Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng: Kỳ cuối: Thất bại trong vinh quang

Có những mất mát, có những hy sinh, nhưng những gì mà Jimmy Doolittle và đồng đội của anh làm được trong trận trả đũa này đã giúp nước Mỹ và quân Đồng minh lấy lại được khí thế; làm cho phát xít Nhật một phen hoảng hồn…

Các máy bay B-25 bị thiếu nhiên liệu trầm trọng khi họ bay ra khỏi không phận Nhật Bản. Nhưng rồi nhờ bay xuôi theo chiều gió nên những chiếc máy bay này đã bay thêm được vài trăm km. Nhờ may mắn này mà hầu hết các máy bay tham gia trận đột kích bay đến được bờ biển Trung Quốc. Tuy vậy, khó khăn chưa phải là đã hết khi việc hạ cánh của những chiếc máy bay này vẫn còn vô vàn chông gai do thời điểm đó tại bờ biển Trung Quốc đang có một trận bão lớn. Do mức độ tuyệt mật của trận đánh, cộng thêm những lúng túng thường xuất hiện trong những chiến dịch tác chiến tầm xa, người Mỹ đã không tiến hành bất cứ công tác chuẩn bị nào để thu hồi các máy bay ở Trung Quốc. Sự thật thì các sân bay không bao giờ được chuẩn bị, kiểm tra hoặc tiếp tế như kế hoạch. Các phi công đã bay bằng niềm tin ở Chúa…


Các phi công được lính Trung Quốc vớt lên từ biển.


Các nhà hoạch định kế hoạch ở Oasinhtơn cũng phạm phải một sai lầm ngớ ngẩn khi quên rằng các con tàu sẽ phải mất một ngày (14/4) để vượt qua đường chuyển ngày quốc tế, khiến các máy bay đến Trung Quốc sớm hơn dự tính một ngày. Bởi sai sót này, khi một số máy bay bay đến sân bay Chuchow - dự kiến là căn cứ tiếp nhiên liệu chính cho họ - còi báo động vang lên và các bóng đèn phụt tắt.

Sau cùng, 11 trong số các tổ lái phải chọn giải pháp bỏ máy bay. Thomas Griffin, hoa tiêu trên máy bay số 9 kể lại giây phút “hạ cánh” của các chiến binh vừa hoàn thành sứ mệnh: “Cửa dưới bụng máy bay được mở ra và lần lượt từng người một nhảy ra ngoài qua một lỗ đen. Nhảy dù vào ban đêm trong cơn bão là một trải nghiệm mà mọi người không bao giờ quên”. Chỉ có Doolittle trước đây đã từng nhảy dù nhưng lần nào anh cũng bị thương. Lúc thì gãy xương vai, gãy chân, vỡ xương bánh chè, hoặc mắt cá chân. Trong lần nhảy dù đặc biệt này, thật may mắn là tất cả mọi người đều tiếp đất an toàn ngoại trừ một người: Leland Faktor, kỹ sư sửa chữa kiêm pháo thủ của máy bay số 3, đã chết.

Bốn trong số các máy bay B-25 khác bị đâm xuống đất, ba chiếc lao xuống nước và một chiếc rơi xuống cánh đồng lúa. Phi hành đoàn trên các máy bay số 2 và số 5 không bị thương tích gì, nhưng William Dieter và Donald Fitzmaurice, tổ lái trên máy bay số 6 bị chết đuối ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Bốn trong số các thành viên của máy bay số 7 bị thương nặng, còn phi công Lawson bị gãy chân. Anh đã được Thomas White- pháo thủ của máy bay số 15, người trước đây đã tốt nghiệp trường y của Đại học Harvard- băng bó.

Bị bắt làm tù binh chiến tranh.

Máy bay số 8, do tiết kiệm được nhiên liệu trong toàn bộ chuyến bay nên có thể bay đến tận Vladivostok, Nga, thay vì hạ cánh xuống Trung Quốc. Các thành viên của phi hành đoàn hạ cánh an toàn, nhưng bị giam ở Nga trong hơn một năm trước khi chạy trốn vào vùng núi rồi tìm đường sang Iran vào cuối tháng 5/1943.

Tám thành viên của hai máy bay số 6 và 16 sớm bị quân Nhật bắt được. Ba người bị xử tử trong tháng 10/1942 sau một phiên xét xử lấy lệ. Một người bị chết đói trong tù và bốn người khác tiếp tục phải sống trong những điều kiện hãi hùng – tra tấn, bệnh tật, biệt giam – cho đến tận ngày họ được cứu vào tháng 8/1945.

Với sự giúp đỡ của người dân địa phương ở Trung Quốc, hầu hết các phi hành đoàn tham gia trận đột kích đều tìm được đường về nước một cách an toàn và sớm quay trở lại phục vụ quân ngũ. Thành phố Trùng Khánh bị phát xít Nhật ném bom hơn 100 lần trong thập kỷ trước và những người dân ở đây đã rất vui khi có ai đó giúp họ trả thù. Nhưng quân Nhật muốn lấy oán báo oán và điên cuồng tàn sát bất kỳ ai có thể đã giúp các phi công Mỹ; 250.000 dân thường vô tội đã bị sát hại.
Hai ngày sau trận đột kích, Doolittle ngồi bên cạnh chiếc B-25 của anh mà nay chỉ còn là một đống sắt vụn trên một sườn đồi ở Trung Quốc. Anh không hay biết điều gì đã xảy ra với số phận của 75 phi công khác. Trận đánh là “một thất bại hoàn toàn”, anh nói với Paul Leonard, kỹ sư sửa chữa kiêm pháo thủ của anh. Anh tâm sự thêm rằng không quân “sẽ không bao giờ giao cho tôi lái một máy bay khác”. Anh nghĩ anh sẽ bị giáng cấp và thậm chí có thể còn bị đưa ra tòa án binh và phải ngồi tù. Nhưng Leonard lại không cho là như vậy. “Khi anh về nước, anh sẽ được phong quân hàm cấp tướng. Và lúc đó họ sẽ tặng cho anh Huân chương danh dự của Quốc hội”. Đó chính xác là những gì đã diễn ra sau này.

“Tôi ngả mũ kính cẩn trước Jimmy và phi đội anh dũng của anh… Trận đánh của họ là một trong những hành động gan dạ nhất trong toàn bộ lịch sử quân sự” - Đô đốc William Halsey đã cất lên những lời cảm động như vậy khi nói về trận đột kích của Jimmy Doolittle.

Không chỉ có người Mỹ ca ngợi chiến công của Jimmy Doolittle mà ngay cả người Nhật cũng phải thừa nhận trận đột kích này đã giáng một đòn mạnh vào phát xít Nhật vốn lúc đó đang dương dương tự đắc là “vô đối”. “…Trận đột kích cho thấy một điều rõ ràng rằng nước Mỹ trong tình thế tuyệt vọng giờ đây đang tìm lại được chính mình…” - tờ Thời báo và Quảng cáo của Nhật Bản số ra ngày 22/4/1942 công khai nhận xét.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng: Kỳ 3: Ba mươi giây trên bầu trời Tôkyô
Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng: Kỳ 3: Ba mươi giây trên bầu trời Tôkyô

Người Mỹ không lường trước được một sự cố nhỏ xảy ra trong trận đột kích và sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ chiến dịch, khiến cho hải quân Mỹ phải gánh chịu những tổn thất không đáng có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN