Cuộc đời tay súng bắn tỉa “bách phát bách trúng” - Kỳ cuối: Kết cục bi thảm

Định mệnh bi thảm của Chris Kyle bắt đầu từ ngày 25/1/2013. Khi Kyle vừa thả lũ trẻ ở trường học và định lái xe ra khỏi bãi đỗ thì một phụ nữ chặn đầu xe và giới thiệu là Jodi Routh, có con trai là Eddie Ray Routh 25 tuổi, từng là lính thủy đánh bộ đang bị chứng sang chấn (PTSD). Bà gặp Kyle vì muốn anh giúp con mình vượt qua chứng căng thẳng này. Kyle tỏ ra thông cảm và bảo bà để lại địa chỉ liên lạc.

Qua lời kể của bà Jodi, anh con trai là người khó hòa nhập, ngỗ nghịch và không tôn trọng giáo viên hồi còn đi học. Về sau, Routh đăng ký làm lính thủy đánh bộ. Mùa hè năm 2006, các tân binh trong đó có Routh lên đường tới Iraq. Routh hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản và được khen ngợi vì có thành tích nổi bật. Anh ta được huấn luyện trở thành chuyên gia sửa vũ khí. Trong thời gian ở Iraq, Routh chứng kiến căn cứ không quân Balad bị dội đạn cối vài lần.

Eddie Ray Routh - thủ phạm giết Kyle.


Tháng 3/2009, Routh trở về Mỹ dự đám cưới em gái. Mặc dù không nói nhiều về cuộc sống ở Iraq nhưng gia đình nhận ra tính cách của anh ta đã thay đổi. Trong đám cưới, Routh uống rượu mạnh cho đến lúc say mềm. Năm 2010, sau khi Haiti bị động đất tàn phá, Routh cùng hàng nghìn lính thủy đánh bộ được cử tới đó làm nhiệm vụ nhân đạo. Cảnh tượng xác người chết hàng loạt khiến Routh bị ám ảnh nặng nề. Anh ta bị chẩn đoán mắc hội chứng PTSD và phải nhập viện. Dù bố mẹ Routh không thấy con có tiến triển nhưng các bác sĩ vẫn cho anh ta xuất viện với một đống thuốc. Routh vẫn thất nghiệp và uống rượu.

Tâm lý của Routh ngày càng bất ổn, đến mức bà Jodi có lần phải gọi cảnh sát để đưa anh con trai vào bệnh viện tâm thần. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn cho Routh xuất viện chỉ vài ngày sau đó cho dù bà Jodi có yêu cầu ngược lại. Ngày đến đón con xuất viện, bà Jodi đã kể cho Routh nghe về Chris Kyle mà bà vừa gặp. Bà ca ngợi Kyle là người có danh tiếng, tốt bụng và thực sự muốn giúp Routh. Bà Jodi kể: “Routh rất vui. Nó có thể cảm nhận rằng một ai đó muốn giúp nó, một ai đó hiểu nó hơn tôi”.

Lễ tang của Kyle tại sân vận động Cowboys.


Sau khi thấy dấu hiệu tâm lý của con đáng lo ngại nhưng bác sĩ nào cũng không đồng ý cho nhập viện, bà Jodi chợt nghĩ đến Kyle. Bà đã tìm cách gặp anh và nói chuyện về con trai mình. Kyle cho biết anh cũng phải vật lộn với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Anh nói rằng có thể đưa Routh đi câu cá, đi săn hoặc vào trường bắn. Kết thúc cuộc nói chuyện, Kyle hứa với bà Jodi sẽ làm mọi thứ có thể để giúp Routh.

Sáng thứ 7, ngày 2/2/2013, sau khi cùng vợ đi xem con trai thi đấu bóng, Kyle và một người bạn là Chad Littlefield đánh xe đón Routh tới một nơi tập bắn súng. Routh rất háo hức mong chờ cuộc đi chơi. Anh ta khao khát có được tình bạn và sự chia sẻ ở Kyle. Ngay trước ngày đi chơi với Kyle và Littlefiel, Routh đã cầu hôn cô bạn gái nhưng rồi họ lại cãi nhau ngay sáng hôm sau, chỉ vài giờ trước chuyến đi tập bắn súng.

Quan tài của tay súng bắn tỉa.


Routh lên xe của Kyle và họ đi tới khu nghỉ dưỡng Rough Creek, nơi Kyle từng tham gia thiết kế một trường bắn rộng ở đó nên được ra vào miễn phí. Kyle đỗ xe trước cổng, để Routh trong xe và cùng bạn vào đăng ký. Rồi họ lái xe vào khu vực bắn súng, cắm một lá cờ đỏ để cảnh báo người khác tránh xa. Kyle đã đặt chỗ cho đến 16 giờ.

Tuy nhiên, đến lúc 16 giờ 55, một hướng dẫn viên trong khu vực bắn súng thấy lá cờ vẫn còn đó. Anh này lái xe tới khu vực của Kyle, nhìn thấy một vài khẩu súng đã được chuẩn bị sẵn nhưng không thấy xe của Kyle đâu. Cách đó một quãng, người hướng dẫn nhìn thấy một vật trông như một cái bao. Khi lái xe tới gần, anh tá hỏa khi phát hiện ra đó là một xác chết. Littlefiled nằm ngửa, có nhiều vết đạn ở ngực, khẩu súng vẫn trong túi quần jeans. Gần đó, Kyle nằm úp mặt xuống đất. Anh bị bắn vào lưng và sau đầu. Máu nhuộm cả chiếc mũ lưỡi trai. Khẩu súng của Kyle nằm lăn lóc trên cát gần đó. Người hướng dẫn gọi 911 rồi lật ngửa Kyle lại để hô hấp nhân tạo nhưng vô vọng. Kyle đã chết.

Khi nhân viên cứu thương và cảnh sát đến Rough Creek lúc 17 giờ, Routh đang lái chiếc xe của Kyle đến nhà một người họ hàng ở Alvarado và gọi điện cho em gái Laura, thông báo mình vừa chia tay bạn gái và sắp đến nhà cô. Laura nói với chồng và bảo nếu Routh nói điều gì điên rồ, cô sẽ gọi cảnh sát.

Chỉ hai mươi phút sau, Routh đã đỗ xe trước nhà em gái. Anh ta khoe vừa có một cái xe mới rồi nói tiếp: “Bọn anh đi đến khu tập bắn. Anh đã giết họ. Chris Kyle và bạn anh ta. Anh đã giết họ. Anh hạ sát họ”. Khi nghe Routh nói, hai vợ chồng Laura không hiểu chuyện gì đang xảy ra và không nghĩ rằng Routh nói thật. Nhưng khi nhìn thấy chiếc xe mà Routh khoe mới mua, Laura không tin rằng anh trai mình có tiền để mua chiếc xe đắt tiền đến thế. Cô ngờ ngợ hẳn là Routh đã giết Kyle và bạn anh ta. Routh lúc đó còn định cho vợ chồng Laura xem hung khí giết người và khi anh ta đang tới chỗ để dụng cụ trên xe, Laura bảo Routh dừng lại vì lo sợ cho bản thân và chồng. Họ khuyên Routh đi tự thú với cảnh sát.

Sau khi Routh vừa đi khỏi, Laura gọi cảnh sát. Khi Routh trở về nhà lúc 20 giờ thì cảnh sát đã chờ sẵn trước cửa. Anh ta lái xe bỏ chạy và bị bắt khi cảnh sát bắn xịt lốp xe của anh ta. Tại đồn cảnh sát, anh ta thú nhận đã giết Kyle và Littlefield. Ngay đêm đó, Routh bị đưa vào nhà giam ở hạt Erath và liên tục bị canh chừng đề phòng tự tử. Động cơ giết người của Routh vẫn chưa được làm rõ dù anh ta đã bị kết án tù chung thân.

Đám tang của Littlefield được tổ chức trước đám tang của Kyle ba hôm. Gần 7.000 người đã tới vĩnh biệt Kyle tại sân vận động Cowboys. Sáng hôm sau, gia đình và bạn bè Kyle tới Austin để dự lễ an táng cấp nhà nước. Đoàn người tham dự kéo dài hơn 300 km.

Sau này, khi bộ phim về cuộc đời Kyle được công chiếu và gây nên cơn sốt ở Mỹ. Nhiều cuộc tranh luận nổi lên khi Kyle được anh hùng hóa trong bộ phim. Họ không tranh cãi về bộ phim mà tranh cãi về bản thân Kyle ở ngoài đời, rằng anh có phải là một anh hùng theo đúng nghĩa hay chỉ là một kẻ khoác lác về các cuộc bắn giết tàn bạo ở Iraq. Một số nhà phê bình cho rằng Kyle thực ra chỉ là một phần trong đội quân Mỹ có mặt ở Iraq và do đó khó có thể được coi là một anh hùng. Còn bên ca ngợi Kyle cho rằng anh là một người hùng vì đã cứu nhiều mạng lính Mỹ. Cuộc tranh cãi về Chris Kyle cho thấy nước Mỹ vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến tại Iraq và quan niệm về chủ nghĩa anh hùng.


Thùy Dương
Cuộc đời tay súng bắn tỉa “bách phát bách trúng”-Kỳ 2:
Cuộc đời tay súng bắn tỉa “bách phát bách trúng”-Kỳ 2:

Trở về Mỹ với nỗi đau nặng trĩu khi nhiều đồng đội thiệt mạng ngay trước mắt mình, người mà kẻ thù coi là “quỷ dữ Ramadi” lại không thể chiến thắng nổi nỗi buồn đau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN