Cuộc chiến chống buôn lậu vũ khí của Đế quốc Anh - Kỳ cuối: Bộ mặt giả tạo

Hải quân Hoàng gia Anh đã cung cấp 5 chiến hạm để phong tỏa bờ biển Muscat trải dài từ Vịnh Ba Tư đến Vịnh Oman. Hệ quả là các lô hàng được vận chuyển trên những chiếc thuyền buồm của người bản địa bị thu giữ và dòng chảy vũ khí bị chặn đứng khiến các lái buôn vũ khí Pathan thất thu nghiêm trọng, buộc họ phải quay trở lại với những phương thức “kiếm ăn” truyền thống. Chính bởi vậy mà số lượng các vụ cướp bóc ở North-West Frontier trong năm 1910 đã tăng vọt.

 

Các binh sĩ quân đội Anh - Ấn.


Hành động này của hải quân đã làm cho tình hình ở Vịnh Ba Tư trở nên căng thẳng. Khi các thủy thủ trên tuần dương hạm HMS Hyacinth đổ bộ xuống Dubai để truy tìm vũ khí trái phép vào tháng 12/1910, thì họ bị một nhóm người địa phương tấn công. Vụ đụng độ đã khiến 5 thủy thủ thiệt mạng và 9 người bị thương. Một bài viết đăng trên tờ The Times of India ngay sau đó đưa ra lời giải thích rằng truyền thông Arab đang phóng đại tình hình khi nói người Anh đã chán ngấy với công việc buôn bán vũ khí trái phép mà họ đang làm để chia cắt Ba Tư và rồi thôn tính Bán đảo Arab.


Những cách lý giải như vậy đã tạo ra tâm lý bài ngoại ngày càng lớn. Như đổ thêm dầu vào lửa là ý nghĩ rằng các biện pháp chặn đứng dòng buôn lậu vũ khí là nhằm giải giáp người Arab, những người coi súng là vật bất li thân. Bài báo kết luận: “Báo chí yêu cầu cần phải có những nỗ lực mới để phong tỏa chính giao thông ở Muscat”.


Đến năm 1911, hoạt động tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh ở Vịnh Ba Tư đã có được một lợi thế trong cuộc chiến chống buôn lậu vũ khí, một phần nhờ vào việc áp dụng công nghệ liên lạc hiện đại. Một phóng viên thực địa của tờ The Times, người có mặt trên đội tàu chiến, cho rằng kỹ thuật điện báo vô tuyến được đánh giá tăng gấp đôi hiệu quả tuần tra. Hầu như không một chiếc thuyền buồm nào có thể thoát khỏi phạm vi giám sát của hạm đội. Tất cả các tàu thuyền đều bị kiểm tra và khám xét triệt để. Bất cứ vũ khí nào bị phát hiện sẽ lập tức bị thu giữ còn chiếc thuyền sẽ bị kéo đi.

 

Binh sĩ Ấn Độ đóng ở North West Frontier chống các bộ lạc Pathan.


Tháng 4/1911, một lực lượng viễn chinh 1.000 quân thuộc các đơn vị của Quân đội Anh - Ấn đã đổ bộ xuống Bờ biển Makran. Lực lượng này bao gồm cả Trung đoàn Wellesley’s Rifles 104 được trang bị hai súng máy, và Trung đoàn pháo binh sơn cước 32 do Đại tá Walter Delamain chỉ huy. Nhiệm vụ của họ là tiến quân qua Đèo Marak - khu vực nằm dưới sự kiểm soát của những thành viên bộ lạc trung thành với thủ lĩnh băng đảng buôn súng Baluch, Mir Barkat, và gây chiến.


Đoàn quân tiến hàng dặm qua vùng sa mạc nóng như thiêu đốt. Song những kẻ buôn súng đã rút đi từ trước khi họ đến. Bất ngờ, một vài tiếng súng nghe như tậm tịt vang lên đâu đó phía trước. Nhóm trinh sát phát hiện một số thành viên bộ lạc ẩn nấp trong những công sự bên vách đá. Đội tiền trạm của Trung đoàn Wellesley’s Rifles 104 đã lập tức tham chiến cho đến khi lực lượng chủ chốt tới nơi. Với sự yểm trợ của pháo binh, các đơn vị Anh - Ấn đã đẩy lùi được nhóm chiến binh.


Cuộc giao tranh kéo dài gần ba giờ đồng hồ cho đến trưa, khiến 3 binh sĩ Ấn Độ bị thương và 8 tên trong số khoảng 200 tay súng bộ lạc thiệt mạng cùng hàng chục tên khác bị thương. Trong đó có thể dễ dàng nhận ra một trong số các thủ lĩnh của nhóm, người quấn khăn quàng đầu màu đỏ và bị thương ở cả hai đùi. Thủ lĩnh Mir Barak không xuất hiện ở đây, nhưng vụ đụng độ đã khiến uy tín của hắn bị sứt mẻ và không còn đủ khả năng chiêu mộ chiến binh như trước nữa.


Trở lại London, ở đó đang dấy lên làn sóng chỉ trích các biện pháp chống buôn lậu súng đạn. Chi phí cho các hoạt động ngăn ngừa nạn buôn súng trong hai năm qua đã lên tới 220.000 bảng, đó là chưa kể tới những chiến dịch trong mùa này. Phát biểu tại hội nghị Hiệp hội Trung Á, một nhà chỉ trích tuyên bố “đó dường như là một chính sách tồi tệ khi gánh chịu phí tổn cho những biện pháp phòng ngừa sẽ phải kéo dài vô thời hạn này… Đó là chưa kể đến những khó khăn bất thường từ việc điều động một đội tàu chiến Anh để chặn đứng hoạt động trung chuyển vũ khí, trong khi một số vũ khí vẫn được vận chuyển qua dòng sông Thames.


Vấn đề nằm ở chỗ, có quá nhiều người châu Âu đang kiếm bộn tiền từ công việc làm ăn này. Vua Oman đã bày tỏ sẵn sàng ngăn chặn hoạt động buôn lậu vũ khí nhưng lại muốn được bồi thường 20.000 bảng/năm cho nguồn thu thập bị thất thoát.


Việc Chính phủ Anh ở London không thiết tha giải quyết vấn đề này và trấn áp các nhà sản xuất vũ khí trong nước đã khiến cho quân đội của Chính phủ Ấn Độ tiếp tục phải hứng chịu rủi ro. Các binh sĩ của Ấn Độ sẽ bị tấn công bằng những khẩu súng được sản xuất và xuất khẩu từ Anh. Sự tồn tại của tuyến đường mòn buôn lậu vũ khí được phơi bầy từ năm 1897 nhưng mãi đến năm 1907 thì những biện pháp phòng ngừa thiết thực đầu tiên mới được áp dụng, tức là đã quá muộn.


Một viên đại tá ở North-West Frontier cũng tiết lộ về một khía cạnh khác của công việc làm ăn lợi nhuận “khủng” này. Ông thắc mắc làm sao mà các thành viên bộ lạc có thể lấy nhiều tiền như vậy để mua tất cả những vũ khí hiện đại tuồn vào khu vực. Họ không phải là những người giàu có, nhưng chắc chắn đã bỏ ra hàng nghìn bảng để tậu vũ khí. Và sự thực là một phần không nhỏ của số tiền đó có nguồn gốc từ Ngân khố Ấn Độ. Những khoản tiền được trích từ Chính phủ Ấn Độ dùng để lấy lòng các thành viên bộ lạc, thì hầu hết lại được chuyển thành chi phí cho việc tăng cường khả năng quân sự của họ. Bởi vậy, các bộ lạc không những được cung cấp vũ khí do Anh sản xuất mà còn nhận được tiền để mua súng.


Bất chấp bộ mặt lộ rõ vẻ giả tạo của mình, các hành động trực tiếp của Chính phủ Anh - Ấn ở vùng Vịnh đã ít nhiều tác động đến những kẻ buôn súng lậu và đẩy chi phí mua sắm vũ khí ở Muscat lên một mức khiến nó trở nên kém hấp dẫn trong mắt người Pathan. Mặc dù vậy, vẫn phải thừa nhận một thực tế buồn là chính lợi ích thương mại của các chính phủ mẫu quốc ở Anh và châu Âu đã lấn át những quan ngại về an ninh từ các chính phủ thuộc địa và những chính quyền phục vụ họ trên các vùng biên ải của đế chế.



Huy Lê

Cuộc chiến chống buôn lậu vũ khí của Đế quốc Anh-Kỳ 2: Những thương vụ béo bở
Cuộc chiến chống buôn lậu vũ khí của Đế quốc Anh-Kỳ 2: Những thương vụ béo bở

Khi tin tức về những thương vụ vũ khí béo bở ở Muscat lan truyền về châu Âu, thì các lái buôn vũ khí của Bỉ, Pháp và Đức cũng đổ xô đến nơi mà người Anh đã có sự hiện diện đông đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN