"Đội quân ma"

"Đội quân ma" - Kỳ cuối: Hư hư, thực thực

Trước hết, Mỹ cũng đào tạo các chiến binh nghệ sĩ một cách thông thường. Sau đó, những chiến binh này được đưa sang Anh. Người Anh có kinh nghiệm trong việc sử dụng những vũ khí giả và giúp những người lính đặc nhiệm này hoàn thiện nốt những kỹ năng trong khóa học. Hàng tuần liền, các học viên không chỉ học lăn lê, bò toài qua các địa đạo hoặc luyện tập tấn công, mà còn trang trí các đạo cụ giả mà cách xa 100 m trông vẫn giống như thật.

Giả và thật. Tấm ảnh được chụp tháng 12/1945, cho thấy phía bên phải là một chiếc xe tăng cao su được sản xuất tại Mỹ, có thể được bơm phồng lên trong vòng 20 phút. Bên cạnh là một chiếc xe tăng thật của Mỹ loại Mark IV.


Vài tuần lễ sau ngày đổ bộ lên Normandie, hầu hết các đại đội của "Đội quân ma" được đưa lên tàu sang Pháp. Masey cho biết, khi đơn vị anh tới bãi biển Omaha huyền thoại, nơi quân đồng minh đổ bộ ngày 6/6/1944, anh thấy: "Mọi việc tương đối yên tĩnh. Nhưng tôi vẫn sợ. Vì chúng tôi đang ở giữa cuộc chiến tranh, mà chỉ có vũ khí giả. Và nhiệm vụ của chúng tôi là thu hút hỏa lực địch vào phía mình".

Bởi vì trong tổng cộng 21 chiến dịch, "Đội quân ma" luôn hoạt động theo một mô hình, đó là đảm nhận vai trò của những sư đoàn khác nhau của tập đoàn quân 12 của Mỹ, một đơn vị không hề tồn tại. Bằng cách này, các đơn vị quân đội giả thu hút sự quan tâm của quân đội Đức, làm họ xao nhãng trọng tâm thực sự của chiến dịch, làm cho chiến dịch có yếu tố bất ngờ.

Đây không phải là một hoạt động không nguy hiểm: Vì nếu sự giả mạo bị phát giác, đội quân giả này ngay lập tức sẽ bị đánh bại, mặc dù họ cũng có một số xe tải và đôi khi cũng có một xe tăng thật, cố tình đi lại nghêng ngang và để lại dấu vết. Nhưng các binh sĩ thì không hề có kinh nghiệm chiến đấu cũng như không được trang bị đầy đủ cho cuộc chiến. Jack Masey kể: "Để tự vệ, chúng tôi chỉ có vũ khí thông thường".

Một sự giả mạo tuyệt vời

Đội quân giả này dựa hoàn toàn vào vũ khí riêng, thông minh của mình mà họ đem ra sử dụng lúc trời tối. Từ những chiếc loa phóng thanh vang lên những âm thanh dồn dập như xe tăng đang chạy, xe tải phanh gấp, tiếng người í ới. Dùng hiệu ứng âm thanh và ánh sáng để giả đạn pháo cao sạ. Xe bánh xích chạy quanh để lại những dấu vết như của xe tăng trong bụi. Liên lạc vô tuyến dồn dập, nhiều lúc không được mã hóa cho thấy như đây là các sư đoàn thiện chiến.

Vũ khí giả không chỉ được dùng trong Thế chiến II. Giờ đây, Công ty RusBal của Nga gần Mátxcơva vẫn chuyên môn hóa vào việc sản xuất những vũ khí... cao su cho thị trường Nga và thị trường quốc tế. Trong ảnh: Một công nhân đang thổi phồng mô hình một chiếc xe tăng T-72B của Nga. Tiền cảnh là mô hình một chiếc máy bay chiến đấu SU-27. Ảnh chụp năm 2009.


Thật khó đánh giá hiệu quả thực của các chiến dịch này, nhưng ít nhất thì quân Đức cũng thường bắn về phía các loa phóng thanh và trận địa giả hoặc tăng quân để phòng thủ. Việc làm giả tốt tới mức làm cho nhiều đơn vị quân đội Mỹ phải lúng túng vì họ không được thông tin về "Đội quân ma" này. Một thiếu tá quân đội Mỹ có lần đã giận dữ hỏi các binh sĩ về những chiếc xe tăng, mà đêm ông ta còn nghe tiếng, nhưng bây giờ thì chẳng thấy đâu. Những chiếc xe tăng mà họ rất cần để bảo vệ mạng sống cho họ.

Ngược lại, Jack Masey không phải tin hoàn toàn vào sự ngụy trang của đơn vị mình. Trong một chiến dịch gần thành phố biển Brest, đại đội của anh đã bị bắn, nhưng không nhiều như anh nghĩ. Anh cho rằng quân đội Đức đã phát hiện ra trận địa giả nên không quan tâm lắm.

Cũng vì một lý do khác nữa mà "Chiến dịch Brest" không thành công. Một báo cáo nội bộ sau này tự khen là việc làm giả "rất xuất sắc", nhưng một đơn vị của "Đội quân ma" đã làm cho quân đội Đức tin rằng Mỹ sẽ tấn công đúng ở vị trí mà sau này, sư đoàn "thực sự" cũng đã tấn công. Khi tấn công pháo đài này, Mỹ đã thiệt hại gần 10.000 quân.

Thành công lớn bên sông Rhein

Nhưng đối với Jack Masey, đó là một cuộc chiến tranh kỳ lạ, không đổ máu. Nhà báo Kneece cũng viết, tổng cộng chỉ có 2 binh sĩ của "Đội quân ma" bị chết trong các cuộc tấn công của quân đội Đức. Không một đơn vị nào sống an toàn hơn, vì họ không thể chiến đấu trực tiếp. Vì vậy, hầu hết thời gian binh sĩ Mỹ đóng kịch. Họ tìm cách lừa những kẻ hợp tác với Đức Quốc xã hoặc gián điệp của chúng. Vì vậy, họ đi vào các thành phố, nói chuyện với dân bản xứ, đi vào các quán bar, tung tin đồn và suốt thời gian đó đeo huy hiệu của đúng đơn vị mà họ phải đóng giả. Cả biển số của xe Jeeps cũng được sửa đổi cho phù hợp.

Nhưng đơn vị này có lẽ thành công nhất trong chiến dịch cuối cùng. Tại vùng Viersen bên sông Rhein, Đức, vào tháng 3/1945, họ đã sử dụng đồng thời cả một kho vũ khí giả. Một đội quân gồm 600 xe tăng cao su và đại bác làm giả như họ chuẩn bị vượt sông Rhein tấn công, thậm chí họ còn làm giả tiếng động của việc lắp cầu phao. Trên thực tế, cuộc tấn công vượt sông Rhein đã diễn ra ngày 23/3/1945 tại Wesel ở phía Bắc. Trong chiến dịch này, quân đồng minh vấp phải ít sự kháng cự, có lẽ trước đó, các đơn vị quân đội Đức phải chuẩn bị tinh thần đối phó với "Đội quân ma".

Văn Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Đón đọc số tới: Sự thật về Eva Braun, người tình của Hitler

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN