Cuộc chiến tranh kênh đào Suez

Cuộc chiến tranh kênh đào Suez - Kỳ II: Con đường tới khủng hoảng

Ngày 26/7/1956, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser bất ngờ tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Suez, với lý do lấy tiền chi phí cho việc xây dựng một đập nước ở Assuan, sau khi Mỹ từ chối cho vay tín dụng. Mặc dù tuyên bố bảo đảm cho việc tự do đi lại qua kênh đào và sẵn sàng bồi thường cho những cổ đông của công ty, mà trong đó Pháp nắm giữ đa số và các ngân hàng cũng như doanh nghiệp Anh nắm giữ 45%, nhưng với bài diễn văn của mình, Tổng thống Nasser đã gây ra một cuộc khủng hoảng nặng nề.

Thủ tướng Anh Anthony Eden (trái) đón Thủ tướng Pháp Guy Mollet tại Luân Đôn năm 1956 để bàn mưu tính kế gây chiến ở Suez.

Các cường quốc thực dân cảm thấy bị thách thức, hơn thế nữa khi Pháp từ năm 1954 phải tiến hành cuộc chiến tranh chống phong trào đòi độc lập của Angiêri và đã buộc phải trao trả nền độc lập cho Tuynidi dưới sự lãnh đạo của Habib Bourguiba, sau khi đã phải trao trả độc lập cho Marốc. Mặc dù tại ba hội nghị quốc tế, Mỹ đã đồng ý với việc quốc hữu hóa kênh đào Suez, nhưng cả Anh và Pháp đều không chịu chấp nhận việc này. Thêm vào đó, cuộc xung đột giữa Arập và Ixraen lại trở nên căng thẳng; bởi vì một mặt Nasser, nhân vật biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc Arập mới, từ khi lên nắm quyền không bao giờ che giấu sự thù địch của mình đối với Ixraen; mặt khác, nước này bị cắt đứt quan hệ với các đối tác thương mại châu Á và châu Phi do bị phong tỏa eo biển Tiran từ cửa ngõ của Vịnh Akaba tới Hồng Hải và việc đóng cửa kênh đào Suez đối với các tàu bè Ixraen và các tàu tới Ixraen. Thêm vào đó, các hoạt động khủng bố của người Palextin xuất phát từ Ai Cập gia tăng. Chính phủ Ixraen hy vọng, việc chiếm đóng bán đảo Sinai sẽ là bước cải thiện có tính chất quyết định đối với an ninh của nhà nước Do Thái này.

Chính sách của Pháp cũng nhằm vào chiến tranh. Pari vu cho Nasser ủng hộ phong trào đòi độc lập của Angiêri. Khác với ở Pháp, dư luận ở Anh chưa ủng hộ một cuộc phiêu lưu như vậy. Thủ tướng Anh Anthony Eden là người chống lại chính sách nhân nhượng của nguyên Thủ tướng Chamberlain trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, nên ông muốn thuyết phục người Anh thay đổi thái độ thông qua việc gợi lại Hội nghị Munich năm 1938 giữa Đức và Liên Xô và so sánh Nasser với Hitler và Mussolini. Trong khi Nasser tỏ ra là một thủ lĩnh có uy tín, muốn thông qua những thành công trong chính sách đối ngoại để dẫn dắt đất nước nghèo nàn của mình tới tiến bộ theo màu sắc phương Tây, thì tư duy chính trị của Eden vẫn hoàn toàn bám lấy tư tưởng của Hội nghị Munich.

Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, người quyết định quốc hữu hóa kênh đào Suez.


Ban đầu chỉ có Pháp và Anh tham gia vào kế hoạch bí mật cho một hành động quân sự. Trong những ý tưởng đầu tiên vào tháng 7/1956, hai bên thỏa thuận tiến hành một chiến dịch quân sự chung chống lại Ai Cập, nhưng lại giả vờ rêu rao là cuộc xung đột vũ trang này nhằm hòa giải cuộc xung đột giữa Ixraen và Ai Cập. Với mục đích này, một cuộc gặp gỡ bí mật giữa Pháp, Anh và Ixraen đã diễn ra từ ngày 22 tới 24/10/1956 tại Sevres, ngoại ô Pari. Tại đó, Thủ tướng Pháp Guy Mollet, Ngoại trưởng Pháp Christian Pineau, Thủ tướng Ixraen David Ben-Gurion, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Ixraen Simon Peres, Tổng tư lệnh quân đội Ixraen Mosche Dajan và Ngoại trưởng Anh Selwyn Lloyd đã phác thảo một kịch bản quỷ quyệt: Việc chuẩn bị chiến tranh giữa Ai Cập và Gioócđani sẽ tạo cớ cho Ixraen tấn công Ai Cập. Pari và Luân Đôn sẽ phản ứng với việc đưa ra một tối hậu thư cho các bên tham chiến, trong đó đòi rút quân khỏi khu vực kênh đào Suez. Việc Cairô chắc chắn bác bỏ tối hậu thư này sẽ tạo cớ cho giới quân sự Pháp và Anh tiến vào để "giải phóng" kênh đào, lật đổ Nasser và triển khai lực lượng vũ trang Anh - Pháp ở kênh đào xung quanh khu vực Port Said. Pháp và Anh đồng thời tuyên bố sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ixraen. Ngoài ra, Pari còn cam kết bảo vệ không phận và bờ biển của Ixraen và muốn dùng quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ngăn cản một nghị quyết chống lại Ixraen.

Chỉ rất ít người phía Pháp cũng như Anh biết được về kế hoạch bí mật này. Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đang ở trong giai đoạn vận động tranh cử nóng bỏng cũng không hề được thông báo gì. Người Anh và người Pháp biết được lập trường phản đối của ông, vì Eisenhower không muốn làm hại tới khả năng tái đắc cử thông qua một cuộc chiến tranh và không muốn gây thêm căng thẳng mới với Mátxcơva. Nhưng trong khi người Anh và người Pháp đặt ý nghĩa của kênh đào Suez đối với châu Âu lên vị trí hàng đầu trong những suy nghĩ của mình thì sự xung đột Đông - Tây chi phối trong tư duy chính trị Mỹ. Trong những tùy tùng của Nasser có nhiều người thân cận với Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và chính quyền Eisenhower cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Nasser, không muốn đẩy ông vào vòng tay của Liên Xô.

Những nhận thức sai về nhau cũng như những vấn đề trao đổi thông tin trong các nước phương Tây cho thấy thiếu sự tin cậy trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà trong những sự kiện xảy ra ở kênh đào Suez đã mở rộng thành một cuộc khủng hoảng thực sự.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Đón đọc kỳ 3: Đỉnh cao của cuộc khủng hoảng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN