Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại - Kỳ cuối:

Kỳ cuối: Hiệp định Hòa bình - con đường còn lắm chông gai


Thông thường, kết cục của một cuộc chiến tranh sẽ được giải quyết theo hai bước, đó là ký kết Hiệp định đình chiến và sau đó là một hiệp định hòa bình. Cuộc chiến tranh Triều Tiên không nên nằm ngoài quy luật này. Theo thời gian, đã xuất hiện những nhân tố giúp thúc đẩy việc ký kết một Hiệp định mới. 14 trên tổng số 16 nước có quân tham chiến tại Triều Tiên (1950 - 1953), bao gồm cả Anh, Canađa, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Pháp cũng đã thành lập phái bộ ngoại giao tại Bình Nhưỡng. Thêm vào đó, từ đầu thập niên 1990 đến nay, hòa hợp, hòa giải dân tộc cũng là một dòng chảy chủ yếu trong quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc trên bán đảo Triều Tiên.

Đại diện các bên liên quan nhóm họp ngày 26/7/2005 tại Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.


Tại nhiều thời điểm khác nhau, đã xuất hiện các tiếng nói, đề xuất đàm phán, ký kết hiệp định hòa bình. Tháng 4/1994, tháng 2/1996, tháng 10/1998 và mới đây nhất là tháng 5/2013, Triều Tiên đưa ra lời đề nghị đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc, nhằm thay thế Hiệp định đình chiến bằng hiệp định hòa bình. Thậm chí, Bình Nhưỡng đã từng đề nghị Oasinhtơn thành lập một tổ chức chức quân sự liên hợp nhằm thực hiện những mục còn lại của Hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, đáp lại là sự im lặng hoặc từ chối của cả Oasinhtơn và Xơun. Tháng 6/1996, Mỹ và Hàn Quốc đề xuất đàm phán bốn bên nhằm thảo luận, ký kết một hiệp định mới, với sự tham dự của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Bắc Kinh và Bình Nhưỡng phản ứng một cách do dự, không đưa ra lời khẳng định chính thức nào.


Việc tạo lập một hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên luôn là quá trình đầy gian nan, phức tạp - như chính bản chất cuộc chiến này. Nguyên nhân chủ yếu là các bên liên quan trực tiếp dường như có quá ít lòng tin, nhưng lại thừa nghi ngại. Triều Tiên luôn cho rằng Oasinhtơn chưa bao giờ thật tâm trong quan hệ đối với Bình Nhưỡng, kể cả về lời nói và hành động; luôn thai hành chính sách “thù địch” đối với chính quyền miền Bắc. Mỹ và Hàn Quốc thì lại nhìn nhận, Triều Tiên là nhân tố gây bất ổn cho an ninh tại khu vực, với chính sách và lập trường thiếu nhất quán. Các tiếng nói, đề xuất về “đàm phán hòa bình”, “ký hiệp định hòa bình”… vì thế đôi khi chỉ là cách nói ngoại giao nhằm mục đích thử phản ứng của phía bên kia, hoặc là gây dư luận, tạo thanh thế cho bên mình. Tính chất phức tạp lại tăng lên gấp bội, khi nó được cộng thêm “mớ bòng bong” là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nội riêng vấn đề ký hiệp định hòa bình trước hay phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trước cũng đã là một bài toán hóc búa với các bên liên quan.


Công nhân may mặc trong Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.


Một hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sẽ là nhân tố quan trọng giúp tạo dựng hòa bình thế giới và an ninh khu vực. Vấn đề đặt ra là: Ai sẽ là chủ thể chính và đâu là các bước đi để đạt được một hiệp định như vậy.


Về mặt lôgic, các chủ thể liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên, Hiệp định đình chiến (1953), Hội nghị hòa bình Geneva (1954) - quan trọng nhất là hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc - phải là các bên liên quan đến bất kì một hiệp định mới nào. Vai trò của Hàn Quốc và Triều Tiên là yếu tố tiên quyết, vì đây là hai chủ thể trực tiếp nhất. Điểm thuận lợi là cả hai nước đều đã là thành viên Liên hợp quốc (LHQ), đều có địa vị pháp lý, chủ quyền hợp pháp và bình đẳng. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Trung Quốc có thể chỉ cần đóng vai trò là người đứng bên cạnh, chứng kiến hai miền Triều Tiên ký kết hiệp định. Nhưng xuất phát từ lợi ích cũng như vai trò của hai cường quốc này, việc tham gia trực tiếp của Oashinhtơn và Bắc Kinh được xem là nhân tố bảo đảm cho sự ổn định lâu dài, vững chắc trên báo đảo Triều Tiên. Cùng với đó, LHQ sẽ là bên đưa ra các nghị quyết ủng hộ tạo lập hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.


Trong quá trình đàm phán, ký kết, các bên sẽ phải tập trung giải quyết nhiều nội dung như: xác định lại ranh giới phân định trên bộ, trên biển; bình thường hóa các quan hệ ngoại giao, kinh tế, xã hội; thay đổi lại thế bố trí quân sự, các kế hoạch chiến tranh của hai miền có thể gây ra xung đột quân sự không mong muốn. Để đạt được điều đó, cần phải sử dụng đến một loạt những thỏa thuận hòa bình mang tính chuyển tiếp. Đầu tiên là “Tuyên bố hòa bình”, được kí kết giữa Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên và có thể là cả Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, như là một văn bản tuyên bố chấm dứt tình trạng thù địch. Trong “Tuyên bố” này, ngôn từ và nội dung phải thể hiện đậm nét quyết tâm chính trị của các bên, ít nhất phải đạt đến cấp độ như tuyên bố chung ngày 12/10/2000 giữa Mỹ - Triều Tiên: “Không một chính quyền nào được duy trì thái độ thù địch đối với các bên còn lại. Chính phủ hai bên sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng một quan hệ mới không còn thù địch như trong quá khứ”. Tuyên bố này có thể được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao 6 bên khi bàn về giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.


Tiếp đến là thỏa thuận thiết lập một “cơ chế hòa bình” để thay thế Hội đồng đình chiến quân sự (MAC) trong những năm 1950, vốn được thành lập để giám sát lệnh ngừng bắn, phòng ngừa xung đột. Cơ chế này cũng đóng vai trò là nơi ngăn ngừa, giải quyết những xung đột như vụ Triều Tiên bắn hạ một máy bay do thám của Mỹ vượt quá khu phi quân sự (1994), vụ đấu pháo giữa hai miền tại đảo Yeonpyeong (11/2010). Cơ chế hòa bình này có thể chỉ gồm 3 bên là Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc - những nước có hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là nơi để tiến hành đàm phán về những biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai hoặc ba bên, ví dụ như việc thiết lập đường dây nóng giữa lực lượng hải quân các bên.


Trong văn hóa của người Triều Tiên ở cả hai miền Nam - Bắc, khoảng thời gian 60 năm đã được coi là sự trọn vẹn của một đời người. Đến lúc hai miền Triều Tiên kết thúc chiến tranh, chấm dứt tình trạng đối đầu để mở ra một thời kì hòa bình, hòa hợp, hòa giải, thậm chí là thống nhất đất nước, như lời cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung từng nói: “Giờ đây, cửa đập đã mở, dòng nước hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên có thể trở thành luồng chảy mạnh mẽ vì hòa bình và thịnh vượng của bán đảo Triều Tiên”.


Hoài Thanh (tổng hợp)



 

Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại - Kỳ 2
Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại - Kỳ 2

Hiệp định đình chiến được ký giữa Đại tướng Nam Il - đại diện cho Phái đoàn cấp cao Quân đội CHDCND Triều Tiên và “Quân chí nguyện” Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - với Trung tướng William Harrison, đại diện cho Phái đoàn cấp cao Bộ Chỉ huy quân đội Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 27/7/1953,...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN