Điệp viên huyền thoại trong trận Trân Châu Cảng(Kỳ 1)

Ngày 27/3/1941, con tàu Nitta Maru của Nhật Bản cập cầu tàu số 8, gần tháp Aloha nổi tiếng ở Honolulu trên đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii (Mỹ). Hòa vào dòng người lên đảo là một thanh niên trẻ, dáng người mảnh khảnh, được một quan chức của tòa lãnh sự Nhật Bản ra đón. Phó Tổng lãnh sự Oto jiro Okuda hướng dẫn người thanh niên 29 tuổi, Tadashi Morimura (tên thật là Takeo Yoshikawa), làm thủ tục hải quan và lái xe đưa anh ta về tòa nhà hai tầng của lãnh sự quán trên đại lộ Nuuana. Ở đó, Morimura đã gặp Tổng lãnh sự Nagao Kita. Anh ta được bố trí ở trong một căn phòng trong khuôn viên của tòa lãnh sự và được đặt tước hiệu là Quan Chưởng ấn nhưng chỉ Kita và Okuda biết được nhiệm vụ thật của Morimura: Thu thập tin tức tình báo phục vụ cho trận đột kích Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941.


Kỳ 1: Gián điệp quân sự dưới vỏ bọc ngoại giao



Takeo Yoshikawa là một thiếu úy thuộc lực lượng dự bị của hải quân Nhật Bản. Là một cử nhân được cấp bằng danh dự năm 1933 của trường Đại học Hải quân Hoàng gia Nhật Bản, Yoshikawa có một thời gian ngắn làm việc ở nước ngoài trên một tàu chiến, sau đó trải qua các khóa huấn luyện về tàu ngầm và hoa tiêu. Hai năm sau khi xuất ngũ, Yoshikawa được tuyển dụng vào làm việc ở Cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu. Trong 4 năm sau đó, viên sĩ quan trẻ này được học tiếng Anh, nghiền ngẫm vô khối tài liệu về hải quân Mỹ và các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Cuối năm 1940, Yoshikawa được điều đến hoạt động ở Hawaii.


Ở đó, dưới vỏ bọc của nhà ngoại giao Morimura, anh ta được giao nhiệm vụ thu thập tin tức về tình trạng và vị trí neo đậu của hạm đội của Mỹ để báo cáo về Tôkyô thông qua những bức điện được mã hóa. Nhiệm vụ này là một phần của kế hoạch do Chỉ huy trưởng hạm đội thuộc Isoroku Yamamoto vạch ra tháng 1/1941. Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay vào Hawaii để giải quyết những mâu thuẫn đang ngày càng tăng lên giữa Mỹ và Nhật Bản. Yoshikawa là gián điệp quân sự duy nhất của Nhật Bản làm nhiệm vụ ở đây nên những thông tin của Yoshikawa về Oahu được coi là vô giá.





Yoshikawa bắt đầu bằng việc làm quen với những hòn đảo chính ở Hawaii và những căn cứ quân sự, mà địa điểm chính là đảo Oahu. Để thu thập tin tức tình báo, anh ta thường xuyên thuê một chiếc xe taxi và nhờ John Mikami - một người Hawaii gốc Nhật Bản làm những công việc lặt vặt cho tòa lãnh sự - điều khiển. Cũng có lúc nhân viên phản gián này sử dụng một chiếc xe Ford đời 1937 do Richard Kotoshirodo, một nhân viên người Mỹ gốc Nhật Bản, điều khiển. Yoshikawa không mất quá nhiều thời gian để tìm ra những căn cứ của hải quân và lục quân Mỹ đóng ở khu vực trung tâm, phía nam và phía đông của đảo Oahu. Đặc biệt, địa điểm thu hút sự chú ý của viên gián điệp này là Trân Châu Cảng, nơi neo đậu của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.


Khi Tổng lãnh sự Kita giới thiệu cho Yoshikawa một phòng trà theo phong cách Nhật Bản nằm trên đồi Alewa, ngay phía bắc của khu vực trung tâm Honolulu, viên sĩ quan tình báo này biết ngay rằng, đó là một vị trí hoạt động lý tưởng. Giá trị về mặt tình báo của phòng trà này chính là ở khả năng quan sát từ tầng hai của nó. Từ cửa sổ của phòng trà, Yoshikawa có thể quan sát được đảo Ford nằm ở trung tâm của Trân Châu Cảng, chỉ cách đó khoảng 6 dặm về phía tây. Ngay bên trái, sát với căn cứ hải quân là sân bay Hickam của lục quân Mỹ. Phòng trà còn trang bị cả kính viễn vọng để thuận tiện cho việc quan sát.


Yoshikawa đã khôn ngoan không lạm dụng bất kỳ vị trí hay biện pháp quan sát nào khi anh ta tiến hành theo dõi các hoạt động ở Trân Châu Cảng và sân bay Hickam. Thỉnh thoảng, Yoshikawa còn hóa trang thành một lao động nước ngoài rồi bắt xe buýt tới những cánh đồng mía ở Aiea, phía bắc của hai căn cứ này. Từ những sườn dốc khác cạnh đó, anh ta có thể phóng tầm mắt quan sát những cơ sở tàu ngầm trong cảng.

Để giấu mình, Yoshikawa tránh việc xâm nhập bất hợp pháp vào các cơ sở quân sự hay đánh cắp những tài liệu mật. Anh ta không dùng máy ảnh hay giấy tờ để ghi chép mà chỉ dựa vào trí nhớ. Dần dần, Yoshikawa đã nắm được các phương thức hoạt động quân sự trên đảo. Theo đó, tất cả các tàu quân sự của Mỹ đều quay về cảng dịp cuối tuần. Trong khi đó, việc tuần tra hàng không thì lại bỏ qua khu vực sườn bắc của đảo Oahu. Những tin tức quan trọng này sau đó được mã hóa và chuyển về để chuẩn bị cho trận đột kích Trân Châu Cảng.


Mối đe dọa đang ngày một tăng của trục phát xít đã khiến cho giới chức Mỹ phải tăng cường hoạt động gián điệp ở cả khu vực nội địa và quần đảo Hawaii. Các tờ báo địa phương đưa tin, cảnh sát ở Honolulu đã thành lập Cục Phản gián theo yêu cầu của FBI. Ngay sau đó, các nhân viên FBI đã để mắt đến 234 nhân viên của lãnh sự quán Nhật Bản tại Hawaii. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã ra lệnh phong tỏa các tài sản của Nhật Bản ở Mỹ, cấm các tàu thuyền của Nhật vào các cảng của Mỹ và cấm người Mỹ buôn bán xăng dầu với Nhật Bản. Khi các tòa lãnh sự của Đức và Italia tại quần đảo này bị đóng cửa cũng là lúc Nhật Bản lo ngại lãnh sự quán của nước này sẽ là mục tiêu tiếp theo. Điều này chắc hẳn sẽ giáng một đòn mạnh vào kế hoạch đột kích Trân Châu Cảng của Nhật Bản.


Đình Vũ (|Tổng hợp)
Điệp viên huyền thoại trong trận Trân Châu Cảng (Kỳ cuối)
Điệp viên huyền thoại trong trận Trân Châu Cảng (Kỳ cuối)

Đến tháng 9, từ những tin tức tình báo thu lượm được, Nhật Bản đã hình thành bức tranh tổng thể về các mục tiêu ở Oahu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN