Cơ quan thường trú ngoài nước - Các “sứ giả” của TTXVN

Sẽ là thiếu sót nếu đề cập đến công tác đối ngoại ngành mà không nói đến sự lớn mạnh của hệ thống phân xã ngoài nước (nay là Cơ quan Thường trú ngoài nước) của TTXVN.


Trước khi nói về hệ thống Cơ quan Thường trú được thành lập một cách chính thức, chính thống và độc lập, xin được nhắc đến hoạt động của các phóng viên, đơn vị của VNTTX tại một số địa bàn như Bangkok, Yangoon, London, Paris như một phần của các phái đoàn ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nếu lịch sử của TTXVN gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước Việt Nam, với cuộc đấu tranh gian khổ và lâu dài của nhân dân Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thì sự hình thành và phát triển hoạt động hợp tác quốc tế của ngành cũng bắt nguồn từ sự lãnh đạo kiên định, linh hoạt và giàu trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng công tác thông tin, cả đối nội lẫn đối ngoại, cả ở trong lẫn ngoài nước.

Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại Lễ khai trương Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Praha, Cộng hòa Séc.
Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ có điều kiện là Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức hình thành tổ chức, hoạt động phù hợp, sử dụng nhân sự linh hoạt để mở rộng thông tin ra nước ngoài, phục vụ cách mạng và kháng chiến.

Việc mở Nhà Thông tin Việt Nam (VNTTX) ở Bangkok (Thái Lan), Yangoon (Myanmar), Paris (Pháp) và London (Anh) từ cuối thập niên 40 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 là trong điều kiện đó.

Trong số các cán bộ được cử đi thực hiện nhiệm vụ cao cả khi đó có nhà báo Lã Vĩnh Lợi (tức Lê Hi) - Phụ trách Sở Thông tin Việt Nam tại Bangkok; nhà báo Hoàng Thịnh tại Yangoon; nhà báo Trần Thanh Xuân - hoạt động trong thành phần Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris.

Các nhà báo Lê Chân và Trần Ngọc Kha phải mượn danh nghĩa phóng viên báo Cứu Quốc để đăng ký hoạt động thường trú tại London, do Chính phủ Anh khi đó không chấp nhận đại diện của một cơ quan thông tấn nhà nước.

Khi tìm lại các tư liệu về thời kỳ này, chúng tôi được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn chuyển cho các bài viết trên Nội san Thông tấn của tác giả Châu Kim Quới (Thawi Swang Panyang), gồm “VNTTX trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Thái Lan 1946-1951” và bài “Thông tấn xã Việt Nam ở Bangkok 1946-1951”. 

Ông khẳng định: “Công tác chính thức thứ hai của phái đoàn là thông tin tuyên truyền, do VNTTX tại 543 phố Silon đảm nhận.”

Đây cũng là nơi khởi nguồn của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở Myanmar và Trung Quốc. Các bài báo đã giới thiệu cụ thể về con người, công việc và cách thức hoạt động của VNTTX trong những năm tháng khó khăn đó ở Thái Lan.

VNTTX ở Bangkok là cơ quan quảng bá tin tức, phát hành tạp chí và sách bằng tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam ở hải ngoại. Ông Châu Kim Quới đã dành những lời tốt đẹp ca ngợi “với số lượng người ít, việc nhiều, điều kiện khó khăn do thiếu thốn cả tiền lẫn thiết bị, song họ đã đạt được những thành tựu kiệt xuất: xuất bản Tin tức in roneo hàng ngày bằng tiếng Anh và tiếng Thái, viết tay in đá tờ Tin Việt Nam hàng tuần, viết bài đăng báo Anh và Thái Lan khi cần phản đối bài báo vu khống của ngoại quốc.

VNTTX tại Bangkok còn in sách chữ Việt như “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh, in sách chữ Thái Lan “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”,… Thuở ấy, phóng viên các báo đài quốc tế như Reuters, AFP… không thể vào chiến khu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên các bản tin của VNTTX tại Bangkok trở thành nguồn tin để họ khai thác, gửi về các hãng.”

Việc mở phân xã tại thủ đô một số nước tư bản trong những năm 60 của thế kỷ trước, trong đó có Paris, là một dấu mốc quan trọng nữa của VNTTX.

Nhà báo lão thành Trần Ngọc Kha khẳng định hoạt động của Phân xã Paris ngay từ những ngày đầu đã phục vụ đắc lực cho việc thông tin về đàm phán Hiệp định Paris giữa Việt Nam và Mỹ (bắt đầu từ tháng 5/1968), và sau đó Phân xã Paris độc quyền thông tin về nước kết quả cuộc đàm phán vô cùng quan trọng này với tiêu đề: “Ngày 27/1/1973, Việt Nam và Mỹ chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

Thực tế cho thấy hoạt động đối ngoại và hoạt động của Cơ quan Thường trú ngoài nước có sự gắn kết hữu cơ và bổ trợ cho nhau ở rất nhiều địa bàn.

Trong một số trường hợp, hoạt động đối ngoại đi trước tạo điều kiện cho việc thành lập Cơ quan Thường trú ngoài nước, và cũng trong rất nhiều trường hợp sự năng động của phóng viên Thường trú tại địa bàn giúp ngành mở mang quan hệ bang giao.

Với sự lớn mạnh của hệ thống cơ quan thường trú trong hơn nửa thế kỷ qua, TTXVN thực sự tự hào nói rằng đội ngũ phóng viên thường trú tại 28 quốc gia chính là các đại sứ của ngành trên trường quốc tế.

Việt Trang - Quỳnh Mai
Thông tấn xã Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc
Thông tấn xã Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc

Hòa trong niềm vui chung của cả dân tộc trong những ngày tháng 9 lịch sử này là niềm vui của các thế hệ những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) với sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành (15/9/1945-2015).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN