Chuyện tình cảm động của cặp vợ chồng nguyện chết cùng nhau trên tàu Titanic

Bộ phim Titanic có cảnh một cặp vợ chồng già lặng lẽ nằm trên giường và chờ chết khi con tàu bắt đầu ngập nước. Họ là một cặp vợ chồng có ở ngoài đời thực tên là Isidor và Ida Straus ở New York, Mỹ.

Chú thích ảnh
Bà Ida Straus và chồng Isidor. Wikimedia commons

Theo trang allthatsinteresting, mặc dù hai vợ chồng Straus có thể không chết trên giường như trong phim, nhưng sự thật là họ đã không tìm cách thoát khỏi con tàu Titanic khi nó chìm xuống Đại Tây Dương. Vợ chồng Straus có lý do riêng khiến họ quyết định ở lại trên tàu cùng nhau.

Có thể nói định mệnh của Isidor và Ida Straus là sinh ra là để ở bên nhau. Họ có cùng sinh nhật là ngày 6/2, đều là người gốc Do Thái và cả hai đều di cư từ Đức sang Mỹ trong những năm đầu đời.

Hai người kết hôn vào năm 1871. Isidor làm việc cho doanh nghiệp của cha mình tên là L. Straus & Sons. Đây là một thương hiệu đồ gốm sau này được nhập vào bộ phận thủy tinh và sành sứ tại tập đoàn Macy’s. Ông Isidor làm việc chăm chỉ, cuối cùng đã trở thành người đồng sở hữu toàn bộ chuỗi Macy’s.

Bà Ida Straus rất bận rộn khi vừa làm nội trợ vừa chăm sóc tới 7 người con. Một cậu con trai của họ là Clarence đã chết khi mới hai tuổi. Về phần mình, ngoài công việc kinh doanh, ông Isidor còn là thành viên Quốc hội Mỹ trong một năm. Mặc dù ông Isidor rất bận rộn với công việc nhưng hai vợ chồng ông đặc biệt gần gũi.

Bất cứ khi nào ông Isidor đi công tác, hai vợ chồng đều viết thư cho nhau đầy yêu thương. Họ rất yêu nhau và thực sự ghét phải xa nhau.

Bà Samuel Bessinger, chị họ của ông Isidor, nhớ lại: “Trong số những cặp vợ chồng đã trải qua sóng gió cuộc đời cùng nhau, tình yêu vợ chồng họ thật đẹp. Rất hiếm có thể tìm thấy cặp vợ chồng nào yêu thương nhau hơn thế”.

Khi nghe tin tức về con tàu Titanic mà hai vợ chồng Straus đang ở trên đó, bà Bessinger dường như đã biết số phận của họ. Bà nói: “Chúng tôi biết rõ bà Ida, chúng tôi chắc chắn rằng thay vì bỏ chồng, bà sẽ vẫn ở lại con tàu. Nếu ông ấy không lên một trong những chiếc thuyền cứu sinh, thì chắc chắn cả hai đều sẽ ở lại cùng nhau”.

Là những người có vé số 17483 và được xếp vào khoang C55, Isidor và Ida Straus ban đầu không có kế hoạch đi trên tàu RMS Titanic từ Southampton. Trên thực tế, họ thậm chí không có kế hoạch đến châu Âu vào thời điểm đó.

Vào những năm trước đó, cặp vợ chồng này thường đi nghỉ ở nam California với đối tác kinh doanh của ông Isidor là A. Abraham. Tuy nhiên, cái chết đột ngột của ông Abraham đã khiến họ thay đổi lịch trình và đi nghỉ ở châu Âu vào phút chót.

Họ đã định trở về nhà ở New York cùng với người giúp việc người Anh mới thuê là Ellen Bird. Tuy nhiên, do một cuộc đình công trong ngành than đang diễn ra ở Anh vào thời điểm đó, con tàu mà họ định lên để về nhà đã phải cung cấp than cho một con tàu khác. Đó là con tàu mới mang tên RMS Titanic, đang chuẩn bị cho chuyến khởi hành đầu tiên. Được đi trên con tàu biển xa hoa đó có thể là một thay đổi thú vị.

Chuyến đi đầu tiên của Titanic lại mang tới bi kịch thay vì niềm phấn khích. Con tàu được mô tả là “không thể chìm” đó lại bị số phận trêu ngươi, chìm dưới đáy đại dương ngay trong chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng.

Sau khi cuộc sơ tán khỏi con tàu đang chìm bắt đầu vào đêm định mệnh ngày 15/4/1912, bà Ida Straus và chồng đang đứng trên boong cạnh thuyền cứu sinh số 8. Đại tá Archibald Gracie, một hành khách đã làm quen với ông Isidor trước đó, đã cố gắng thuyết phục bà Ida Straus lên thuyền cứu sinh.

Bà gần như đã đồng ý nhưng khi ông Gracie sau đó đề nghị cho ông Isidor một chỗ trên thuyền vì ông giàu có và địa vị cao, ông Isidor đã cương quyết từ chối khi thấy vẫn còn phụ nữ và trẻ em chưa được lên thuyền cứu sinh. Ông Isidor nói: “Tôi sẽ không đi trước những người đàn ông khác”. Bà Ida đứng bên chồng và nói: “Chúng ta đã sống với nhau nhiều năm rồi. Anh đi đâu, em đi đó”.

Hai vợ chồng đảm bảo rằng người giúp việc mới của họ đã yên vị trên thuyền cứu sinh. Bà Ida đưa cho cô giúp việc chiếc áo khoác lông chồn dài để giữ ấm. Bà Ida nói với cô Bird rằng bản thân bà sẽ không cần nó.

Một lần nữa, một người nào đó lên thuyền cứu sinh đã đề nghị cho bà Ida một chỗ ngồi. Biết chồng sẽ không lên tàu cho đến khi mọi phụ nữ và trẻ em được sơ tán, bà tiếp tục từ chối. Bà hứa với chồng: “Chúng ta sống cùng nhau, chúng ta sẽ chết cùng nhau”.

Lần cuối cùng có người nhìn thấy bà Ida và ông Isidor là khi họ đang ngồi cạnh nhau trên ghế trên boong tàu trong khi con tàu tiếp tục chìm. Cuối cùng, đại dương đã nuốt chửng họ.

Khi được cứu khỏi thuyền cứu sinh, cô giúp việc Ellen Bird đã kể lại chuyện về vợ chồng Isidor và Ida Straus. Câu chuyện đã gây xúc động mạnh với mọi người trên khắp thế giới.

Những người tìm kiếm cuối cùng đã tìm thấy thi thể của ông Isidor. Trong túi ông có một chiếc mề đay lồng ảnh bằng vàng và mã não. Bên trong là bức ảnh của những đứa con. Ông vẫn mặc chiếc áo khoác lót lông.

Người ta không bao giờ tìm thấy thi thể của bà Ida Straus cũng như thi thể người hầu của cặp vợ chồng là John Farthing.

Ông Isidor được chôn cất tại Nghĩa trang Woodlawn ở Bronx, New York. Trên bia mộ là dòng chữ: “Biển nước không thể dập tắt tình yêu/Lũ lụt không thể nhấn chìm tình yêu”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhà máy đóng tàu Titanic được 'giải cứu' khỏi bờ vực phá sản
Nhà máy đóng tàu Titanic được 'giải cứu' khỏi bờ vực phá sản

Nhà máy đóng tàu mang tính biểu tượng Harland and Wolff, nơi đóng chiếc tàu Titanic nổi tiếng, đã được công ty cơ sở hạ tầng năng lượng InfraStrata "giải cứu" khỏi bờ vực phá sản vào ngày 1/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN