Coca-Cola "nuôi ong tay áo"

Thương trường như chiến trường là điều không ai có thể phủ nhận. Trên chiến trường không tiếng súng ấy luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những cuộc chiến không gây đổ máu nhưng tổn thất vật chất thì khó có thể tưởng tượng. Gián điệp kinh tế là nguyên nhân của không ít cuộc chiến như thế. Một ví dụ điển hình là tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới Coca-Cola năm 2006 đã suýt bị mất "bí quyết kinh doanh" vào tay Pepsi Cola. Đau đớn hơn, kẻ âm mưu "bán đứng" Coca-Cola cho đối thủ số 1 chính là một nhân viên cấp cao của tập đoàn.

Một ngày đẹp trời trong tháng 5/2006, văn phòng của Pepsi Cola ở Purchase, New York (Mỹ) nhận được một bức thư đựng trong chiếc phong bì chính thức của Coca-Cola. Đáng chú ý hơn rất nhiều logo của "đối thủ" in trên chiếc phong bì là nội dung bên trong: Một người với danh xưng "Dirk", tự nhận là một nhân viên cấp cao của Coca-Cola có "thiện chí" cung cấp cho Pepsi Cola những "thông tin tối mật" của Coca-Cola.

Joya Williams, kẻ định bán đứng Coca-Cola.

Không lâu sau, ngày 19/5/2006, văn phòng của Coca-Cola ở Atlanta (Mỹ) đã nhận được từ Pepsi Cola bức thư đặc biệt này, cả chiếc phong bì chính thức của tập đoàn. Ban lãnh đạo của Coca-Cola tá hỏa và ngay lập tức nhờ Cục điều tra liên bang (FBI) vào cuộc truy tìm "con ong trong tay áo".

FBI cử một nhân viên giả làm người được Pepsi Cola giao trọng trách thực hiện thương vụ với "Dirk". Chẳng mấy khó khăn, FBI đã xác định được "Dirk" thực ra là Ibrahim Dimson, sống tại quận Bronx, New York. Còn "sợi dây liên hệ" giữa Dimson với tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới là... Joya Williams, 41 tuổi, trợ lý của Giám đốc thương hiệu toàn cầu của Coca-Cola - ông Javier Sanchez Lamelas. Lẽ tất nhiên, Williams bị đưa vào tầm ngắm của cả FBI và lực lượng an ninh của Coca-Cola.

Trong khi đó, không hề hay biết mặt nạ đã bị lột, Dimson đã chuyển qua e-mail cho nhân viên FBI "lô hàng" đầu tiên: 14 trang tài liệu đóng dấu "tuyệt mật". Số tài liệu này được Coca-Cola xác định là thật và chứa đầy những bí mật kinh doanh của tập đoàn. Lợi nhuận mà "Dirk" thu được từ lô hàng đầu tiên là 10.000 USD.

"Thừa thắng xông lên", "Dirk" lại chào hàng mẫu sản phẩm mới của Coca-Cola và ra giá 75.000 USD. Cùng thời gian này, camera an ninh đã ghi lại được các hình ảnh Williams lục lọi hồ sơ trên bàn làm việc của sếp và lấy một lon nước ngọt - mẫu sản phẩm mới cho vào túi.

Ngày 16/6/2006, nhân viên mật của FBI hẹn gặp "Dirk" tại sân bay quốc tế Hartfield-Jackson ở Atlanta. "Dirk" giao tài liệu cùng mẫu sản phẩm cho "người mua" và nhận lại 30.000 USD tiền mặt kèm lời hứa sẽ thanh toán nốt 45.000 USD.

Cá đã vào nhưng FBI chưa vội cất vó. Để "Dirk" ra về bình thường, FBI đã phát hiện thêm một nhân vật trong đường dây gián điệp kinh tế này. Đó là Edmund Duhaney - kẻ đưa đón "Dirk" đến Hartfield-Jackson để giao hàng và là bạn vong niên của Williams.

Hơn chục ngày sau, ngày 27/6/2006, nhân viên FBI lại liên lạc với "Dirk", tỏ ý muốn mua nốt số thông tin bí mật còn lại với giá 1,5 triệu USD và được "Dirk" đồng ý. Ngay trong hôm đó, FBI phát hiện một tài khoản ngân hàng được mở đứng tên Dimson và Duhaney.

Công thức sản xuất nước ngọt của Coca-Cola đã được giữ bí mật trong hơn 120 năm qua.


Kết cục của lần mua bán thứ 3 này là cả Williams, Dimson và Duhaney bị tống giam chờ ngày ra hầu tòa. Vụ việc bị phơi bày ra ánh sáng đã làm chấn động giới kinh doanh Mỹ và thế giới.

Ngày 2/2/2007, Ban hội thẩm Tòa án Atlanta khép Williams và Dimson vào tội âm mưu bán bí quyết kinh doanh của Coca-Cola cho Pepsi Cola. Ngày 23/5/2007, Thẩm phán J.Owen Forrester của Tòa án Atlanta tuyên mức án 8 năm tù cho Williams và 3 năm quản thúc sau khi mãn hạn tù. Kẻ tòng phạm Dimson bị kết án 5 năm tù và 3 năm quản thúc sau khi mãn hạn tù. Williams và Dimson còn phải bồi thường 40.000 USD.

Giải thích về mức án cao hơn đề nghị của công tố viên dành cho Williams, ngài Thẩm phán cho rằng đánh cắp bí mật kinh doanh là hình thức tội phạm "không thể dung thứ", có thể gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Một khi quyết kinh doanh mà Coca-Cola đã cố bảo mật suốt hơn 100 năm bị đánh cắp, tập đoàn này rất có nguy cơ bị phá sản, kéo theo nhiều doanh nghiệp nằm trong các hệ thống cung cấp, sản xuất và phân phối vào tình thế lao đao, đặc biệt là cuộc sống của hàng ngàn nhân viên Coca-Cola cùng người thân của họ ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng.

Qua vụ việc này, nhìn từ góc độ của Coca-Cola, các doanh nghiệp đã thấy được tầm quan trọng của công tác bảo mật thông tin. Cách xử trí khôn ngoan của Pepsi Cola lại là một bài học về sự cạnh tranh lành mạnh. Không làm như trên, Pepsi Cola có thể có được "bí quyết kinh doanh" của Coca-Cola và đánh bại được đối thủ, song ai có thể đảm bảo "cái kim trong bọc" không bao giờ lòi ra, hủy hoại toàn bộ danh tiếng của Pepsi Cola, hoặc Pepsi Cola không bao giờ "nuôi ong tay áo"? Còn cái giá mà Williams phải trả cho thấy một điều rằng, những người làm công ăn lương không chỉ cần trình độ chuyên môn tốt mà cũng rất cần lòng trung thực.

Anh Minh (Tổng hợp)

pJoya Williams, kẻ định bán đứng Coca-Cola.

pCông thức sản xuất nước ngọt của Coca-Cola đã được giữ bí mật trong hơn 120 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN