Chương trình tên lửa của Đức Quốc xã - Kỳ cuối

Những khối óc ở Peenemunde không chỉ nghĩ về tên lửa. Tháng 2/1936, một tiến sĩ người Áo tên là Eugen Sanger đã công bố hai bài viết về máy bay chạy bằng tên lửa, tương tự như chiếc Heinkel HE 112 mà von Braun đã cho bay một năm trước.

Được đặt tên là Chim Bạc, thiết kế của Sanger dành cho một loại máy bay vào không gian, có thể bay xa với thời gian rút ngắn. Ông đã thu hút sự chú ý của Bộ Chỉ huy cấp cao Đức, và họ đã cho phép ông nghiên cứu để chế ra một loại phương tiện có thể tấn công nước Mỹ. Đức Quốc xã không muốn nghiên cứu về thăm dò không gian. Tên lửa và những chuyến bay vào không gian chỉ có tác dụng nếu nó giúp gây sự hủy diệt hàng loạt cho kẻ thù của họ mà thôi.

Chim Bạc là một loại máy bay phẳng dùng động cơ tên lửa để đạt độ cao trên 145 km, vượt ra ngoài không gian. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là phương tiện do con người chế tạo bay được cao nhất vào thời điểm đó. Mộ̣t khi đạt độ cao lớn nhất, chiếc máy bay được dự định “dội lại” trên không gian trước khi hạ xuống, thả bom vào mục tiêu ở xa tới 23.500 km.


Chiếc máy bay Chim Bạc.


Tuy nhiên, giống như nhiều kế hoạch trong chương trình không gian của Đức Quốc xã, nó không bao giờ trở thành hiện thực. Chim Bạc cho thấy các nhà khoa học tên lửa vẫn không tính được độ nóng khi phương tiện quay trở lại từ không gian. Nếu Chim Bạc thực sự được phóng đi, chắc chắn nó sẽ tan tành trong lần đầu tiên quay về khí quyển của Trái đất. Tuy nhiên, nó vẫn có tầm ảnh hưởng lớn với ngành khoa học thăm dò không gian sau đó. Thiết kế thân nâng của Chim Bạc đã truyền cảm hứng cho một số loại phi thuyền được Mỹ phát triển sau này, trong đó có cả phi thuyền con thoi.


Năm 1945, Mỹ và Liên Xô đều biết rất rõ tài năng của các nhà khoa học ở Peenemunde, những người có thể tạo ra các cỗ máy tân tiến nhất. Tới mùa xuân năm 1945, người Liên Xô gần như chắc chắn có thể tới Peenemunde trước và giành lấy các nhà khoa học về tay mình. Điều này khiến Mỹ hoảng sợ vì họ không muốn Liên Xô sở hữu những công nghệ mà họ chẳng thể nào đạt tới. Vì thế, năm 1945, Mỹ đã cho triển khai Chiến dịch Kẹp giấy, một chương trình để thu dụng các nhà khoa học Đức từng tham gia nghiên cứu các loại “vũ khí kỳ diệu”. Người Mỹ lập một danh sách các nhà khoa học hàng đầu cần phải thu hút về, và von Braun đương nhiên nằm trong số đó.


Lính Mỹ xem xét tên lửa V-2 sau khi Đức đầu hàng.


Von Braun và nhóm của ông đứng trước quyết định: Hoặc chờ cuộc chiến kết thúc và để người Liên Xô bắt giữ, hoặc bỏ trốn và tìm tới Mỹ. Tháng 4/1945, von Braun nhận được đến 10 lệnh từ Bộ Chỉ huy cấp cao Đức, vốn cũng chưa biết phải làm gì với các nhà khoa học của mình. Một số lệnh buộc họ phải tham gia chiến đấu ở tiền tuyến với quân Liên Xô. Ngoài ra lại có lệnh buộc họ rút sâu về nội địa Đức. Von Braun đã chọn làm theo lệnh rút, đưa hàng trăm nhân viên của mình đến Mittelverk, một nhà máy từng sản xuất V-2. Họ sau cùng đã đi tới làng Oberammergau, nơi họ gặp quân đội Mỹ và đầu hàng.


Chiến dịch Kẹp giấy của Mỹ vì thế đã thành công. Trong khi đó, Liên Xô đã đến Peenemunde và giành được nhiều tài sản, thông tin mà các nhà khoa học đã để lại. Mỹ nhanh chóng đưa các nhà khoa học tên lửa Đức về Texas, bất chấp những nỗ lực của tình báo Anh nhằm moi thông tin từ von Braun và nhóm của ông. Những diễn biến này đã giúp tạo ra thế cân bằng trong cuộc đua về không gian giữa Mỹ và Liên Xô trong những năm 1960 và 1970.


Giờ đây Mỹ sở hữu những nhà khoa học tên lửa giỏi nhất của thế kỷ 20, những người mơ về du hành vũ trụ nhưng lại bị rơi vào vòng xoáy chế tạo vũ khí chiến tranh. Bất chấp quan hệ với Đức Quốc xã, các nhà khoa học này vẫn đóng góp vào chương trình không gian của Mỹ. Đáng chú ý, từ tháng 7/1960 đến tháng 2/1970, von Braun chính là giám đốc đầu tiên của NASA. Trong số một loạt thành tựu gắn với các nhà khoa học ở Peenemunde sau này, giấc mơ thăm dò không gian của họ rốt cuộc đã trở thành hiện thực khi vào ngày 21/7/1969, lần đầu tiên Mỹ đưa con người lên Mặt trăng.



Trần Anh

Chương trình tên lửa của Đức Quốc xã- kỳ 2
Chương trình tên lửa của Đức Quốc xã- kỳ 2

Von Braun và nhóm của ông tiếp tục công việc chế tạo dòng tên lửa Aggregate, trong đó chiếc A-3 chuẩn bị được ra lò. Nó là bản nâng cấp đáng kể của A-2, tên lửa mà von Braun đã chế tạo trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN