Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại

Cách đây đúng 60 năm, cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, hay còn gọi là Chiến tranh Triều Tiên, chứng kiến một sự kiện quan trọng: Ngày 27/7/1953, các bên liên quan chính thức ký kết Hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hai miền Nam - Bắc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kĩ thuật, bởi vẫn chưa có một hiệp định nào được ký kết. Từ Hiệp định đình chiến đến Hiệp định hòa bình sẽ là bước tiến quan trọng giúp tạo dựng hòa bình thế giới và ổn định tại khu vực. Nhưng đó cũng là con đường còn nhiều thách thức, chông gai.


Kỳ 1: Diễn biến cuộc chiến


Chiến tranh Triều Tiên - “Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” theo cách gọi của CHDCND Triều Tiên và “Chiến tranh ngày 25 tháng sáu” theo cách gọi của Hàn Quốc - là hệ quả của tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong trật tự thế giới lưỡng cực xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ II, gắn với sự kiện quan trọng là Hội nghị Yalta (1945), nơi hai phe phân chia ảnh hưởng tại các khu vực trên thế giới.


(Từ trái qua) Winston Churchill, Franklin D.Roosevelt và Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta năm 1945.

 

Lần lại lịch sử, bán đảo Triều Tiên nằm dưới ách thống trị của đế quốc Nhật Bản từ năm 1910 đến 1945. Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, quân Nhật đầu hàng quân đồng minh, Liên Xô và Mỹ tiến vào bán đảo Triều Tiên để giải giáp quân đội Nhật. Theo thỏa thuận tại Hội nghị Mátxcơva (27/12/1945), hai cường quốc này sẽ thực hiện chế độ quân quản trên bán đảo Triều Tiên với thời gian ủy trị 5 năm. Liên Xô ở miền Bắc, còn Mỹ ở miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Tuy nhiên, Mỹ đã không tuân thủ thỏa thuận, thúc đẩy tiến hành tổng tuyển cử sớm tại miền Nam vào năm 1948, dựng lên chính quyền Lý Thừa Vãn, thành lập Nhà nước Hàn Quốc (Đại Hàn Dân quốc) ở phía nam. Đáp lại, Bắc Triều Tiên tiến hành bầu cử Quốc hội và đến tháng 9/1948, Nhà nước CHDCND Triều Tiên chính thức được thành lập, do Chủ tịch Kim Nhật Thành đứng đầu. Căng thẳng hai miền Nam - Bắc gia tăng, chiến tranh cận kề.


Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về chủ thể phát động chiến tranh. Triều Tiên cho rằng, dưới sự hậu thuẫn và xúi giục của Mỹ, quân đội Hàn Quốc bất ngờ tấn công Triều Tiên, buộc Chủ tịch Kim Nhật Thành phải ra mệnh lệnh tấn công đáp trả. Các tài liệu của Mỹ và Hàn Quốc lại nhìn nhận Triều Tiên là bên gây hấn. Trên thực địa, ngày 25/6/1950, quân đội CHDCND Triều Tiên đã vượt vĩ tuyến 38 hướng về thủ đô Xơun. Với quân số đông, cùng vũ khí trang bị mạnh, quân đội Triều Tiên nhanh chóng giành thắng lợi, chiếm được thủ đô Xơun chỉ sau 4 ngày.


Lính Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên.

 

Trước diễn biến mau lẹ trên, Mỹ buộc phải can dự trực tiếp để bảo vệ đồng minh, duy trì ảnh hưởng, lợi ích tại khu vực có tầm quan trọng địa chiến lược này. Dưới sự vận động của Mỹ, liên tiếp trong các ngày 25 và 27/6/1950, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết số 82 và 83, lên án CHDCND Triều Tiên “xâm lược” Hàn Quốc, kêu gọi Triều Tiên rút quân ngay lập tức, đồng thời cho phép thực hiện trợ giúp quân sự đối với Hàn Quốc chống lại quân đội Triều Tiên. Đến ngày 7/7/1950, Hội đồng bảo an (HĐBA) tiếp tục thông qua Nghị quyết số 84, kêu gọi các nước thành viên LHQ gửi quân tham gia “Đội quân LHQ” do Mỹ đứng đầu chống Triều Tiên.


Liên Xô lúc này không thể thực hiện quyền phủ quyết do tạm thời vắng mặt tại HĐBA để phản đối việc cho phép “Cộng hòa Trung Hoa” (Đài Loan) chứ không phải CHDCND Trung Hoa (Trung Quốc) nắm giữ ghế thường trực trong HĐBA. Tháng 8/1950, Liên Xô trở lại HĐBA và phủ quyết mọi nghị quyết sau đó liên quan đến can thiệp của quốc tế vào chiến sự tại bán đảo Triều Tiên. Đến ngày 3/11/1950, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết có tên gọi “Thống nhất vì hòa bình”, nêu rõ quyền ra nghị quyết trước “các hành động vi phạm hòa bình” sẽ thực hiện tại Đại hội đồng, trong trường hợp có bên phủ quyết tại HĐBA. Dưới danh nghĩa này, Mỹ đã lôi kéo được hơn 20 nước tham gia, trong đó có 15 nước gửi quân sang trực tiếp, số còn lại cung cấp, trợ giúp vũ khí, trang bị.


Từ đây, diễn biến và tương quan lực lượng trên chiến trường có những thay đổi lớn. Từ thế bị động, Liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành phản công, vượt vĩ tuyến 38, chiếm được thủ đô Bình Nhưỡng và đẩy quân đội Triều Tiên về sát sông Áp Lục, giáp ranh Trung Quốc. Đứng trước tình huống này, Trung Quốc buộc phải hành động, tung hàng trăm ngàn “quân chí nguyện” sang Triều Tiên nhằm thực hiện công cuộc “kháng Mỹ viện Triều”. Đại hội đồng LHQ lập tức tuyên bố Trung Quốc chính thức tham gia xâm lược tại Triều Tiên, yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức rút quân về nước. Chiến sự giữa hai bên sau đó chuyển sang thế giằng co. Ngày 27/7/1953, tại làng Panmunjeom (Bàn Môn Điếm) - giới tuyến phân cách hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, các bên liên quan đã ký Hiệp định đình chiến.


Chiến tranh Triều Tiên - “Cuộc chiến bị lãng quên” theo cách nói của nhiều học giả, có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Trật tự thế giới hai cực sau Chiến tranh thế giới thứ II với đặc trưng quan hệ Mỹ - Liên Xô chuyển từ trạng thái hợp tác sang đối đầu là nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất dẫn đến Chiến tranh Triều Tiên. Về bản chất, nó vừa mang dáng dấp của một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc, vừa mang hình thái xung đột vũ trang tầm thế giới, với sự tham dự của hơn 20 nước. Đây cũng là cuộc chiến đầu tiên mà một bên tham gia được đứng dưới danh nghĩa và ngọn cờ của LHQ. Về diễn biến, chiến sự mới chỉ chấm dứt trên danh nghĩa. Sau 60 năm, hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, khi mà các bên liên quan vẫn chưa thể ký kết một hiệp định hòa bình. Vậy tại sao lại có tình trạng này?


Hoài Thanh(tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 2: Hiệp định đình chiến - Tính pháp lý và giá trị thực tiễn

Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại - Kỳ 2
Chiến tranh Triều Tiên – 60 năm nhìn lại - Kỳ 2

Hiệp định đình chiến được ký giữa Đại tướng Nam Il - đại diện cho Phái đoàn cấp cao Quân đội CHDCND Triều Tiên và “Quân chí nguyện” Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - với Trung tướng William Harrison, đại diện cho Phái đoàn cấp cao Bộ Chỉ huy quân đội Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 27/7/1953,...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN