Cuộc chiến tàu ngầm trong Đại Tây Dương

Cuộc chiến tàu ngầm trong Đại Tây Dương - Kỳ II: Tàu ngầm Đức hoành hành trên đại dương

Đại Đô đốc Karl Donitz, Tư lệnh các đơn vị tàu ngầm Đức.

Đầu năm 1940 đã xảy ra "Sự cố Altmark", trong đó tàu khu trục HMS Cossak của Anh đã tấn công tàu Altmark, một tàu cung ứng cho hải quân Đức ngay trong lãnh hải Na Uy, qua đó bị coi là không tôn trọng sự trung lập của Na Uy. Vì vậy, Bộ chỉ huy hải quân Đức ra lệnh cho Karl Doenitz, Tư lệnh các đơn vị tàu ngầm, điều động toàn bộ tàu ngầm, kể các tàu huấn luyện, triển khai bảo vệ cánh cho các hạm đội Đức tham gia chiến dịch
Weseruebung và bám sát đường đi của các hạm đội Anh giữa Xcốtlen và Na Uy. Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Anh cũng triển khai tàu ngầm tới ngoài khơi bờ biển Na Uy để bắt các đơn vị tàu Đức giữa các căn cứ của họ và Na Uy.

Thông qua chiến dịch

Weseruebung, Đức đã thừa cơ chiếm lấy Na Uy và chiếm đóng cho tới khi hết chiến tranh, tuy nhiên họ cũng chịu nhiều tổn thất. Ngoài việc bị mất chiếc tàu tuần dương hạng nặng Bluecher do các đơn vị pháo của Na Uy và tàu tuần dương hạng nhẹ Koenigsberg do máy bay Anh và 10 tàu khu trục tại Narvik do các hạm đội Anh đánh đắm, hải quân Đức cũng chịu nhiều thiệt hại do tàu ngầm của quân đồng minh. Các tàu tuần dương Luetzow và Karlsruhe đã bị ngư lôi của các tàu ngầm Spearfish và Truant của Anh bắn trúng, làm hư hại nặng; tàu huấn luyện cao xạ Brummer bị tàu ngầm Sterlet đánh đắm.

Boongke cho tàu ngầm Đức tại Brest (Pháp).

Ngoài ra, nhiều tàu tiếp tế bị phá hủy. Trong cùng thời gian này, các tàu ngầm Đức đã có nhiều cơ hội, vị trí rất tốt để phóng ngư lôi vào tàu chiến Anh, nhưng đã không thành công, vì kim hỏa bằng nam châm trong ngư lôi Đức có sự cố nên phát hỏa không chắc chắn, dẫn tới để mất thời cơ.Sau khi hành quân đại thắng về phía tây, chiếm được Pháp, năm 1940, hải quân Đức bắt đầu thiết lập những căn cứ lâm thời cho tàu ngầm ở vịnh Biskaya tại Brest,

Lorient, St Nazaire và La Rochelle. Chúng cưỡng bức công nhân lao động nên công việc tiến triển rất nhanh, tạo thành những boongke cho nhiều tàu ngầm có thể tránh được máy bay oanh kích.

Nhờ những căn cứ mới ở vịnh Biskaya, tàu ngầm Đức có thể được triển khai nhanh hơn nhiều tới khu vực tác chiến trên tuyến đường phía tây để tới quốc đảo Anh. Các đoàn tàu của quân đồng minh thường yếu về công tác bảo vệ do thiếu tàu hộ tống. Nhiều tàu bị hỏng phải đưa đi sửa chữa sau khi tấn công Na Uy thất bại. Thời gian này được hải quân Đức gọi là "thời kỳ hạnh phúc đầu tiên" của tàu ngầm, trong đó họ đã đánh đắm được rất nhiều tàu của quân đồng minh mà chỉ bị thiệt hại không đáng kể. Thành công nhất là các Tư lệnh Otto Kretschmer của tàu ngầm U 99, Guenter Prien của tàu ngầm U 47 và Joachim Schepke của tàu ngầm U 100; họ được tuyên truyền ầm ĩ, coi như những vị anh hùng.

Tàu ngầm U 47 trên đường về căn cứ năm 1939.

Ngày 17/8/1940, Đức đáp trả sự phong tỏa của Anh bằng tuyên bố phong tỏa lại. Khu vực phong tỏa tương đối trùng với khu vực mà Tổng thống Mỹ Roosevelt đã cấm tàu bè Mỹ qua lại từ 4/11/1939. Như vậy, các tàu ngầm Đức được lệnh đánh đắm các tàu ở khu vực này mà không cần cảnh báo trước, ngoại trừ những tàu cứu thương và tàu của những nước trung lập, những tàu phải sử dụng những tuyến đường nhất định được thỏa thuận bằng hiệp ước như "Con đường Thụy Điển".

Trong thời gian này, những con tàu của phe đồng minh với tổng thể tích khoảng 4,5 triệu BRT (mỗi BRT tương đương với 2,83 m3) đã bị đánh đắm.
Mùa đông 1940 - 1941, thời tiết xấu đã gây khó khăn cho việc tấn công các tàu trên mặt nước của tàu ngầm. Người Anh bắt đầu lắp radar và máy định vị sóng ngắn trên những con tàu hộ tống và số lượng tàu hộ tống đã tăng mạnh sau khi được tích cực chế tạo.

Với lợi thế của radar có thể dễ dàng phát hiện tàu địch, nên chỉ trong tháng 3/1941, hải quân Đức đã mất đi ba con "át chủ bài" là các tàu Kretschmer, Prien và Schepke do bị đánh đắm hoặc bắt sống. Từ mùa hè 1941, hải quân Đức tăng cường áp dụng "chiến thuật bầy đàn của chó sói", trong đó những tàu ngầm như "một bầy sói" xác định các đoàn tàu có hộ tống và phối hợp tấn công. Những tàu hộ tống với số lượng kém hơn thường tìm cách xua đuổi con tàu ngầm đầu tiên phát hiện được và như vậy tạo điều kiện cho những tàu ngầm khác trong "bầy đàn" rảnh tay tấn công các tàu thương mại.

Ngày 20/6/1941, tàu ngầm U 203 dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Rolf Muetzelburg thông báo nhìn thấy tàu chiến Mỹ USS Texas trong khu vực phong tỏa. Trong tình huống này, giới lãnh đạo Đức đã ra lệnh cho các tàu ngầm không tấn công các tàu hộ tống nữa. Tháng 7, Tổng thống Mỹ Roosevelt ra lệnh cho hải quân tấn công tàu ngầm Đức và nhắc lại mệnh lệnh này vào tháng 9/1941. Ngày 4/9/1941, tàu ngầm U 652 của Đức, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Fraatz, đã bị tàu khu trục Mỹ USS Greer tấn công bằng thủy lôi cách Reykjavik 180 hải lý về phía tây nam và đã phóng hai quả ngư lôi để chống trả. Việc chống trả đã được giới lãnh đạo Đức chính thức cho phép. Những cuộc tấn công tương tự đã lặp đi lặp lại ngày càng nhiều. Phía Mỹ đã chuyển sang thế thù địch với tàu ngầm Đức, mặc dù không tuyên chiến.

Trong thời gian này, tàu ngầm Đức đánh đắm tàu của đối phương với tổng thể tích khoảng 3 triệu BRT.

Vũ Long (Tổng hợp từ truyền hình và báo chí Đức)

Đón đọc kỳ III: Bước ngoặt

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN