Cuộc chiến truyền thông của phương Tây chống Nga

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và NATO đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công truyền thông chống lại Nga ngay bên trong chính quốc gia này. Đó sẽ là một chiến dịch tuyên truyền chống lại chính phủ Nga mang tên “Chiến lược truyền thông Nhóm phía Đông” mà theo chính phủ Đức, nhân lực cho chiến dịch này đã được sẵn sàng kể từ ngày 1/9/2015.


Ngày 4/11, tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu - Á Benjamin Ziff cho biết Washington sẽ gia tăng các chi phí hoạt động thông tin tuyên truyền chống Nga. Số tiền này dành cho năm 2016 sẽ là 83 tỷ USD. Mệnh lệnh này được trực tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra và đối tượng là nhằm vào Nga.

Giao diện trang web của một Troika của truyền thông Mỹ.

Cuộc chiến truyền thông của phương Tây chống lại Nga nói riêng và các thể chế, tổ chức mà họ coi là đối địch thực tế đã bắt đầu từ rất lâu. Sau sự sụp đổ trong những năm 1990 của Liên Xô cùng sự ra đời của các thể chế tự do mới ở khắp Mỹ Latinh, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, Mỹ - phương Tây đã thiết lập một “phổ chính trị mới” với những khái niệm mới về các quốc gia “đối địch”.

Theo đó, trong suốt 1/4 thế kỷ qua, Mỹ và EU đã chuyển sự tập trung khỏi các đối thủ truyền thống (các nước và phong trào chống tư bản - đế quốc) sang tấn công vào các quốc gia: (1) thực thi chính sách dân tộc chủ nghĩa; (2) phản đối hoạt động can thiệp quân sự, đảo chính; (3) liên kết với các nước không phải cường quốc phương Tây; (4) từ chối tuân theo nghị trình tài chính do Phố Wall và trung tâm tài chính London dẫn dắt.

Các thể chế đế quốc phương Tây (ở đây được hiểu là Mỹ, Canada và EU) đã sử dụng quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế và truyền thông của mình hòng: (1) loại bỏ hoặc hạn chế sự đa dạng trong lựa chọn phương thức phát triển tư bản của từng nước; (2) kiểm soát mối quan hệ nhà nước - thị trường; (3) đảm bảo sự phục tùng nhờ hoạt động xâm lược quân sự, chiếm đóng và trừng phạt kinh tế chống lại các quốc gia đối địch.

Nhóm Troika truyền thông

Những tờ báo tài chính hàng đầu của Mỹ, Anh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cuộc chiến truyền thông hiện nay gồm có: The Wall Street Journal, New York Times và Financial Times. Bộ ba Troika này đã tham gia vào sân khấu chính trị quốc tế trong vai trò là những vũ khí tuyên truyền cho các chính phủ tư bản tại Mỹ và EU. Mục tiêu là hòng áp đặt hoặc duy trì sự phụ thuộc của các nước khác vào “mẫu quốc” về kinh tế và điều phối nhu cầu của các nước này với những thể chế tài chính phương Tây.

Bộ máy tuyên truyền của Troika không chỉ phản ánh lợi ích và chính sách của tầng lớp tinh hoa các nước phương Tây mà còn góp phần định hình chính sách thông qua những bài phóng sự, phân tích và bình luận của mình. Phương pháp tiến hành hoạt động chính trị và quan điểm chính trị của các tờ báo này khiến các phóng viên không thể sản xuất ra được những bài báo hay phóng sự có góc nhìn “cân bằng”. Troika thêu dệt nên các cuộc khủng hoảng mà đối thủ phải đối mặt và hứa hẹn về sự thịnh vượng cho các nước chư hầu. Họ bóp méo hoặc cố tình bỏ sót những thông tin liên quan tới các thể chế đối địch, gọi các thể chế này là độc tài hoặc tham nhũng. Trái lại, các nhà lãnh đạo “biết nghe lời và phục tùng” lại được mô tả là “thực tế và hữu ích”. Các tờ báo này gọi chính sách phòng thủ mà các quốc gia đối địch theo đuổi là “sự đe dọa quân sự”, là “hành động gây hấn”, trong khi lại cổ súy cho các cuộc xâm lược, tấn công của phe đồng minh là đúng đắn, là để trả đũa hoặc để phòng vệ.

Qua theo dõi các phóng sự do những cây bút của Troika viết trong 2 năm qua, người ta thấy sự lặp lại rất nhiều lần các cụm từ châm chọc, chỉ trích các nhà lãnh đạo của các thể chế đối địch. Mục đích là cung cấp cho độc giả cái nhìn một chiều, các đánh giá tiêu cực về các chính sách của các thể chế này.

Một khi chính phủ và giới lãnh đạo của nhà nước bị rơi vào tầm ngắm của phương Tây và Troika, các tin tức liên quan tới họ đều được “lên khuôn” để mô tả các động cơ của những nhà lãnh đạo này là “giả dối”, còn tác động kinh tế, xã hội của các chính sách mà họ tiến hành là “thảm họa”. Họ tung ra những thông điệp thù địch gần như hàng ngày nhắm vào một chính phủ mà Troika coi là “kẻ thù” hoặc là một chế độ cần phải thay đổi. Phối hợp chặt chẽ với chính sách của phương Tây, bộ máy tuyên truyền của Troika luôn biết cách thổi phồng các sai lầm và bác bỏ những thành công của các thể chế đối địch.

Cường độ và mức độ của các bài báo chỉ trích đối thủ tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của xung đột giữa phương Tây với các thể chế mục tiêu. Chúng ta có thể thấy sự thù địch này qua các chiến dịch truyền thông tấn công trực diện nhắm vào Nga, Trung Quốc, Venezuela, Argentina và Palestine, ở mức độ thấp hơn là các quốc gia như Chile, Brazil.

Nga - Mục tiêu hàng đầu

Hiện nay mũi nhọn mạnh nhất đang được bộ máy truyền thông phương Tây nhắm vào Nga. Với quốc gia này, Troika thường gọi Tổng thống Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo “độc tài”, người đang “làm xói mòn nền dân chủ” của Nga. Họ nhận định nền kinh tế Nga đang trong cơn khủng hoảng và đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Họ cũng lên án hành động quân sự của Nga tại Syria, khi hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tóm lại, Troika mô tả Nga, từng là một đất nước hòa bình, dân chủ, tuân thủ pháp luật dưới thời của Tổng thống Boris Yeltsin những năm 1990, nay bị một cựu nhân viên mật của KGB (ám chỉ Tổng thống Putin) tiếp quản và theo đuổi hành động phiêu lưu quân sự ở nước ngoài. Nga cũng bị cáo buộc đang trấn áp những cộng đồng người Hồi giáo thiểu số ở Chechnya và Dagestan trong khi nền kinh tế Nga đang khốn đốn vì “quản lý yếu kém, tham nhũng” và do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Song lại hiếm khi thấy những bài phân tích tại sao Tổng thống Putin tiếp tục nhận được sự ủng hộ cao và liên tục của dân chúng bất chấp những khó khăn mà nước này vấp phải.

Báo chí phương Tây gần đây đề cập nhiều tới sự can thiệp quân sự và sự hỗ trợ về chính trị của Nga đối với chính quyền Damascus chống lại lực lượng khủng bố Hồi giáo, nhưng từ chối thừa nhận rằng bước đi này của Nga đã làm chậm bước tiến của IS tại Trung Đông. Họ cho rằng Nga đang thực hiện sự bành trướng trong khu vực, nhưng thực tế, từ lâu Nga đã có quan hệ đối tác và đồng minh với nhiều nước như Iran, Iraq, Liban, Syria và Jordan.

Trên lĩnh vực kinh tế, bộ ba Troika cũng đề cập sâu tới khía cạnh “thảm họa” mà các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU áp đặt đối với Nga, song lại bỏ qua tác động tích cực về dài hạn của các lệnh trừng phạt này với kinh tế Nga. Đó là giúp nước này tự chủ, độc lập hơn, thúc đẩy đầu tư vào ngành chế tạo và nông nghiệp, buộc các doanh nghiệp Nga phải tìm kiếm những bạn hàng, thị trường mới, hướng mạnh sang Trung Quốc và Iran.

Các nước EU không chỉ cùng với NATO hỗ trợ phát triển truyền thông tiếng Nga ở Đông Âu, như đang làm với kênh truyền hình ETV+ ở Estonia. Các nước này còn cấp tiền trực tiếp cho truyền thông tư nhân tại Nga. Từ lâu, EU và NATO đã tài trợ cho hoạt động truyền thông phi chính phủ ở Nga, qua đó, can thiệp trực tiếp vào bức tranh truyền thông của nước này. Nghị sĩ Đức Alexander S.Neu cảnh báo cuộc tấn công về truyền thông của phương Tây chống lại Nga sẽ tạo ra một mối nguy hiểm thực sự với quan hệ đã không mấy tốt đẹp giữa hai bên. Khiến nó mang tính đối đầu hơn và phản ứng logic của Nga sẽ là cấm nước ngoài tài trợ cho truyền thông tự do.

Cuộc chiến của các thành viên châu Âu của NATO dưới sự chỉ đạo của Mỹ chống lại Nga là một cuộc chiến nguy hiểm và có tính hủy diệt chính lục địa này vì nó tạo ra làn sóng hàng triệu người tị nạn tới châu Âu. “Những chính trị gia cổ súy cho cuộc chiến này, do đó, là những người phản bội chính lại đất nước họ. “Chiến lược truyền thông nhóm phía Đông’“chính là giai đoạn quy mô nhất của “cuộc chiến phản bội” mà các chính trị gia này đang làm chống lại chính quốc gia của mình”, nghị sĩ cánh tả Đức nêu trên nhấn mạnh.
Thái Nguyễn (tổng hợp)
Phương Tây lại giở “chiêu” cũ chống Nga
Phương Tây lại giở “chiêu” cũ chống Nga

Không lâu sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích chống nhóm khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, mạng xã hội đã ngập tràn những cái được gọi là “bằng chứng” về việc Nga giết chết dân thường, rồi Nga không kích phe đối lập Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN