Cuộc sống của cộng đồng người Palestine ở các quốc gia Trung Đông

Người Palestine ở Trung Đông cấu thành một cộng đồng đa dạng với ước tính khoảng 7 triệu người. Họ có địa vị và mức độ hội nhập khác nhau, nhưng đa số mong muốn thực hiện giải pháp hai nhà nước và được trở về quê hương.

Chú thích ảnh
Các em nhỏ tại trại tị nạn ở Khan Younis, Dải Gaza, ngày 28/11. Ảnh: THX/TTXVN

Người Palestine tại Trung Đông sống chủ yếu ở Israel, Dải Gaza, Bờ Tây, Jordan, Liban, Syria và Ai Cập.

Nhà nghiên cứu Kelly Petillo tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) chia sẻ với kênh DW (Đức) rằng chưa có con số chính xác về số người Palestine tại các quốc gia Trung Đông và châu Âu. Trong khi đó, Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn Palestine (UNRWA) tuyên bố rằng trong năm nay họ đã hỗ trợ cho khoảng 5,9 triệu người ở 58 trại tị nạn tại Jordan, Liban, Syria, Dải Gaza và Bờ Tây.

Tuy nhiên, UNRWA không hiện diện ở tất cả các nước Arab và không phải tất cả người Palestine đều là người tị nạn. UNRWA cho biết những trường hợp thường trú tại Palestine trong khoảng thời gian từ ngày 1/6/1946 đến ngày 15/5/1948 và những người mất cả nhà cửa lẫn sinh kế do cuộc xung đột năm 1948 đều đủ điều kiện đăng ký làm người tị nạn cùng con cháu của họ. UNRWA cũng cung cấp dịch vụ cho những trường hợp phải di dời do Chiến tranh Sáu ngày ở Israel năm 1967.

Trong xung đột năm 1948 xung quanh việc thành lập Israel, ước tính có khoảng 700.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc chạy trốn khỏi khu vực ngày nay là Israel. Người Palestine gọi sự kiện này là Nakba, tiếng Arab có nghĩa là “thảm họa”. Cho đến ngày nay, nhiều người tị nạn Palestine ở nước ngoài không có quốc tịch và vẫn yêu cầu được quay trở lại.

Ông Peter Lintl tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, phân tích: “Mưu cầu quyền trở về đã trở thành dấu ấn trung tâm của bản sắc Palestine”. Bên cạnh đó, bà Petillo bổ sung rằng mặc dù quyền trở về đã được đưa vào Nghị quyết 3236 của Liên hợp quốc từ năm 1974 và trong Công ước Geneva năm 1951, nhưng nó không còn đóng vai trò nổi bật trong đàm phán ở Oslo năm 1994 và “vắng mặt” trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về xung đột giữa người Palestine và Israel.

Dưới đây, kênh DW đã tổng hợp lại những địa điểm ở Trung Đông nơi có cộng đồng người Palestine đông đảo.

Liban

Theo UNRWA, tính đến tháng 7 năm nay, ước tính có khoảng 250.000 người tị nạn Palestine đang ở Liban và 80% trong số đó sống dưới mức nghèo khổ. Nhưng cũng có ước tính khác cho thấy có gần 500.000 người tị nạn Palestine tại Liban. Khó có một con số chính xác bởi Liban đã không thực hiện điều tra dân số trong gần 100 năm. 

Jordan

Chú thích ảnh
Một trại tị nạn cho người Palestine của UNRWA tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 1/11. Ảnh: THX/TTXVN

Trong chiến tranh Trung Đông năm 1967, khi Israel chiếm giữ Bờ Tây và Dải Gaza, có thêm 300.000 người Palestine đã phải lưu vong, hầu hết là sang Jordan.

Jordan là quốc gia Arab duy nhất cấp quyền công dân cho người Palestine tị nạn trong thời kỳ Nakba. Khoảng 2,3 triệu người đăng ký là người tị nạn Palestine ở Jordan.

Tuy nhiên, Vua Abdullah II của Jordan gần đây vạch rõ rằng nước này sẽ không tiếp nhận thêm người tị nạn Palestine do hậu quả xung đột Israel - Hamas hiện nay.

Ai Cập

Bà Petillo nói: “Tình hình của những người tị nạn Palestine ở Ai Cập là không chắc chắn nhất. Họ sống trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý”. UNRWA không hiện diện tại Ai Cập. Số liệu thống kê về người tị nạn Palestine tại Ai Cập dao động từ 70.000 - 134.000 người.

Ai Cập đã không tiếp nhận người tị nạn từ Gaza trong cuộc xung đột gần đây. Ai Cập lập luận rằng một cuộc di cư hàng loạt khỏi Gaza sẽ đưa các thành viên lực lượng Hamas vào lãnh thổ của họ. Điều đó có thể gây bất ổn ở Bán đảo Sinai, nơi quân đội Ai Cập đã chiến đấu trong nhiều năm chống lại phiến quân Hồi giáo.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi còn quan ngại về viễn cảnh với sự hiện diện của các chiến binh Palestine, Bán dảo Sinai “sẽ trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công vào Israel. Khi đó, Israel có quyền tự vệ và sẽ tấn công lãnh thổ Ai Cập".

Ông El-Sissi còn lập luận rằng nếu một nhà nước Palestine phi quân sự được thành lập từ lâu trong các cuộc đàm phán thì bây giờ sẽ không có xung đột.

Syria

UNRWA điều hành 9 trại tị nạn chính thức và 3 trại tị nạn không chính thức cho 438.000 người Palestine ở Syria. Cuộc nội chiến ở Syria trong 12 năm qua đã khiến tình hình của người tị nạn Palestine trầm trọng hơn và cơ sở hạ tầng viện trợ bị hư hại đáng kể.

Vào năm 2021, khảo sát của UNRWA cho thấy 82% những người nhận hỗ trợ tiền mặt của tổ chức này đang sống trong cảnh nghèo đói và khoảng 120.000 người tị nạn Palestine ở Syria một lần nữa phải tìm nơi ẩn náu ở các nước láng giềng.

Israel, Bờ Tây và Gaza

Theo cơ quan thống kê của chính quyền Palestine, 154.900 người Palestine vẫn ở Israel sau thảm họa Nakba năm 1948. Theo Cục Thống kê Trung ương Israel, đến năm 2020, con số này đã tăng gấp 10 lần lên hơn 1,5 triệu người, chiếm khoảng 17% dân số Israel. Có nhiều thuật ngữ khác nhau dành cho những người Palestine này như "người Arab Israel" hoặc "công dân Arab của Israel".

So với 3 triệu người Palestine ở Bờ Tây và 2,2 triệu người Palestine ở Gaza - hầu hết trong số họ là người tị nạn được UNRWA công nhận - thì các “công dân Arab của Israel” có khác biệt về mặt pháp lý khi khoảng 1,5 triệu người có quốc tịch Israel, nhưng nhiều người sống tại Jerusalem chỉ được coi là thường trú nhân.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Xung đột Hamas - Israel: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp
Xung đột Hamas - Israel: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp

Ngày 29/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp để thảo luận về cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas, cũng như những diễn biến căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Đây là cuộc họp đầu tiên của cơ quan quyền lực nhất LHQ sau khi thông qua một nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas tạm ngừng bắn vì lý do nhân đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN