Cuộc chiến năng lượng ở Trung Đông: Kỳ 1

Trong số các điểm nóng hiện nay trên thế giới có một nơi nhận được rất ít sự chú ý. Đó là cuộc chiến đã kéo dài 1/4 thế kỷ liên quan đến các mỏ khí thiên nhiên ngoài khơi bờ biển Gaza cũng như ở các khu vực thuộc phía đông Địa Trung Hải. Cuộc xung đột chưa có hồi kết này đã cho chúng ta thấy rất nhiều khía cạnh mới giữa các mối quan hệ trong khu vực.

Thảm họa từ tranh chấp năng lượng


Năm 1993, khi Israel và chính quyền Palestine (PA) ký Hiệp định Oslo nhằm kết thúc sự chiếm đóng của Israel ở Dải Gaza và khu Bờ Tây, đồng thời lập ra một nhà nước có chủ quyền, không ai suy nghĩ nhiều về bờ biển Gaza. Kết quả là, Israel đã đồng ý rằng PA mới được thành lập sẽ hoàn toàn kiểm soát lãnh hải của họ, mặc dù các lực lượng hải quân của Israel vẫn tuần tra khu vực này. Những mỏ khí đốt tự nhiên theo đồn đoán ở đó là ít quan trọng với tất cả các bên, bởi vì giá cả thì rất thấp trong khi nguồn cung lại đang dồi dào. Không có gì ngạc nhiên khi người Palestine đã bỏ thời gian ra để mời công ty British Gas (BG) - một công ty lớn của Anh trên thị trường khí đốt toàn cầu - tìm hiểu những gì thực sự có ở khu vực đó. Năm 2000, hai bên thậm chí còn ký hợp đồng để phát triển các giếng dầu mà sau đó đã được xác nhận là có tồn tại này.

Cuộc xung đột ngoài khơi bờ biển Gaza liên quan đến các mỏ khí thiên nhiên đã kéo dài 1/4 thế kỷ.


Sau đó, BG cam kết sẽ tài trợ và quản lý việc phát triển dự án chung của họ, chịu mọi chi phí và duy trì hoạt động các cơ sở khai thác nhưng sẽ nhận về 90% doanh thu - một thương vụ "chia sẻ lợi nhuận" mang tính bóc lột cao nhưng điển hình thời kỳ đó. Với ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên đã đi vào hoạt động trong nhiều năm, Ai Cập trở thành điểm trung chuyển khí đốt trong thương vụ trên. Người Palestine sẽ nhận được 10% doanh thu (ước tính khoảng một tỷ USD) và được đảm bảo quyền tiếp cận khí đốt đủ để đáp ứng nhu cầu của họ.

Trong khi đó, năm 2000, với một nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhưng chỉ có nguồn nhiên liệu hóa thạch ít ỏi và mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với các nước láng giềng giàu dầu mỏ, Israel phải đương đầu với tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng. Thủ tướng Israel Ehud Barak lúc đó được xem là nhân vật đã mở ra thời đại của các cuộc xung đột nhiên liệu hóa thạch ở Đông Địa Trung Hải. Ông Barak đã bác bỏ thỏa thuận giữa Palestine với BG và thay vào đó đề xuất Israel, chứ không phải Ai Cập, tiếp nhận khí đốt từ Gaza. Theo tham vọng của ông Barak, Israel cũng sẽ kiểm soát tất cả các nguồn thu dành cho người Palestine - nhằm ngăn chặn số tiền này được sử dụng để “tài trợ cho khủng bố".

Israel tấn công Dải Gaza trong chiến dịch Cast Lead.


Với hành động này của Israel, Hiệp định Oslo đã chính thức sụp đổ. Bằng việc tuyên bố quyền kiểm soát doanh thu từ khí đốt của Palestine là “không thể chấp nhận được”, Israel đã cho thấy họ không chấp nhận quyền tự chủ về ngân sách của người Palestine và tương lai xung đột vũ trang giữa hai bên là điều chắc chắn.

Quyết định trên của Israel cũng dẫn đến sự can thiệp của Thủ tướng Anh Tony Blair, người đã tìm cách môi giới một thỏa thuận để làm hài lòng cả chính phủ Israel và chính quyền Palestine. Kết quả là một đề xuất được ra đời năm 2007 nhằm cung cấp khí đốt cho Israel với giá thấp hơn so với giá thị trường, và cùng với đó là cắt giảm 10% doanh thu dành cho PA.

Sự sắp xếp này vẫn không làm Israel thỏa mãn trong khi Palestine cũng phản đối gay gắt. Ngay sau đó, Thủ tướng Israel khi đó là Ehud Olmert đã áp đặt một lệnh phong tỏa hà khắc tại Dải Gaza, điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Israel gọi là một kiểu “‘chiến tranh kinh tế" có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị, dẫn đến một cuộc tổng nổi dậy chống lại phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine. Với sự hợp tác của Ai Cập, Israel sau đó đã chiếm quyền kiểm soát tất cả các lĩnh vực thương mại trong và ngoài Dải Gaza, thậm chí còn hạn chế nhập khẩu thực phẩm và loại bỏ ngành công nghiệp đánh cá. Cố vấn của Thủ tướng Olmert, Dov Weisglass, đã nhận định rằng chính phủ Israel đã áp đặt “một chế độ ăn kiêng” đối với người Palestine thông qua hành động trên.

Khi người Palestine tiếp tục phủ nhận các điều khoản của Israel, chính phủ của Thủ tướng Olmert đã quyết định đơn phương chiết xuất khí đốt đồng thời triển khai một chiến dịch quân sự mà họ tin rằng có thể sẽ khiến cho Hamas một lần nữa phải rời đi hoặc buộc phải giải giáp vũ khí.

Với logic này, Chiến dịch Cast Lead đã được phát động vào mùa đông năm 2008 nhằm mục đích đưa Dải Gaza rơi vào một "thảm họa”. Yoav Galant, Tổng chỉ huy Chiến dịch, tuyên bố rằng Cast Lead được thiết kế để "đưa Dải Gaza về thời kỳ đồ đá”, trong khi nghị sĩ Israel Tzachi Hanegbi giải thích rằng, các mục tiêu quân sự cụ thể của chiến dịch là nhằm "lật đổ chế độ khủng bố Hamas và kiểm soát tất cả các khu vực được sử dụng để phóng tên lửa vào Israel".

Chiến dịch Cast Lead thực sự đã khiến Dải Gaza rơi vào một thảm họa. Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết chiến dịch tấn công kéo dài 22 ngày này đã khiến 1.400 người Palestine thiệt mạng, trong đó có khoảng 300 trẻ em cùng hàng trăm dân thường. Nhiều khu vực rộng lớn của Dải Gaza đã bị san phẳng, khiến hàng nghìn người mất nhà cửa và nền kinh tế bị tổn thất nghiêm trọng. Vấn đề duy nhất ở đây là Chiến dịch Cast Lead đã không đạt được mục tiêu “giành quyền kiểm soát các mỏ khai thác khí đốt của Palestine".

Công Thuận

Đón đọc kỳ tới: Chiến lược kiềm chế và răn đe

Cuộc chiến năng lượng ở Trung Đông - Kỳ cuối
Cuộc chiến năng lượng ở Trung Đông - Kỳ cuối

Trong khi sự hiện diện của Hải quân Nga ở Vịnh Levantine rõ ràng đã ngăn cản Israel phát triển các mỏ khí đốt mà Syria tuyên bố, nhưng Israel đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Năng lượng Genie có trụ sở tại Mỹ để xác định vị trí và phát triển các mỏ dầu tại Cao nguyên Golan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN