Chuyện kể của những người từng phỏng vấn Fidel (tiếp theo và hết)

Cuộc phỏng vấn tình cờ


 

Nhà báo Ignacio Ramonet tại buổi lễ ra mắt cuốn “Một trăm giờ với Fidel”.

 

Với nhà cách mạng, nhà văn Nicaragua Tomas Borge, việc gặp gỡ và phỏng vấn Fidel lại diễn ra một cách ngẫu nhiên và không hề có kế hoạch trước. Giữa Fidel và Borge có sự trùng hợp đáng chú ý, đó là hai người cùng sinh vào ngày 13/8. Sau ngày cách mạng Nicaragua thành công 19/7/1979, Borge là Phó Tổng thư ký Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandino (FSLN), kiêm Bộ trưởng Nội vụ Nicaragua. Trong một lần gặp Fidel tại buổi chiêu đãi, Borge nảy ra ý định phỏng vấn nhà lãnh đạo Cuba. Ông nhớ lại: “Khi tôi nói ý định của mình, Fidel có vẻ hơi ngạc nhiên bởi vì tôi không phải là một nhà báo chuyên nghiệp, không phải là người xa lạ, hiếu kỳ. Fidel biết rõ tôi là một người khâm phục cách mạng Cuba và ông chấp nhận cuộc phỏng vấn với người anh em cùng chí hướng”.


Với câu hỏi đầu tiên về cảm nghĩ của ông khi bản thân đã trở thành bất tử ngay lúc còn đang sống, lúc ấy Fidel trầm tư khá lâu, khác với cá tính sôi nổi, mạnh mẽ thường thấy, rồi mới từ tốn diễn giải về sự không tồn tại của cái gọi là “bất tử”. Fidel lập luận rằng không có gì là bất tử khi một ngày kia cả trái đất cũng sẽ biến mất. Trái đất không còn nữa có nghĩa là sự bất tử cũng không tồn tại và ông dẫn lời Jose Marti: “Tất cả mọi vinh quang trên thế giới chỉ nằm gọn trong một hạt ngô”. Tomas Borges sau đó đã lấy câu này để đặt tên cho cuốn sách của ông. Nhiều phần trong tập sách phỏng vấn Fidel này của Tomas Borge cũng đã được dịch đăng trên báo chí ở Việt Nam vào cuối thập kỷ 1980, đầu thập kỷ 1990 của thế kỷ trước.


Cuộc đối thoại dài nhất trong lịch sử


Học giả Ignacio Ramonet cho biết ông đã có thời gian và điều kiện để đọc tất cả các quyển sách của các đồng nghiệp đi trước đã phỏng vấn Fidel. Từ đó, dưới ánh sáng của các sự kiện và tình hình mới, ông đã hình thành dự án về tác phẩm “Một trăm giờ với Fidel”.


Theo Ramonet, ý định ban đầu của ông không có gì to tát và chỉ là làm một phim tài liệu không dài, trong đó nêu lên cách tiếp cận và kiến giải của Fidel về một thế giới nhiều biến động với khoảng thời gian quay chỉ chừng 15 đến 16 tiếng, đồng thời làm một bộ đĩa DVD khoảng 7 tiếng. Tuy nhiên, câu chuyện giữa ông và Fidel bất ngờ kéo dài hơn ngoài dự định, nhà lãnh đạo Cuba bỗng cảm thấy hứng thú với chương trình của Ramonet. Fidel không chỉ tiếp và đưa nhà báo đến nhiều nơi trên đất Cuba mà còn mời Ramonet cùng đi trong chuyến sang dự lễ nhậm chức của Tổng thống Ecuador Lucio Gutierrez để có thời gian chia sẻ và đàm luận về mọi vấn đề ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.


Nhà báo Ramonet cũng ý thức rằng việc kéo dài và mở rộng chủ đề của cuộc phỏng vấn với lãnh tụ Cuba lúc đó là cần thiết bởi vì Fidel vào thời điểm bắt đầu các cuộc phỏng vấn của Ramonet đã xấp xỉ tuổi 80, và ông đã nhiều lần cho thấy bản thân không có điều kiện bắt tay vào việc tự viết hồi ký như nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Fidel thậm chí đã từ chối nhiều lời mời trị giá hàng triệu USD của các nhà xuất bản lớn trên thế giới để viết hồi ký.


Nhà làm phim Italy Gianni nhận xét: “Phỏng vấn lãnh tụ Cuba là mơ ước của nhiều người, hay có thể nói là của hầu hết những người làm báo trên thế giới, bất kể chính kiến và khuynh hướng chính trị của từng người có thể khác, thậm chí đối lập với quan điểm của Fidel. Tuy nhiên, được phỏng vấn Fidel là chuyện quá khó đối với nhiều người bởi đơn giản là ông không có đủ thời gian để đáp ứng hàng ngàn lời đề nghị như vậy”.


 

Trang bìa cuốn “Un Grano de Maiz” (Một hạt ngô) của Tư lệnh cách mạng Tomas Borge.

 

Đối với những người từng có may mắn được đối thoại với Fidel thì vấn đề vừa rất khó nhưng lại rất dễ. Tiến sỹ Frei Betto cho rằng khó nhất là làm sao tiếp cận được với con người luôn suy tư về những vấn đề không phải chỉ của Cuba mà còn cả những vấn đề mang tính chiến lược toàn cầu, những đề tài đang là mối quan tâm của cả nhân loại tiến bộ. Khó là làm sao đặt ra được những câu hỏi trúng vào những vấn đề mà Fidel cũng đang trăn trở, còn khi người phỏng vấn đã thể hiện được bản lĩnh của mình và làm cho Fidel chú ý tới những vấn đề đặt ra thì lúc đó mọi việc lại trở nên rất dễ. Một khi Fidel đã bị thu hút bởi những đề xuất của bạn thì chính ông là người sẽ mời bạn đến để thảo luận và trình bày các kiến giải, quan niệm của ông. Và nếu vấn đề cần phải có thêm thời gian để thảo luận và phản biện thì chính Fidel là người sẽ không chịu kết thúc chừng nào mọi sự chưa được sáng tỏ.


Fidel là một con người đặc biệt, là một chính khách trí thức, uyên bác, là nhà lý luận có tầm kiến thức sâu rộng, đồng thời là người hoạt động thực tiễn nhạy bén. Ông là người luôn kiên định với quan điểm của mình nhưng không phải là người giáo điều. Ông cứng rắn và quyết đoán nhưng cũng là người biết hòa giải, bao dung những quan điểm và cách tư duy khác mình. Fidel là nhà quân sự tầm chiến lược, đồng thời cũng là nhà chỉ huy tác chiến đầy trí tuệ và linh hoạt.


Fidel là một chiến binh của thời đại, ông đã đương đầu với 10 đời Tổng thống Hoa Kỳ, là đối thủ bất khả chiến bại của 20 đời Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Fidel là người đã chèo lái con thuyền cách mạng Cuba vượt qua mọi phong ba bão táp trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhà báo Ramonet kết luận, được đối thoại và thảo luận với con người như Fidel làm sao lại không phải là niềm tự hào và vinh dự của những người làm truyền thông?


Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)

Chuyện kể của những người từng phỏng vấn Fidel
Chuyện kể của những người từng phỏng vấn Fidel

Trong giới báo chí nước ngoài vẫn thường truyền tụng một con số thống kê cho biết, khi lãnh tụ Fidel Castro còn đương chức, hàng năm có khoảng 2.000 nhà báo trên khắp thế giới gửi thư, điện đề nghị phỏng vấn ông.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN