Cuộc vượt ngục vĩ đại

Cuộc vượt ngục vĩ đại-Kỳ 2: Tổ chức mang mật danh “X” và ba đường hầm

Một tù binh là sĩ quan cao cấp người Anh nhận thấy rằng, để thoát ra được bên ngoài nhà tù, họ cần phải có một kế hoạch được tổ chức bài bản bởi nhà tù này được canh gác rất nghiêm ngặt. Anh đã thành lập một tổ chức mang mật danh “X”. Đứng đầu tổ chức này là trung tá Roger Bushell, người mang bí danh là “X Lớn”. Trước chiến tranh, anh là một luật sư tài năng. “X Lớn” thành lập một ủy ban bao gồm các chuyên gia và họ quyết định đào ba đường hầm với hy vọng rằng ít nhất một trong số ba đường hầm này sẽ giúp họ vượt ngục thành công.

Một trong ba đường hầm.


Để đảm bảo bí mật, họ quyết định đặt cho ba đường hầm này tên là Tom, Dick và Harry. Tom nằm cách lớp hàng rào dây thép gai về phía tây khoảng 30 m. Lối dẫn xuống đường hầm được đào qua lớp bê tông nằm ngay bên ngoài cửa bếp. Dick được bắt đầu từ một căn nhà gỗ nằm cách hàng rào xa hơn, trong một bể phốt ở chính giữa nền khu vực vệ sinh. Các tù binh người Ba Lan chịu trách nhiệm đào tất cả các cửa dẫn xuống đường hầm đã tháo lớp lưới thép của bể phốt, rồi sau đó cắt một bên của bể chứa làm thành một cánh cửa có thể nhấc ra nhấc vào được. Đường hầm được đào từ phía sau cánh cửa này. Lúc không đào, bể phốt này vẫn có thể sử dụng được bình thường. Cửa của đường hầm Harry được làm phía dưới một bếp lò. Bếp lò này được xây cất trên một diện tích được lợp ngói rộng gần 1 m2. Bếp lò và các viên ngói được tháo hết ra và một khung gỗ được dựng lên để lợp ngói lại. Khung gỗ này được lắp ráp lại với nhau một cách hết sức khôn ngoan, vì thế mà toàn bộ phần che phủ bên trên cửa dẫn xuống đường hầm có thể được xê dịch một cách dễ dàng. Để giữ cho lửa luôn cháy khi cửa đường hầm được mở, những người tù đã sử dụng các vỏ đồ hộp để nối bếp lò với ống khói.

Lớp hàng rào bảo vệ nhà tù.


Khi vị trí các cửa đường hầm được xác định xong, các tù nhân liền bắt tay vào việc đào đường hầm. Họ quyết định đào đường hầm cách mặt đất hơn 7 m để tránh bị các thiết bị phát hiện âm thanh đặt dưới lớp hàng rào thép gai ngoài cùng phát hiện ra. Các đường hầm phải được chống bằng các cọc gỗ bởi đất ở đây là loại đất cát, rất dễ bị sạt lở. Dưới đáy mỗi đường hầm, các tù nhân tiến hành đào ba gian phòng, một phòng để chứa cát đợi mang đi đổ, một phòng để đặt ống thông hơi và phòng còn lại để làm nơi tụ tập. Đường hầm rộng khoảng 0,7 m. Các tấm ván dùng để chống đường hầm được làm từ những chiếc dát giường. Khi các đường hầm được đào ngày một dài hơn cũng có nghĩa là họ cần có thêm các tấm ván để chống. Do đó, khoảng cách giữa các tấm dát giường của các tù nhân trở nên rộng hơn, khiến họ nằm rất khó khăn. Tổng số có khoảng 4.000 tấm như vậy đã được sử dụng và một số người tù sau này đã biến giường của họ thành… võng.

Dát giường được huy động để chống hầm.


Làm thế nào giải quyết được số cát đào ra? Nếu bọn lính Đức phát hiện thấy cát mới, chúng sẽ sinh nghi và kế hoạch sớm muộn cũng sẽ bị lộ. Vì vậy, một điều quan trọng là phải xử lý cho được số cát đào ra. Những người tù càng khó xử lý số cát này hơn khi cát được đào ra có màu trắng, trong khi đó đất trên bề mặt là loại đất sét có màu hơi đen, cho nên chỉ cần một nhúm cát mới rải trên mặt đất cũng có thể bị phát hiện ngay lập tức. Một tù nhân là sĩ quan cao cấp được giao trách nhiệm xử lý chỗ cát đào ra này. Anh tập hợp một nhóm khoảng 50 người với mật danh là “Chim cánh cụt”, cùng hiến kể để tìm ra phương pháp giấu cát. Do lực nén ở dưới độ sâu, thỉnh thoảng tại các đường hầm lại xảy ra những vụ lở cát. Do đó, cứ mỗi mét đường hầm có khoảng một tấn cát được thải ra. Đến khi các con đường hầm được hoàn thành, tổng số cát mà lực lượng này đổ đi là vào khoảng 230 tấn.

Trong số các biện pháp xử lý số cát được đào ra, có một cách tuy chậm nhưng lại rất hiệu quả. Theo cách này, mỗi “chim cánh cụt” đeo hai túi có hình giống như cái xúc xích, làm từ khăn tắm dài khoảng 50 cm, thả lơ lửng xuống bên trong quần và được nối với nhau bằng một sợi dây (lấy từ thùng đựng hàng cứu trợ), rồi quàng vào cổ người tù. Những chiếc túi này được đổ đầy cát với 4 kg mỗi túi. Người làm nhiệm vụ rải cát đi đến chỗ những người đang cuốc vườn, đứng ở trong rãnh đất, xả số cát ra và người làm vườn sẽ lấp chỗ cát đó lại. Công việc này được giữ kín đến mức mà những người tù đã thực hiện được khoảng 18.000 lượt đi lại như vậy. Có thời điểm, theo cách này, cứ một phút họ lại chuyển được 30 kg cát. Mặc dù hoạt động này diễn ra dưới ánh mắt dò xét của những tên lính gác nhưng không một lần nào bị bại lộ.

Một cách xử lý cát khác được họ sử dụng là đổ đầy cát vào một thùng rỗng, đựng đồ cứu trợ của hội Chữ thập đỏ. Sau đó, một nhóm bạn tù ngồi quây quần bên nhau trò chuyện và chôn dần từng nắm cát. Có lẽ biện pháp đỡ vất vả nhất là vào mùa hè, cát được gói vào từng chiếc chăn và những chiếc chăn này sau đó được trải ra trên một bãi đất cát và người tù sẽ nằm trên đó để tắm nắng. Tất cả các cách này tuy chậm nhưng lại rất hiệu quả. Nhóm đào đường hầm đôi khi đào nhanh hơn khả năng xử lý cát của nhóm “Chim cánh cụt” nên công việc đào đường hầm thường bị gián đoạn.

Khánh Chi (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 3: Khai tử một đường hầm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN