Đột kích Cabanatuan - Kỳ 2: Kế hoạch mở đường sống cho tù binh

Ngày 20/10/1944, lực lượng của tướng Douglas MacArthur đổ bộ lên đảo Leyte, mở đường cho việc giải phóng Philíppin. Chưa đầy 2 tháng sau, khi Mỹ củng cố lực lượng để chuẩn bị cho đợt đánh chiếm đảo Luzon, gần 150 lính Mỹ bị phát xít Nhật đã xử tử hôm 14/12/1944 trong một nhà tù trên đảo Palawan.

 

Trung tá Henry Mucci (trái) thảo luận kế hoạch với Robert Prince

 

Những tù binh này bị lùa vào trong các căn hầm tránh bom rồi bị thiêu sống bằng xăng. Một trong những người còn sống sót, binh nhất Eugene Nielsen, tường thuật lại toàn bộ câu chuyện cho bộ phận tình báo của lục quân Mỹ hôm 7/1/1945. Để ngăn chặn thảm họa này tái diễn tại nhà tù Cabanatuan, hai ngày sau, các đơn vị của MacArthur đổ bộ lên đảo Luzon và tiến công thần tốc hướng về thủ đô Manila với sứ mệnh mở đường sống cho những tù binh ở đây.


 

Đại úy Robert Prince và một du kích Philíppin.

Thiếu tá Bob Lapham, thuộc lực lượng lục quân Mỹ ở khu vực Viễn Đông của Mỹ, và một chỉ huy du kích khác, Juan Pajota đã cân nhắc khả năng giải cứu các tù nhân trong trại giam, nhưng lại e ngại các vấn đề về hậu cần như nơi ẩn nấp và công tác chăm sóc tù nhân. Một kế hoạch giải cứu đã được Trung tá Bernard Anderson, chỉ huy lực lượng du kích hoạt động gần nhà tù, đề xuất. Anh gợi ý, bộ phận du kích sẽ bảo vệ cho các tù nhân, hộ tống họ trên quãng đường dài 80 km đến vịnh Debut và sử dụng 30 tàu ngầm chuyên chở họ sang bờ bên kia. Kế hoạch này bị MacArthur phản đối, bởi ông sợ quân Nhật sẽ đuổi kịp những tù nhân bỏ trốn và sát hại họ. Ngoài ra, hải quân không có đủ số tàu ngầm theo như yêu cầu, nhất là khi kế hoạch tấn công đảo Luzon của MacArthur sắp diễn ra.


Hôm 26/1/1945, Lapham đi từ địa bàn hoạt động của anh ở gần nhà tù đến sở chỉ huy quân đoàn 6 cách đó 48 km. Anh đề xuất với chỉ huy bộ phận tình báo quân đoàn Đại tá Horton White rằng, chiến dịch giải cứu khoảng 500 tù binh của nhà tù Cabanatuan phải được tiến hành trước khi quân Nhật có thể sát hại họ. Lapham ước tính, nhà tù này có từ 100 - 300 tên lính canh, 1.000 tên được triển khai bên kia sông Cabu về phía đông bắc của nhà tù và có thể có khoảng 5.000 tên nữa ở trong thành phố Cabanatuan. Các nhà hoạch định chiến dịch cũng có trong tay các bức ảnh chụp về nhà tù do các máy bay mới chụp hôm 19/1. White tính toán, quân đoàn 1 sẽ không đến được thành phố Cabanatuan trước ngày 1/2/1945. Vì vậy, nếu tiến hành chiến dịch, thời điểm thích hợp nhất là vào ngày 29/1. White báo cáo chi tiết kế hoạch lên Trung tướng Walter Krueger, người đưa ra mệnh lệnh giải cứu tù binh.


 

Đơn vị trinh sát Alamo.

 

White triệu tập Trung tá Henry Mucci, chỉ huy tiểu đoàn biệt kích số 6 và ba trung úy của đơn vị trinh sát Alamo - đơn vị trinh sát đặc biệt phối hợp với quân đoàn 6 - để phổ biến nhiệm vụ tập kích vào nhà tù Cabanatuan và giải cứu các tù binh. Nhóm này xây dựng một kế hoạch giải cứu các tù nhân. Mười bốn lính trinh sát, chia làm hai nhóm, sẽ xuất phát 24 tiếng trước lực lượng chính để trinh sát nhà tù. Lực lượng chính, gồm 90 lính biệt kích của Đại đội C và 30 lính của Đại đội F, sẽ vượt qua chặng đường dài 48 km, bao vây nhà tù, giết chết lính gác, giải cứu và hộ tống các tù binh đến nơi an toàn. Lính Mỹ cùng 80 du kích người Philíppin làm nhiệm vụ dẫn đường và hỗ trợ cho chiến dịch. Theo kế hoạch, thời điểm tiến hành trận đánh là 17 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 29/1.


Tối 27/1, lực lượng biệt kích nghiên cứu các bức ảnh do máy bay chụp từ trên không và được các du kích cung cấp các thông tin tình báo về nhà tù. Hai nhóm trinh sát Alamo, dưới sự chỉ huy của Trung úy William Nellist và Thomas Rounsaville, rời khỏi Guimba lúc 19 giờ và xâm nhập vào phía sau phòng tuyến quân địch để thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Mỗi người lính được trang bị một khẩu súng ngắn cỡ nòng 0,45 mm, ba quả lựu đạn, một súng tiểu liên hoặc tiểu liên M1, một dao nhọn và đạn dự trữ. Sáng hôm sau, nhóm trinh sát bắt liên lạc được với du kích Philíppin ở làng Platero, cách nhà tù 3,2 km về phía bắc.


Lực lượng biệt kích được trang bị súng tiểu liên Thompson, BAR, súng tiểu liên M1 Garand, súng ngắn, lựu đạn, dao găm, đạn dự trữ và một vài khẩu bazoka. Bốn phóng viên ảnh chiến trường của Tiểu đoàn thông tin 832 tình nguyện đi cùng những người lính trinh sát và biệt kích để ghi lại chiến dịch giải cứu tù nhân sau khi Mucci đề xuất ý tưởng ghi lại những khoảnh khắc của trận đánh. Mỗi phóng viên ảnh được trang bị một khẩu súng ngắn. Bất chấp những quy định cấm của Công ước Geneva đối với lực lượng quân y, bác sĩ phẫu thuật Đại úy Jimmy Fisher và các đồng nghiệp cũng được mang súng ngắn và tiểu liên.


Để duy trì liên lạc giữa nhóm trực tiếp tiến hành trận đánh với Bộ Tư lệnh quân đoàn, một vị trí liên lạc đã được thiết lập bên ngoài Guimba. Bộ phận này được trang bị hai máy thu phát tín hiệu vô tuyến, nhưng họ chỉ được sử dụng để gọi xin yểm trợ đường không nếu đụng độ với quân Nhật hoặc nếu có những thay đổi vào phút cuối trong trận đánh này.


Ngay sau 5 giờ ngày 28/1, Mucci và một đại đội tăng cường gồm 121 lính biệt kích dưới sự chỉ huy của Đại úy Robert Prince di chuyển bằng xe ô tô vượt quãng đường dài 97 km đến Guimba, trước khi thâm nhập qua phòng tuyến của quân Nhật lúc 14 giờ. Được các du kích Philíppin dẫn đường, lực lượng biệt kích đi xuyên qua khu vực đồng cỏ để tránh các đợt tuần tra của địch. Trong các làng nằm dọc con đường mà đơn vị đi qua, những du kích địa phương giúp bịt mõm chó và nhốt gà vào chuồng để không tạo ra những tiếng động khiến quân địch chú ý. Tại một vị trí, họ đã tránh được trong gang tấc một xe tăng của phát xít Nhật đang di chuyển trên đường quốc lộ khi họ đi men theo hẻm núi ở ngay phía dưới con đường.


Khánh Chi (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 3: Áp sát mục tiêu

 

Đột kích Cabanatuan - Kỳ 1: Nơi giam cầm tù nhân chờ chết
Đột kích Cabanatuan - Kỳ 1: Nơi giam cầm tù nhân chờ chết

Cabanatuan từng là nhà tù lớn của phát xít Nhật ở Philíppin để giam giữ các tù binh chiến tranh của quân đồng minh và dân thường. Những tù nhân ở đây phải đối mặt với điều kiện sống khổ cực như bệnh tật, bị tra tấn dã man và thiếu thốn lương thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN