng lưới đường bộ thời đó phần lớn vẫn chưa hình thành. Từ cuối thế kỷ 19, Phong trào Đường bộ tốt đã vận động chính phủ nâng cấp đường sá kết nối các thành phố và thành lập các hiệp hội để cấp tiền và xây dựng đường sá. 

Một trong những mục đích của hành trình đường bộ năm 1919 nói trên là để ủng hộ phong trào này. Một cột mốc Cây số Không đã được đặt để đánh dấu địa điểm mà đoàn xe khởi hành ở quảng trường Lafayette tại thủ đô Washington, D.C. Cột mốc đó được trang trí bản đồ các đường cao tốc – một hệ thống đường bộ hoàn hảo mà người dân Mỹ mong đợi từ lâu.

Đoàn xe chở theo 24 sĩ quan, 258 binh lính và rời đi lúc 13h ngày 7/7. Khi họ tới Frederick, bang Maryland vào cuối ngày, Eisenhower gia nhập đoàn xe. Trong 7,5 tiếng, họ đi được hơn 73km mà ngày nay lái ô tô chỉ mất một tiếng.

Hành trình gian khó

Chú thích ảnh
Đẩy xe bị mắc kẹt. Ảnh: K.C. Downing Collection

Ngay từ đầu hành trình, đoàn xe đã gặp trục trặc. Buổi chiều đầu tiên, hai xe bị hỏng. Ngày thứ hai, đoàn xe bị chậm 2 tiếng, phần lớn là do không thể qua được những cây cầu ọp ẹp hoặc không đủ rộng cho xe tải. Để tránh mấy cây cầu này, đoàn xe phải đi đường vòng. 

Với tốc độ trung bình 9,6km/h, đoàn xe như bò xuyên nước Mỹ. Không ngày nào họ không gặp khó khăn. Mặc dù các lái xe đều tuyên bố có kinh nghiệm dày dặn với xe tải nhưng Eisenhower cảm thấy họ nói dối.

Đoạn đường vừa trải qua dù khó khăn những vẫn thuận lợi chán so với nửa sau hành trình. Khi tới Nebraska và bước chân vào bờ Tây, đường sá bắt đầu xấu đi. Khi trời mưa, đoàn xe mắc kẹt trong những khu vực đất mềm tới tận trục bánh xe. Các binh sĩ lại phải vất vả đẩy xe ra. 

Chú thích ảnh
Xe to kéo xe bé trên một đoạn đường khó khăn. Ảnh: Eisenhower Collection

Bên ngoài Lexington, đường sá trơn tới mức xe tải bị trượt vào rãnh ven đường. Chiếc xe khỏe nhất Militor và là cứu tinh của những xe bị sa lầy hay hỏng hóc cũng trượt vào rãnh. Mất hai tiếng mọi người mới kéo được Militor lên. Vào hôm đó, tổng cộng 25 xe tải bị trượt vào rãnh. 

Ngày hôm sau, một lúc có tới 12 xe tải của công binh cần cứu hộ. Chiếc Militor lại trượt vào rãnh lần nữa. Ngày tiếp đó, mất tới 7 tiếng để kéo toàn bộ xe tải qua mấy trăm mét cát lún.

Những khó khăn này vẫn chưa là gì so với hành trình qua bang Utah. Khi ở trên sa mạc Salt Lake, những chiếc xe tải nặng nề hầu như không thể đi qua nổi những con đường đầy cát và đất muối.

Chú thích ảnh
Ảnh: Eisenhower Collection

Eisenhower mô tả trong báo cáo: “Từ Orr’s Ranch ở Utah tới thành phố Carson ở Nevada, con đường chỉ thấy bụi, vết xe, hố”. Có những lúc, đoàn xe cách nơi có nước tới 32km và cách đường sắt gần nhất 144km.

Ngày 21/8, đoàn xe phải xử lý một ụ cát mất cả tiếng và đó là công việc dễ nhất trong ngày. Không lâu sau, họ tới một đoạn không thể vượt qua và phải đi đường vòng. Tới 14h, gần như xe nào trong đoàn cũng bị kẹt trong cát. Kéo toàn bộ đoàn xe ra khỏi cát cần nỗ lự siêu nhân của toàn bộ đoàn người từ 14h tới tận nửa đêm. Ngày đó, đoàn xe đi được 24km trong 7,5 tiếng.

Tiếp đó là khó khăn về nước và nhiên liệu. Mỗi người chỉ có một chén nước nhỏ sau khi ăn đêm hôm trước. Nhiên liệu thì sắp hết. Bữa ăn đêm gồm tương đậu nướng và bánh mỳ cứng cũng không còn nhiều. Cuối cùng, đoàn xe cũng được tiếp nước chở bằng ngựa từ cách đó gần 20km.

Cả đoàn kiệt sức nhưng vì họ đã đi chậm so với lịch trình nên ngày nghỉ chủ nhật bị bỏ. Cuối cùng, ngày 23/8, họ đã đi qua Utah và tới bang Nevada – bang cũng không khá hơn mấy. Mãi tới ngày 3/9, sau nhiều ngày mệt mỏi, đoàn xe cũng vượt qua được dãy núi Sierra Nevada và đặt chân lên những con đường hoàn hảo ở California.

Chú thích ảnh
Một xe trong đoàn trượt vào rãnh ven đường. Ảnh: Eisenhower Collection 

Đoàn xe tới San Francisco chậm hơn 6 ngày so với dự kiến. Nhìn chung, cả hành trình là một thành công. Thống đốc bang California đã mở tiệc tối chúc mừng đoàn với những món ăn thịnh soạn.

Chương trình chúc mừng nhấn mạnh rằng không thể nghĩ về hành trình mà không nhớ tới những khó khăn, thiếu thốn, nhụt chí và thậm chí cả cái chết.

Khi kết thúc hành trình, các sĩ quan trong đoàn xe hoàn toàn cho rằng chính phủ liên bang cần phải xây dựng và bảo trì toàn bộ đường cao tốc xuyên lục địa. Eiseinhower khi đó nhận định cả đoàn xe thống nhất rằng rất cần phải cải thiện đường cao tốc và xét về điểm đó, hành trình là một thành công công thể chối cãi.

Theo trang history.com, tại thời điểm đó, Dự luật Cao tốc Townsend đang được quốc hội xem xét. Trải nghiệm của đoàn xe trong hành trình xuyên Mỹ đã giúp các nghị sĩ thông qua dự luật. Ủy ban Cao tốc Liên bang được thành lập dựa trên luật đó.

Phải hàng chục năm sau hệ thống đường bộ Mỹ mới có thể thực sự giúp ô tô chạy bon bon xuyên đất nước và mở ra một kỷ nguyên hành trình đường bộ thú vị cho cả người dân và du khách.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử
Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử

Vào năm 1946, Chính phủ Mỹ đã đưa 167 cư dân bản địa của đảo san hô Bikini đi sơ tán trước khi họ bắt đầu phá hủy hòn đảo “thiên đường” này bằng 23 vụ thử hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN