Dấu ấn Bác Hồ tại Boston, Hoa Kỳ

Thành phố Boston thuộc bang Massachussetts (Mỹ) có một khách sạn đã đi vào lịch sử với biết bao sự kiện từ hơn một thế kỷ nay. Đó là khách sạn Omni Parker được xây dựng từ năm 1855 theo kiểu kiến trúc lâu đài cổ của Anh, cao 7 tầng và tọa lạc ngay khu trung tâm sầm uất của Boston. Cửa chính của khách sạn có gắn tấm biển ghi dòng chữ: “Tại khách sạn Omni Parker, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc như một người chạy bàn. Tổng thống J.F. Kennedy đã tuyên bố tranh cử tổng thống. Nhà văn Charles Dickens đã viết những tác phẩm nổi tiếng...”.

Kể từ khi được xây dựng, trải qua bao thăng trầm và va đập với thiên nhiên, khách sạn Omni Parker tọa lạc trên đường School, thành phố Boston, đã được sửa chữa nâng cấp, duy chỉ có gian bếp nhỏ nằm dưới tầng hầm của tòa nhà thì dường như vẫn giữ nguyên. Đến thăm gian bếp dưới tầng hầm, nơi Bác từng làm việc, chúng tôi nhìn thấy trần nhà chi chít những ống dẫn và xả khí đốt, 4 bức tường màu vàng nhạt bao quanh dãy kệ bánh và miệng lò nướng.

Đồng chí Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh thăm khu bếp nổi tiếng nơi Bác Hồ từng làm việc tại khách sạn Omni Parker House, thành phố Boston ngày 28/10


Giữa phòng là một chiếc bàn dài bằng đá trắng xám, trông giống đá hoa cương, trên có đặt một cái khuôn ép bánh to cùng những chậu bột bánh, cạnh những chiếc bánh được nhồi dang dở. Chiếc bàn đã bị vỡ mảnh bằng bàn tay ở góc phải trong cùng, dấu vỡ hơn trăm năm đã không còn cạnh sắc nữa. Trao đổi với Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh, nhân chuyến thăm của đồng chí tới khách sạn hồi tháng 10 vừa qua, ông David W.Ritchie, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của khách sạn Omni Parker House - cho biết năm xưa, Bác Hồ đã làm việc trên chính chiếc bàn đá này. Và để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban quản lý khách sạn vẫn trân trọng lưu giữ, sử dụng chiếc bàn từ ngày ấy đến giờ.
 
Một điều thú vị là ngày nay ở nơi đây cũng có một người thợ làm bánh đến từ Việt Nam. Chị Trần Xuân Tươi, người phụ nữ sinh ra ở Trà Vinh, miền Tây Nam Bộ, tự hào cho biết gần 20 năm qua chị làm chính loại bánh kem mà Bác Hồ năm xưa làm trên chiếc bàn đá mẻ. Chị Tươi cho biết thêm chiếc bàn đá mang trong mình câu chuyện về Bác Hồ và nhiều năm qua đã trở thành đề tài nhận được sự quan tâm của cả không chỉ du khách người Việt mà các du khách quốc tế khi đến tham quan du lịch Boston.
 
Chủ đề này cũng được nhiều hãng truyền thông Mỹ và quốc tế đưa tin, viết bài. Theo chị, đã có có nhiều nhà khảo cổ và viện bảo tàng muốn mua lại chiếc bàn đá này, song Ban giám đốc khách sạn từ chối với lý do "chiếc bàn đó là đồ dùng để làm việc của một vị lãnh đạo xuất chúng và là một nhà văn hóa lớn của thế giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có một thời gian làm việc tại khách sạn của họ. Do đó đây còn là nhân chứng vô giá của lịch sử".

chiếc bàn đá mang trong mình câu chuyện về Bác Hồ và nhiều năm qua đã nhận được sự quan tâm của du khách khi đến Boston.


Đến thăm Omni Parker House, du khách như được hòa mình trong không gian của thành phố Boston cổ kính với những bức tường gỗ sồi sơn màu nâu sẫm và những tay nắm cửa màu ánh đồng. Ở đây, du khách dễ dàng cảm nhận được hơi thở của thời gian đang lắng đọng bên những chiếc đèn chùm cổ bằng pha lê, những chiếc bàn ăn bằng đá mài.
 
Qua những pho tượng, bức ảnh treo trên các bức tường, du khách được biết rằng nơi đây đã từng là địa điểm hội tụ của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Mỹ, trong số đó có nhà thơ Ralple Waldo Emernon... Omni Parker House cũng là nơi chứng kiến nhiều cuộc hội đàm, cuộc gặp gỡ tay đôi của các chính trị gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Và cũng chính tại nơi đây, dòng họ John F. Kennedy đã đặt đại bản doanh để mở cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ vào những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX. Omni Parker House còn là nơi trú ngụ của danh nhân người Mỹ Malcolm Little (Malcolm X), một nhà hoạt động chống nạn phân biệt chủng tộc nổi tiếng. Trước đó vào những năm 1940 - 1950, ông đã từng làm nhân viên hầu bàn tại khách sạn.
 
Đến giữa thập niên 1980 - 1990, Denyce Graves - danh ca dòng nhạc opera hàng đầu thế giới - từng là người trực điện thoại ca đêm tại đây. Và cái tên và hình ảnh của người thanh niên yêu nước lấy tên là Văn Ba năm đó xuất hiện trên những bài viết được đóng khung trang trọng treo trên tường viện bảo tàng của khách sạn. Trên những tấm giấy đã úa vàng màu thời gian, chúng tôi đọc được bài viết của tác giả Mary Billingsley có đoạn: "Trong suốt thời gian dài của những năm đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại tiệm bánh của Omni Parker House.
 
Cũng trong thời gian này, Người còn theo học tại Viện Công nghệ Massachussetts (MIT). Ngày ấy, người thợ bánh mang chí tiến thủ đạp tuyết giữa mùa đông giá lạnh ở Boston, ngày ngày đi bộ mấy dặm đường để đến Trường MIT gần bờ sông Charler". Một bài viết khác cũng từ rất nhiều năm trước của của nhà báo Susan Wilson của tờ Boston Globe thì có đoạn: “Thật thú vị để lưu ý rằng, một nhà cách mạng trứ danh là lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng dành thời gian làm việc như là một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của Omni Parker House từ năm 1911 đến năm 1913. Vị đầu bếp đặc biệt ấy đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này...”.

Chị Trần Xuân Tươi (Trái) và phóng viên TTXVN bên chiếc bàn đá nổi tiếng nơi Bác Hồ từng làm bánh.
 
Lịch sử nước Mỹ ngày nay đã vinh danh TP Boston là một trong những thành phố cổ kính nhất nước Mỹ, là nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập cho nước Mỹ, nơi được xem như cái nôi của cách mạng Mỹ. Trong thời gian Bác Hồ lưu lại thành phố này, tại đây hầu như ngày nào cũng diễn ra các cuộc tuần hành, biểu tình đòi điều kiện sống và làm việc tốt hơn là chủ đề đối thoại hằng ngày - từ phong trào của các nhà nữ quyền Suffragettes đòi quyền bỏ phiếu cho đến cuộc đấu tranh của các tổ chức nghiệp đoàn vì điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ trong các nhà máy.
 
Sử sách ghi lại rằng thời gian sống và làm việc ở Hoa Kỳ là thời điểm mà Bác Hồ đã nghiên cứu lịch sử, tính cách cũng như các phong tục tập quán, truyền thống văn hóa các dân tộc và cộng đồng nước Mỹ. Người cảm kích và trân trọng cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Mỹ. Và trong Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số câu trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, đề cập đến quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mọi người và coi đó là quyền bất khả xâm phạm.v

 

Bài và ảnh: Nhóm p/v TTXVN tại New York
Họa sỹ Công giáo vẽ hàng trăm bức tranh về Bác Hồ
Họa sỹ Công giáo vẽ hàng trăm bức tranh về Bác Hồ

Họa sỹ Trần Hòa Bình, ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đã dành 45 năm cuộc đời để vẽ tranh về Bác Hồ. Hơn 700 bức tranh về Bác là tâm huyết, sự kính trọng, tình yêu thương của ông đối với vị cha già dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN