C-store, “kẻ cơ hội lì lợm” - Kỳ cuối: “Lì đòn” vượt qua khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng năng lượng 1973 kèm theo lạm phát đã giáng một đòn mạnh lên các cửa hàng tiện lợi. Với sự lì đòn và bản lĩnh, các C-store đã tìm ra lối thoát cho chính mình và khẳng định “cái tôi” trong ngành kỹ nghệ bán lẻ, đặc biệt là trong cung cấp xăng dầu.

Kinh doanh xăng dầu giúp C-store vươn lên dẫn trong ngành bán lẻ.


Nền kinh tế nước Mỹ những năm 70 bị đình đốn và hầu như chìm trong lạm phát sâu. Hàng loạt các chi phí đội giá cao ngất, cung hàng khan hiếm gây áp lực giá thành cho hầu hết các doanh nghiệp trong đó có các C-store. Để đảm bảo thu chi, chuỗi C-store chỉ có thể sử dụng chiến lược nâng cấp cửa hàng, giữ chân nhân viên làm ca ngày chủ nhật và áp dụng công nghệ để hạn chế nhân lực.


Tháng 10/1973, các nước thuộc Tổ chức các quốc gia A Rập xuất khẩu dầu mỏ (gồm các nước A Rập trong OPEC, Ai Cập và Syria) quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel (gồm Nhật Bản, các nước khu vực Tây Âu và Mỹ) trong cuộc chiến Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria. Quyết định này đã đẩy giá xăng tại nước Mỹ ngay lập tức nhảy vọt với mức tăng gấp 4 lần.


Trong vòng 1 năm (1973 - 1974), giá xăng dầu thế giới tăng trung bình 86% tại những thị trường trọng điểm của C-store như Mỹ, Nhật, Tây Âu. Nguồn cung khan hiếm, giá cả đắt đỏ khiến nhiều trạm xăng đóng cửa hàng loạt trong khi đó các C-store vẫn tiếp tục bán xăng bất chấp lợi nhuận thấp.
Thiếu hụt năng lượng (1973-1974) đã khiến nhiều bang cho phép mở các máy bơm xăng tự phục vụ. Theo đó, khách hàng sẽ được biết trước giá xăng mình sẽ phải trả. Điều này tiện lợi hơn hẳn so với việc phải xếp chờ đợi rồi mới được biết giá xăng như trước đây.


Số lượng các C-store bán xăng tăng lên trông thấy. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn đầu tư thiết bị để thu được mức chênh lệch cao hơn tính trên mỗi thùng xăng.


Người tiêu dùng rất yêu thích ý tưởng này. Các cửa hàng tiện lợi có thể bán các loại xăng không định vị thương hiệu như Hess, Gibbs, Raceway... tại các trạm bơm xăng tự động. Những loại xăng này chất lượng hầu như giống hệt so với những loại xăng đã định vị thương hiệu (Shell, Exxon...) nhưng giá của chúng lại rẻ hơn nhiều do không tốn chi phí quảng bá, xây dựng thương hiệu. Thậm chí, chúng cũng rẻ hơn những trạm xăng truyền thống.


Trước đó, vào tháng 6/1964, John Roscoe lần đầu tiên thay đổi hình thức bán xăng truyền thống tại Mỹ khi chuỗi C-store của anh đầu tư 10.000 USD để mua những máy bơm xăng tự động. Anh cho biết, “khách hàng thích mức giá vừa phải và họ ngay lập tức đã tìm tới các trạm xăng tự phục vụ”. Loại xăng này được bán với giá 20 cent/thùng, chiết khấu 2 cent/thùng và tiết kiệm 10%. “Con số này đủ khiến người tiêu dùng hào hứng”.


Năm 1976, các C-store bán xăng thu được lợi nhuận và gia tăng số lượng nhanh chóng. Điều này khiến mức chênh lệch bình quân trên mỗi thùng xăng giảm xuống và dẫn đến một cuộc cạnh tranh gắt gao trong ngành năng lượng. Nhiều công ty chuyên cung cấp xăng dầu rút chân ra khỏi một số thị trường. Hơn 80% các C-store được thiết kế để có thể cung ứng xăng. Lượng xăng dự trữ trên mỗi cửa hàng tăng cùng với sự gia tăng về số lượng cửa hàng bán xăng đã đẩy mạnh vai trò cung ứng xăng dầu của C-store.


Đầu những năm 80, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thế giới chững lại. Ở các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu, nhu cầu nhiên liệu giảm 13% (1979 -1981). Giá xăng dầu giảm mạnh từ 35 USD (1981) xuống dưới 10 USD (1986) mỗi thùng. Sức ép về giá đã bắt đầu “hạ nhiệt” và mang lại lợi nhuận cho các C-store ở những nước có mức tiêu thụ lớn.


C-store ngày nay cung cấp đa dạng các mặt hàng.


Giữa năm 1982, nền kinh tế chính thức vượt qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất sau Thế chiến thứ II. Nguồn cung vượt quá cầu đã làm giảm giá xăng và lợi nhuận của ngành công nghiệp này. Do nền kinh tế bắt đầu khôi phục nên lượng người sử dụng xăng cũng tăng lên. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn những năm 70. Doanh thu của các trạm xăng giảm do rớt giá và giảm nhu cầu trong nhiều năm.


Cho tới những năm 90, ngành công nghiệp này bắt đầu gia tăng lợi nhuận do lãi suất giảm, khối lượng dự trữ xăng tăng, mức chênh lệch cao hơn.


Một cuộc điều tra mới công bố hôm 1/1/2014 của cơ quan Thống kê dân số Hoa Kỳ cho biết, trong tổng số 121.446 trạm xăng tại nước Mỹ có tới 82,2% thuộc các cửa hàng tiện lợi. Kết quả này đã cho thấy C-store hiện giờ đang nắm giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng xăng dầu tại đây.


Từ một nhà bán lẻ trở thành kẻ nắm quyền trong ngành kinh doanh năng lượng quả là một điều không dễ dàng. Với sự lì đòn và bản lĩnh, các C-store đã khẳng định mình là một đối thủ đáng gờm của bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào.


Huyền Trang

C-store, “kẻ cơ hội lì lợm” - Kỳ cuối: “Lì đòn” vượt qua khủng hoảng
C-store, “kẻ cơ hội lì lợm” - Kỳ cuối: “Lì đòn” vượt qua khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng năng lượng 1973 kèm theo lạm phát đã giáng một đòn mạnh lên các cửa hàng tiện lợi. Với sự lì đòn và bản lĩnh, các C-store đã tìm ra lối thoát cho chính mình và khẳng định “cái tôi” trong ngành kỹ nghệ bán lẻ, đặc biệt là trong cung cấp xăng dầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN